Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Giữa bạn và người vay tiền đã xác lập một hợp đồng vay tài sản, các bên có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại điều luật này cũng như các điều luật khác có liên quan hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật Dân sự 2005 (từ Điều 472 đến Điều 479).
Pháp luật hiện hành không quy định hợp đồng vay tài sản phải công chứng, chứng thực. Như vậy, hợp đồng vay tài sản có thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi nhất định đều có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng vay tiền giữa bạn và người bạn được lập thành văn bản, có dấu lăn tay của người vay, dù không có công chứng, chứng thực thì hợp đồng đó vẫn được coi là hợp pháp về hình thức. Trong hợp đồng hai bên đã giao kết về việc vay tiền thì theo đó cũng phát sịnh các quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay theo quy định pháp luật.
Bạn có đủ điều kiện để khởi kiện đòi lại số tiền đã cho vay
Nếu bên vay cố tình không thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu xét xử, bảo vệ quyền lợi của mình. Khi khởi kiện, giấy vay nợ được lập giữa hai bên sẽ là căn cứ để tòa án xác định nghĩa vụ trả nợ của bên vay tiền.
Theo điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự, đơn khởi kiện của bạn phải đầy đủ các nội dung:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện bạn có thể gửi các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, cụ thể là giấy viết tay về việc vay nợ giữa hai bên để tòa án xem xét, giải quyết.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội