Theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Các quy định của Bộ luật này, từ Điều 463 đến Điều 471 về hợp đồng vay tài sản cũng không quy định hợp đồng vay tài sản bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản. Do đó, pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ trường hợp cho vay tiền không thể hiện bằng văn bản.
Chị chồng vay tiền bạn nhưng bạn đòi không trả là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể lựa chọn các hướng xử lý là làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc làm đơn tố giác đến cơ quan công an để trình báo về sự việc trên.
Mặt khác, theo khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người nào thực hiện hành vi vay, mượn tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt 5-12 năm.
Tuy nhiên trong trường hợp làm đơn khởi kiện ra tòa hay làm đơn tố giác đến cơ quan Công an, bạn cũng cần phải xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bạn cho chị chồng bạn vay tiền.
Bạn cần thu thập được những tin nhắn, đoạn ghi âm hay hình ảnh về việc vay tiền giữa hai người. Nếu việc vay tiền giữa chị chồng bạn và bạn có người làm chứng thì lời khai của người đó là một trong những chứng cứ quan trọng chứng minh việc vay tiền trên có tồn tại.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội