
Đội tình nguyện dặm vá đường của Trung miệt mài mở rộng cầu Tắc Cây Bàng cho người dân đi lại. Ảnh: Cửu Long
Giữa trời nắng như đổ lửa của những ngày hè, đội tình nguyện dặm vá đường vẫn miệt mài với công việc mở rộng cầu Tắc Cây Bàng, trên trục đường chính của cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Công trường nhộn nhịp, hối hả với sự tham gia hàng chục thanh niên, trung niên và cả lão nông. Theo phân công, nhóm này đục thành cầu cũ, nhóm kia nối thép, nhóm khác cưa cây làm thanh đà, xẻ ván đóng cốp pha sàn cầu. Những người còn lại trộn bêtông chuẩn bị đổ lên phần mặt cầu mở rộng. Cứ thế, đà làm tới đâu thì cốp pha tới đó, việc nối thép liền theo và bêtông được đổ lên liên tục.
Đang tất bật xẻ gỗ làm cốp pha, quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, lão nông Lê Văn Năm (84 tuổi, thành viên lớn nhất của đội) hổn hển nói: "Già rồi nhưng còn khỏe, ở nhà tui buồn lắm. Tham gia cùng mấy đứa nhỏ giúp bà con đi lại dễ dàng là thân già này vui lắm rồi".
Đội trưởng Nguyễn Minh Trung (32 tuổi) cho biết, cầu Tắc Cây Bàng cũ rộng 3,2 m, dài 24 m, xe cộ đi lại khó khăn nên đội của anh mở rộng thêm hai bên 1,6 m. "Không tính công của anh em trong đội, ván, cây đà có sẵn từ việc mở rộng cầu kế bên còn dư nên chỉ tốn 30 triệu đồng mua vật tư", Trung nói.
Trung cho biết, sau công trình này, đội tiếp tục mở rộng cầu Xà Cừ trên địa bàn cùng 300 m lộ hai bên đầu cầu. Đồng thời, việc dặm vá đường vẫn duy trì thường xuyên mỗi khi thành viên trong đội phát hiện hoặc chính quyền, người dân gọi điện báo. "Nếu làm chậm trễ, lỡ bà con, nhất là các em học sinh chạy xe bị sụp ổ gà, ổ voi té, gãy tay chân thì tội nghiệp lắm", anh chia sẻ.
Trung sinh ra trên cù lao Tân Lộc, học đến lớp 6 phải nghỉ phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm thuê. 10 năm trước, thấy nhiều đoạn đường ở quê bị hư hỏng, đi lại khó khăn, nhiều vụ tai nạn xảy ra, Trung tự giác về nhà lấy tiền dành dụm đi mua xi măng, cát, đá và dụng cụ mang đến dặm vá. Cứ thế hàng ngày, chàng thanh niên 22 tuổi rảo khắp các ngả đường ở cù lao tìm nơi hư hỏng để thi công.

Đội trưởng Trung (trái) cùng các thành viên vá "ổ voi" trên tuyến đường chính của cù lao Tân Lộc. Ảnh: Cửu Long
Ban đầu, nhiều người dân tưởng anh được nhà nước nhận vào làm, trả lương cho việc bảo trì đường xá. Khi biết Trung tự bỏ tiền túi, làm không công, không ít người dè bỉu. Dần dà, dân làng vẫn thấy bóng dáng chàng thanh niên gầy vẫn nhẫn nại trên khắp các nẻo đường, âm thầm "làm chuyện bao đồng", đem lại sự an toàn giao thông trên quê hương mà cảm phục, quý mến và nhiệt tình ủng hộ.
Rồi hễ thấy Trung đến vá đường ở đâu thì dân ở đó tự động nấu cơm nước mời ăn, uống. Nhiều thanh niên, học sinh thấy Trung làm việc có ích cho xã hội cũng nhiệt tình tham gia khiến đội tình nguyện ngày càng đông.
Dân khắp cù lao thấy nhóm tình nguyện của Trung dặm vá đường nhiều năm liền có hiệu quả, chất lượng tốt nên nhiệt tình hưởng ứng. Người góp 50.000 đồng, 100.000 đồng... Những hộ nuôi cá tra, nhà vườn du lịch hoặc có vườn cây đặc sản lớn thường ủng hộ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nhiều người con Tân Lộc làm ăn xa về thăm quê thấy việc làm ý nghĩa của các thanh niên miệt vườn đã sẵn lòng góp tiền để đội tình nguyện làm đẹp quê hương.
Từ năm 2012, số lượng thành viên thường trực luôn đạt 15 người, đội dặm vá đường được thành lập, do Trung làm thủ lĩnh. Có nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân, Trung tự mày mò học hỏi thêm kỹ thuật, mạnh dạn đề xuất với chính quyền và ngành chức năng cho phép mở rộng hệ thống cầu, đường nông thôn từ 2-3 m lên 4-5 m, phục vụ việc phát triển của địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách gần xa.
Đến nay, thành viên của đội tăng lên 30 người. Ngoài nhiệm vụ bảo trì thường trực gần 30 km đường trên cù lao, đội đã mở rộng 20 cầu lớn trên trục lộ chính và xây mới 40 cầu nhỏ ở các đường nhánh. "Nhờ bà con ủng hộ nên nguồn quỹ được duy trì, hàng tháng đều công khai chi tiêu đến tất cả thành viên, chính quyền địa phương và mạnh thường quân", Trung cho biết.

Hệ thống đường trên cù lao Tân Lộc khang trang, sạch đẹp, nhờ sự góp sức lớn của đội tình nguyện dặm vá đường độc nhật miền Tây. Ảnh: Cửu Long
Tiếng lành đồn xa, bây giờ ngoài cù lao Tân Lộc, người dân các địa phương lân cận như Đồng Tháp, Vĩnh Long... cũng thường gọi điện đặt hàng đội của Trung đi xây cầu, vá đường. "Kinh phí thì bà con tự lo, mình đóng góp công sức, cố gắng hoàn thành tốt cho bà con đi an toàn", Trung tâm sự và cho biết vẫn chưa có ý định cưới vợ vì "việc bao đồng còn nhiều lắm".
Ghi nhận công sức mà Trung và các cộng sự trong đội dặm vá đường tình nguyện độc nhất miền Tây, chính quyền cùng ngành chức năng các cấp đã trao tặng 32 bằng khen, 2 kỷ niệm chương. Đặc biệt là bằng khen, kỷ niệm chương của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ GTVT...
"Bà con nhân dân xứ Tân Lộc này mang ơn các anh em trong đội dặm vá đường nhiều lắm. Nhờ họ mà các tuyến đường, cây cầu đều được sửa sang rộng rãi, người dân đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương", ông Nguyễn Trọng Ngọc, Chủ tịch UBND phường nhận xét.
>> Xem video: Đội tình nguyện vá đường, xây cầu độc nhất miền Tây
Cửu Long