Vụ kiện đang khiến dư luận Trung Quốc chú ý trong những ngày gần đây.
Hồ sơ của tòa án Bắc Kinh cho biết, nhân viên này ký hợp đồng từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2022, phụ trách vận hành sản phẩm và liên lạc với khách hàng để mở rộng kinh doanh. Không chỉ thường xuyên làm việc muộn, cô còn phải làm việc qua ứng dụng nhắn tin WeChat trong suốt ngày nghỉ, cuối tuần mà không được trả phụ cấp.
Về phía công ty, nhà tuyển dụng không coi việc phản hồi tin nhắn khách hàng qua mạng là làm thêm giờ. Họ nhìn nhận nó như một phần công việc của nhân viên, chỉ là giao tiếp đơn giản, không liên quan đến chế độ giờ làm không cố định mà hai bên đồng ý trong hợp đồng.
Do không thể hòa giải, nhân viên đâm đơn kiện công ty và đưa các bản chụp màn hình WeChat làm bằng chứng. Cô khẳng định đã làm thêm hơn 500 giờ và đòi đền bù số tiền xứng đáng. Tòa án nhân dân số 3 Bắc Kinh ra phán quyết nghiêng về phía nguyên đơn và cho rằng việc sử dụng mạng xã hội ngoài giờ làm việc không phải là giao tiếp đơn giản.
"Nói cách khác, công việc là cố định và định kỳ chứ không phải tạm thời hoặc ngẫu nhiên vì vậy nó nên được xác định là làm thêm giờ và xứng đáng được thanh toán", tòa án khẳng định.
Tòa án cho biết thêm, việc đưa ra chế độ giờ làm việc không cố định cần được chính quyền cho phép bằng văn bản nhưng nhà tuyển dụng không có giấy tờ này. Dựa trên lịch sử chat do nguyên đơn cung cấp và xét đến mức lương, hiệu quả làm việc, thời gian và nội dung công việc, tòa quyết định bị đơn phải thanh toán 30.000 tệ cho nguyên đơn.
Theo các chuyên gia, nhân viên có quyền yêu cầu trả liền làm thêm giờ nếu họ làm việc ngoài công sở hay ngoài giờ trong thời gian dài. Họ nên học cách ghi lại bằng chứng để tự bảo vệ.
Xu Hao, luật sư đến từ hãng luật Beijing Jingsh, nhận xét làm việc qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin ngày càng phổ biến trong kỷ nguyên Internet. Người lao động, đặc biệt là những người làm việc linh hoạt, không yêu cầu đến văn phòng hay địa điểm cố định, có thể phải làm thêm giờ mà không hay biết.
So với công việc truyền thống, ông Xu đồng ý rằng rất khó để tính toán thời gian làm thêm giờ và tiền công nhưng điều đó không có nghĩa doanh nghiệp có thể lợi dụng sự linh hoạt để buộc nhân viên làm việc. Ông kêu gọi nhân viên nâng cao nhận thức pháp lý và đứng lên vì quyền lợi của mình thông qua luật pháp hoặc hòa giải nếu nhà tuyển dụng vi phạm luật lao động.
Theo luật lao động Trung Quốc, nhân viên không làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày và không quá 44 giờ mỗi tuần. Họ có quyền nghỉ ít nhất một ngày hàng tuần. Nhà tuyển dụng được phép tăng thời gian làm việc để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất sau khi đàm phán với công đoàn và nhân viên. Trong trường hợp này, thời gian làm thêm không quá ba giờ mỗi ngày và không quá 36 giờ một tháng để bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Luật sư Zhao Zhanling của hãng luật Yunjia khuyên các ứng viên nên đọc kỹ luật và quy định làm thêm giờ trước khi nhận việc. Hiểu rõ hai điều này sẽ giúp họ biết nhà tuyển dụng có phạm luật hay không. Họ cũng nên thu thập bằng chứng để tự bảo vệ khi xảy ra tranh chấp, theo Li Zhongsheng, giám đốc pháp lý Hiệp hội luật sư Liaoning.
Huy Phương (Theo China Daily)