Ông Thơ giải thích, theo quy định thông thường, dân muốn bày tỏ kiến nghị, đề xuất… sẽ phải đi qua rất nhiều tầng nấc: gửi đơn từ, chờ được xem xét và không biết bao giờ mới nhận được hồi đáp. Những thủ tục cứng nhắc đó khiến họ mệt mỏi, ngần ngại và vì vậy ngày một tạo nên khoảng cách lớn giữa người dân và nhà chức trách.
Mặc dù còn quá sớm để nhìn thấy hiệu quả việc làm của ông Thơ, chia sẻ của vị tân Chủ tịch Đà Nẵng khiến tôi có cơ sở hy vọng. Do đặc thù công việc, tôi từng nhiều lần tiếp cận với các quan chức. Không phải quan chức nào cũng khó liên lạc. Nhưng cũng không ít lần, tôi gửi email, gọi điện cho nhiều vị mà không nhận được hồi đáp. Nhiều người trong số họ chỉ cần nhìn thấy số lạ là nhất định không nghe máy. Nếu nghe, họ thường né tránh bằng những lý do quen thuộc như “bận họp”, “đang đi công tác”…
Trong khi đó, thay vì thoái thác, tôi tin rằng, việc đối thoại sẽ là cách tốt hơn, ít nhất nó tạo cơ hội để hai phía lắng nghe nhau, hiểu được bản chất vấn đề đang gặp phải. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Doãn Mậu Diệp đã chọn cách nói chuyện với hàng nghìn công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam tại TP HCM về quy định Bảo hiểm Xã hội mới, sau khi những công nhân này xuống đường đình công. Trước những ý kiến không đồng tình của công nhân với những quy định được cho là bất hợp lý, ông Diệp đã ghi nhận và hứa kiến nghị với Chính phủ để xem xét lại quy định trên cơ sở tính đến nguyện vọng người lao động. Lời hứa của ông Diệp nhận được tràng vỗ tay của rất nhiều công nhân, khiến họ quyết định quay lại làm việc ngay sau đó.
Chỉ một ngày sau cuộc đối thoại, Chính phủ đồng ý sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng giải quyết cho người lao động tự chọn hình thức hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, tiếng nói của người dân đã có tác động đến chính sách, nhờ hiệu quả của một quá trình giao tiếp, bắt đầu từ thái độ lắng nghe, chứ không phải là sự né tránh như thường thấy.
Trong tiếng Anh, công chức được gọi là “public servant”, hoặc “civil servant”, dịch nôm na là “công bộc của dân” - đây cũng là cách ví von của nhiều vị quan chức Việt Nam. Tôi thấy cách gọi đó là hợp lý, vì viên chức, công chức được hưởng lương nhà nước lấy từ chính tiền thuế của dân. Công việc của công chức, viên chức, thực tế là giúp đỡ những người dân đã đóng góp cho xã hội qua những khoản thuế, phí.
Trong thời đại hiện nay, sẽ là quá tham vọng khi trông đợi mọi công chức hoàn thành mọi vai trò “công bộc” như kỳ vọng, bởi xã hội càng hiện đại thì nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của mỗi người càng đa dạng. Thế nhưng, được lãnh đạo lắng nghe không phải là một đòi hỏi quá tham vọng. Và tôi luôn tin rằng, sự chủ động đối thoại bao giờ cũng đạt hiệu quả tích cực hơn việc bị buộc phải đối thoại.
Minh Thi