Theo Reuters, người đứng đầu công ty nhà thầu tìm kiếm MH370 hôm nay cho rằng chiếc máy bay đã lướt đi trên biển thay vì lập tức rơi xuống như giả thiết ban đầu, điều này đồng nghĩa việc tìm kiếm trong hơn hai năm qua là sai vị trí.
Chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines số hiệu MH370, chở 239 hành khách và phi hành đoàn, biến mất trên màn hình radar vào ngày 8/3/2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Đội tìm kiếm do công ty Fugro của Hà Lan dẫn đầu đã tìm MH370 trên Ấn Độ dương, phía tây Australia.
Diện tích tìm kiếm dự tính rộng 120 nghìn km vuông, và cho đến nay chỉ còn một phần mười khu vực này chưa được rà quét. Thời tiết khắc nghiệt mùa đông nam bán cầu với sóng lớn và gió mạnh gây khó khăn và nhiều trì hoãn cho việc tìm kiếm. Giới chức các nước dự kiến kết thúc rà quét vào tháng 8, nhưng việc này nay lùi lại có thể đến tháng 10. Cuộc tìm kiếm được coi là tốn kém nhất lịch sử, huy động nhiều nhất các quốc gia, tàu thuyền, máy bay tham gia, tiêu tốn 137 triệu USD.
Ông Paul Kennedy, giám đốc dự án tìm kiếm của Furgo, nêu giả thiết MH370 không lao ngay xuống biển khi hết nhiên liệu, mà đã lướt đi thêm nữa, dẫn đến suy đoán nó có thể đã ra khỏi nơi được khoanh vùng tìm kiếm lâu nay.
"Nếu máy bay có người lái, nó có thể lướt đi xa hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu. Chúng tôi tin rằng kết luận hợp lý là kịch bản khác đã xảy ra", Kenedy, từng là một phi công nhiều kinh nghiệm, nói. Theo ông, một phi công có thể điều khiến một chiếc Boeing 777 đi thêm 193 km nữa kể từ lúc nó cạn nhiên liệu,
Tuyên bố của Kenedy cũng là lần đầu tiên giới chức xét giả thiết gây tranh cãi, cho rằng đã có người điều khiển máy bay trong những khoảnh khắc cuối cùng.
Dựng lại những phút cuối của MH370 là điều vô cùng khó khăn. Rất nhiều giả thiết đã được đặt ra. Người ta cho rằng có thể một, hai phi công hoặc cả hai đều không cầm lái MH370, hoặc máy bay đã đâm xuống biển mà không ai kiểm soát. Các nhà điều tra cũng tin rằng có người cố ý tắt bộ phát đáp của MH370, dùng để liên lạc với kiểm soát không lưu.
Vào thời điểm sau khi MH370 mất tích, các nhà điều tra căn cứ vào dữ liệu vệ tinh có được, cho rằng máy bay đã bay trên Ấn Độ dương khoảng 6 giờ kể từ lần cuối xuất hiện trên radar, không có sự điều khiển của con người vào thời gian cuối, cạn nhiên liệu và lao xoáy trôn ốc xuống biển. Dựa trên giả thiết này, giới chức các nước nhất trí khoanh vùng tìm kiếm ngoài khơi phía tây Australia, dọc đường đi dự đoán của MH370.
Các cơ quan điều tra của Mỹ, Pháp, Anh, Australia, cũng như các hãng chế tạo liên quan, không ủng hộ giả thiết máy bay đã lượn thêm do điều khiển của con người sau khi cạn nhiên liệu. Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATSB), chịu trách nhiệm điều phối cuộc tìm kiến, nhiều lần bảo vệ việc tìm kiếm trong khu vực đã được khoanh vùng. ATSB chưa bình luận về giả thiết máy bay MH370 lướt đi thêm nữa mà Kennedy đưa ra hôm nay.
Một số mảnh vỡ máy bay thu được trong nhiều tháng qua tại các bờ biển ở châu Phi đã được gửi tới Australia để kiểm tra xác minh.
"Mọi dữ liệu thu được từ cuộc tìm kiếm chuyên bay mất tích MH370 sẽ được công bố", phát ngôn viên của ATSB cho biết.
Ba quốc gia tham gia tìm kiếm nhiều nhất là Trung Quốc, Australia, Malaysia đã thống nhất sẽ không tiếp tục tìm kiếm ngoài vùng 120.000 km vuông đã định, nếu không thu được thêm bằng chứng quan trọng nào.
Bộ trưởng Giao thông của ba nước sẽ họp ở Malaysia ngày mai để nhìn lại quá trình tìm kiếm.
Xem thêm: Australia xác nhận mảnh vỡ ở Mozambique là của MH370
Văn Việt