Theo Economic Times, Wistron đang trong quá trình bán dây chuyền lắp ráp tại Kolar, gần Bengaluru (Ấn Độ) cho tập đoàn Tata - bên đang lắp ráp thử nghiệm iPhone 15. Công ty đóng cửa trong bối cảnh những đối tác khác của Apple như Foxconn và Pegatron đang tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ.
Wistron có trụ sở chính tại Đài Loan, bắt đầu vào Ấn Độ năm 2008 với một cơ sở sửa chữa máy tính và một số thiết bị công nghệ khác. Năm 2017, họ trở thành một trong ba đối tác sản xuất iPhone toàn cầu của Apple tại Ấn Độ. Trước đó, công ty lắp ráp iPhone 14, iPhone 13, iPhone 12 và iPhone SE.
Sớm tham gia chuỗi cung ứng của Apple nhưng công ty gần như không mở rộng được quy mô hoạt động và phải rời cuộc chơi. Một nguyên nhân khác được cho là văn hóa làm việc của Wistron không phù hợp. Tháng 12/2020, nhà máy tại Kolar xảy ra bạo loạn khi công nhân bị chậm lương. Sau đó Apple đưa Wistron vào diện quản chế và đến 2/2021, nhà máy mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên gần đây, hơn 400 nhân viên tiếp tục biểu tình vì bị ban quản lý trả lương ngang bằng với nhân viên thời vụ cấp thấp hơn.
Trong khi sự việc chưa được giải quyết, Wistron đã lên kế hoạch rút khỏi chuỗi cung ứng của Apple tại Ấn Độ vì không tìm thấy lợi nhuận. Thay vào đó, công ty đặt cược vào các doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin cốt lõi của mình tại Việt Nam, Mexico. Năm 2020, Wistron cũng ngừng lắp ráp iPhone ở Trung Quốc, bán một phần dây chuyền cho Luxshare.
Trong bối cảnh Apple muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Ấn Độ được xem là hy vọng mới. CEO Tim Cook đã trao cho Wistron hợp đồng sản xuất iPhone SE ở quốc gia này. Tuy nhiên sau đó, Foxconn và Pegatron cũng xây dựng nhà máy iPhone ở đây. Từ 2022, nhiều mẫu iPhone quan trọng đã bắt đầu được sản xuất tại Ấn Độ và các đối thủ của Wistron cũng đã chứng minh được năng lực.
Vì sao Wistron đóng cửa?
Nguồn tin nội bộ cho biết Wistron đã cố gắng đàm phán với Apple để có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, nhưng Wistron quá nhỏ bé so với Foxconn và Pegatron nên không được ưu tiên. Một giám đốc điều hành công ty nói dù cùng nằm trong chuỗi cung ứng cho Apple, Wistron không thể tham gia vào mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao như Foxconn, Pegatron.
Chuỗi cung ứng này có ba lớp ở Ấn Độ. Đầu tiên là nhà cung cấp linh kiện sản xuất cảm biến máy ảnh, màn hình, pin, loa cho iPhone. Sau đó là nhóm quản lý kho hàng cho nhà cung cấp với nhiệm vụ sắp xếp, lưu trữ và vận chuyển các thành phần đến đơn vị lắp ráp. Lớp này cho phép Apple duy trì mô hình sản xuất ổn định, đúng tiến độ, thường được giao cho Foxconn và Pegatron. Cuối cùng là các nhà sản xuất hợp đồng, lắp ráp sản phẩm cuối như Wistron.
Theo Mark Zetter, chuyên gia tư vấn quản lý tại Venture Outsource (Mỹ), chìa khóa để sản xuất theo hợp đồng trên toàn cầu là quản lý kho hàng, nơi tỷ suất lợi nhuận có thể lên tới gần 100%.
"Nếu bạn tham gia vào một hoặc cả ba lớp của chuỗi cung ứng, từ thiết kế đến sản xuất, vận chuyển, phân phối và thậm chí hậu cần, doanh thu sẽ rất ổn định. Nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro nếu thị trường tiêu thụ chậm hơn dự đoán", Zetter cho hay. Các nhà phân tích cho rằng Wistron tham gia vào lớp thấp nhất, lợi ít nhất nên khó có thể thu hồi dòng tiền đã bỏ ra.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Wistron cho biết văn hóa làm việc không phù hợp khiến công ty khó mở rộng hoạt động ở Ấn Độ. Tại đây, Wistron sẽ duy trì hoạt động sửa chữa thiết bị phần cứng, vốn vẫn mang lại lợi nhuận cho công ty.
Apple bị ảnh hưởng gì?
Dù là công ty đầu tiên lắp ráp iPhone ở Ấn Độ, đến nay Wistron lại là đối tác nhỏ nhất, nên việc đóng cửa được cho là ít tác động tới Apple. Một số hợp đồng cũ đang được các đơn vị mua lại duy trì. Tuần trước, Luxshare đã mua hai trong số các nhà máy. Tập đoàn Tata cũng đang tiến hành mua nhà máy thứ ba của Wistron, chuẩn bị cho việc lắp ráp iPhone 15.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm quản lý địa phương cũng là thách thức cho đối tác lắp ráp iPhone. Nhà máy của Wistron cách xa thành phố, hệ thống giao thông kém phát triển khiến việc đi lại gặp khó. Ngay cả khi có hợp đồng lắp ráp iPhone 15, Tata cũng có thể đi vào vết xe đổ của Wistron khi vẫn là công ty nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng của Apple.
Khương Nha (theo Economic Times)