Động thái của các đối tác sản xuất thiết bị cho Apple là nhằm hạn chế công nhân mình tiếp xúc với các nguồn bệnh Covid-19 khi về quê đón Tết. Thời gian qua, Covid-19 là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lao động, làm gián đoạn quá trình lắp ráp sản phẩm.
Pegatron - đối tác lắp ráp iPhone lớn thứ hai chỉ sau Foxconn - đang áp dụng chính sách thưởng 4.000 nhân dân tệ (617 USD) cho những ai quyết định ở lại nhà máy dịp Tết Nguyên đán 2021. Chính sách này áp dụng cho tất cả nhà máy của Pegatron khắp Trung Quốc. Bên cạnh đó, những ai đang ở ký túc xá sẽ được miễn phí đến hết tháng 3.
Luxshare Precision Industry - đối tác sản xuất tai nghe AirPods và Apple Watch cho Apple - đăng một bức thư ngỏ kêu gọi nhân viên ăn Tết tại nhà máy. Công ty cũng hứa sẽ tặng những phần quà giá trị, đi kèm các hoạt động giải trí cao cấp cho ai ở lại.
"Với dịp Tết Nguyên đán năm nay, chúng tôi kêu gọi mọi người ở lại, dành thời gian cho đồng nghiệp. Chúng ta sẽ là một gia đình", Luxshare viết trên WeChat. "Hành động của bạn sẽ giúp bản thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công ty và đất nước được an toàn".
Foxconn - đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple - cũng đăng tuyển dụng tại cơ sở Longhua ở Thâm Quyến. Nơi đây không chỉ gia công thiết bị cho Apple, mà còn cho các hãng khác như Google, Amazon. Trong bài đăng tuyển dụng, công ty cũng kêu gọi công nhân ở lại đón Tết. "Chúng tôi vẫn bận rộn dịp Tết Nguyên đán, do đó chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân công với đãi ngộ tốt nhất", đại diện Foxconn chia sẻ. "Chọn cách ở lại giữa đại dịch là đóng góp lớn nhất cho chính bạn, cho mọi người và cho đất nước".
Các công ty công nghệ tại Trung Quốc đang nỗ lực tránh đi vào "vết xe đổ" năm ngoái. Đầu 2020, nhiều nhà máy của Foxconn, Pegatron... phải vật lộn để duy trì sản xuất bằng cách giữ cho hàng trăm nghìn công nhân không bị nhiễm Covid-19, đồng thời phải đối phó với tình trạng thiếu lao động do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế giao thông trong giai đoạn đầu của đại dịch. Sự gián đoạn này khiến nhiều công ty phải dời ngày phát hành một số sản phẩm, như Apple với loạt iPhone 12.
Việc để người lao động về quê dịp Tết Nguyên đán cũng sẽ khiến các nhà máy gặp nhiều trở ngại. Thông thường, những người đi và đến từ vùng dịch sẽ bị cách ly 14 ngày, tiếp đó phải tự theo dõi thêm 7 ngày tùy theo quy định của từng địa phương. Việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, những công ty cần nhân công để sản xuất sau lễ.
Tuy nhiên, mục đích chính của các nhà máy gia công vẫn là giảm nguy cơ lây lan Covid-19 trên diện rộng trong giai đoạn "Xuân vận". Theo ước tính của Bộ Giao thông Trung Quốc, năm nay sẽ có khoảng 1,7 tỷ lượt vận chuyển trong khoảng thời gian từ 28/1 đến 8/3.
Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc, là thời điểm mọi người trên khắp đất nước và người sống ở nước ngoài trở về quê hương sum vầy với gia đình. Tuy nhiên, năm nay chính quyền Trung Quốc đang tăng cường phòng chống Covid-19. Chính quyền nhiều tỉnh và thành phố yêu cầu người dân ở nhà trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhằm ngăn dịch lây lan. Bắc Kinh trước đó ban hành một số biện pháp nghiêm ngặt, như yêu cầu công nhân viên chức ở lại thành phố trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Trung Quốc đến nay ghi nhận hơn 89.000 ca nhiễm và hơn 4.600 trường hợp tử vong vì Covid-19. Một số ổ dịch mới đang bùng lên ở các tỉnh Hà Bắc, Cát Lâm và Hắc Long Giang và được xem là đợt bùng phát lớn nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 3/2020.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)