Vợ chồng tôi đều 35 tuổi, là người tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, có hai con, thu nhập trung bình khoảng 30-40 triệu một tháng. Cách đây gần bảy năm, tôi có gần 100 triệu tiền tiết kiệm. Nhờ bố mẹ hai bên vay mượn thêm, tôi mua được căn nhà nhỏ ở vùng ven thủ đô với giá 450 triệu. Sau khi hoàn tất giấy tờ, tôi cắm sổ đỏ, lấy tiền trả bớt chỗ nợ bố mẹ vay giúp. Tôi để thời gian trả góp dài chút để tiền trả hàng tháng nhẹ hơn. Mục tiêu là gom tiền trả nợ trước hạn. Sau gần ba năm, chúng tôi trả hết nợ và bán căn nhà đó, vay ngân hàng mua căn nhà khác gần trung tâm hơn với giá 1,2 tỷ. Chúng tôi phải vay gần nửa giá trị căn nhà và trả góp hàng tháng, hướng tới mục tiêu trả hết nợ trước hạn.
Với gia đình tôi, trả nợ có động lực hơn tiết kiệm nhiều. Ngoài khoản nợ treo trên đầu, cuộc sống gia đình không thay đổi quá nhiều: tiền lãi nhà như đóng tiền thuê trọ (nhiều hơn chút), các khoản chi tiêu sinh hoạt và tiết kiệm (vừa để phòng thân vừa gom để trả nợ trước hạn). Nhưng khác là chúng tôi có nhà riêng, thoải mái mua sắm đồ đạc hoặc sửa chữa theo ý mình. Tôi nghĩ đơn giản rằng, nợ mới có động lực làm để trả. Vả lại đằng nào cũng mua, sao không mua sớm, tận hưởng sớm mà phải đợi rất lâu sau mới được dùng. Chưa kể, khi đủ tiền, chắc gì đã mua được nhà ở khu vực mình mong muốn nữa. Tiền kiếm thì lâu chứ giá đất biến động, chẳng biết đâu mà lần, mà tôi dám chắc chỉ lên chứ khó giảm lắm. Nếu rơi vào trường hợp cần tiền gấp hoặc không thể trả nợ, bán nhà là giải quyết được rồi.
Nói đâu xa, căn nhà tôi đang ở đã lên gần hai tỷ. Nếu cách đây ba năm, tôi không quyết định mua, giờ chưa chắc đã mua được. Nói chung, chờ tiết kiệm đủ tiền mới mua nhà thì chẳng bao giờ mua được nhà ưng ý đâu, trừ khi có người cho một khoản lớn.
Khang
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc