Sống ở Sài Gòn hơn 25 năm thì cũng 25 mùa xuân thành phố náo nhiệt này vẫn không ngăn được bước chân khát khao cháy bỏng của đứa con xa quê trở về với Quảng Trị. Những ngày cuối năm, tôi thường đếm từng ngày, từng đêm, mong cho thời gian trôi qua thật nhanh để sớm về quê với mẹ.
![Hình ảnh mẹ phát lộc cho con cháu đêm giao thừa](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/26/anh-1-me-dang-phat-tai-loc-cho-6831-9203-1422233663.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aoqUGxTmauDR8i7s7KBxQg)
Hình ảnh mẹ phát lộc cho con cháu đêm giao thừa.
Tôi rất thích không khí những ngày chuẩn bị đón Tết ở quê. Nào là trang trí bàn thờ ông bà, phát quang đường làng, tìm mua nhánh mai hay vài chậu hoa vạn thọ vàng rực thật vừa ý… thôi thì đủ thứ cái phải lo, lòng rộn ràng, háo hức. Bữa cơm tất niên tại nhà mẹ thật ấm cúng làm sao! Sau khi nghe mọi người báo cáo về những thành tích học tập, công tác trong năm, tuy tuổi đã già mẹ vẫn nâng ly chúc mừng từng đứa con, đứa cháu trong niềm hoan hỷ của đại gia đình.
Về quê ăn Tết, ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là đêm giao thừa. Gia đình tôi có truyền thống sau khi cúng giao thừa xong thì tất cả con cháu tập trung về nhà mẹ để mừng tuổi mẹ. Trong tiếng nhạc vui vẻ bài hát Happy New Year, những lời tâm sự đầu năm mới của mẹ là khuyên răn con cháu sống có đạo đức, hiếu thảo, làm người tử tế, bởi mẹ quan niệm rằng “sống có đức, mặc sức mà ăn”. Bài học làm người đầu năm mới mẹ dạy đã giúp cả đại gia đình tôi luôn sống đoàn kết, thương yêu đùm bọc. Đó chính là món quà quý giá nhất khi mà cuộc sống đang đầy rẫy những xô bồ, bon chen và một số chuẩn mực xã hội đang bị đảo lộn.
![anh-3-tac-gia-dang-mat-xa-cho-6806-3669-](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/26/anh-3-tac-gia-dang-mat-xa-cho-6806-3669-1422233663.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5nD5ZhjCK2CVfc8qmW-1oQ)
Con xoa bóp lưng cho mẹ ở cái Tết cuối cùng.
Cũng sau giây phút giao thừa, mẹ hóa thân thành Thần Tài để phát lộc cho con, cháu, chắt. Chúng tôi ngồi quây quần bên mẹ trên chiếc chiếu cói. Mẹ cầm cái hộp màu đỏ có ghi chữ “Tài Lộc” màu vàng, bên trong đựng những mẩu giấy nho nhỏ ghi giải thưởng. Con cháu hái lộc bằng cách bốc thăm may mắn, ít nhiều ai cũng có quà. Không khí buổi hái lộc đầu Xuân thật rôm rả, vui nhộn, ai cũng mong một năm mới tài lộc, may mắn đến với cả gia đình.
Là một Phật tử nên mẹ luôn dạy con cháu làm điều hướng thiện. Tiền con cháu mừng tuổi, phần lớn mẹ nhờ người đem đi cúng dường ở nhiều chùa nhằm tạo phúc đức cho con cháu. Cứ sáng sớm mùng một Tết, mẹ thường dẫn con cháu đi chùa Thanh Long lễ Phật đầu năm. Chùa Thanh Long nằm ở cuối làng Lam, phía trước là cánh đồng lớn xanh mởn màu mạ non mới cấy, khung cảnh yên ả thanh bình đến lạ với đàn cò trắng dập dờn mà nơi đô thành phồn hoa dễ gì có được. Mẹ vui khi thấy chúng tôi thành tâm hướng Phật. Mấy ngày Tết, làm gì thì làm, mẹ dặn anh em chúng tôi phải đi thăm hết bà con trong làng thay mẹ. Dường như điều lớn nhất mà mẹ sợ là sợ con cháu quên đi Tổ tiên ông bà.
Cha mất sớm nên đã từ lâu mẹ là “cái nóc” của cả gia đình tôi, là điểm tựa tinh thần cho chúng tôi dù các con của mẹ đều đã trưởng thành. Thế nhưng Tết Giáp Ngọ vừa rồi, sau mấy tháng lâm bệnh nặng, ở tuổi 85, mẹ sa sút hẳn. Suốt mấy ngày Tết, tôi luôn túc trực bên mẹ. Khi xoa bóp cho mẹ, bàn tay tôi cảm nhận được tấm thân gầy gò, chỉ còn da bọc xương của mẹ. Hỏi mẹ: “con mát xa vậy mẹ có thích không”, mẹ trả lời yếu ớt: “mẹ thấy khỏe ra”. Linh cảm có thể đây là mùa Xuân cuối cùng còn mẹ, tự nhiên mắt tôi cay xè. Lúc đó tôi chỉ ước ao ngồi xoa bóp cho mẹ mãi mãi, miễn là mẹ sống lâu trăm tuổi. Vậy mà Tết Giáp Ngọ trôi qua chưa được bao lâu, mẹ bỏ con cháu ra đi mãi mãi.
![anh-4-tac-gia-va-me-trong-ngay-5697-3118](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/26/anh-4-tac-gia-va-me-trong-ngay-5697-3118-1422233663.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LZo9NRKwQCnZ242spgfr7g)
Con và mẹ trong ngày Đại lễ Vu Lan năm 2012.
“Xuân này con về Mẹ ở đâu?/Quê nghèo Xuân về mưa hắt hiu/Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng/Xuân về không Mẹ nụ hoa kém tươi…”. Mẹ ơi, con vốn rất thích bài hát này và đã từng lo sợ có một ngày con như người lính trở về quê hương đón Xuân thì mẹ không còn nữa. Không ngờ điều lo lắng ấy đã thành sự thật. Nay con đã mồ côi mãi mãi rồi… Xuân này, con không còn cơ hội được cài bông hồng trên áo, không còn cơ hội được hát bài “Mừng tuổi mẹ” mỗi dịp xuân về, không còn được cùng mẹ đi chùa lễ Phật ngày Tết, không còn nhận được những lời dạy dỗ ân cần của mẹ đầu năm mới nữa rồi...
Ở trên trời, mẹ giờ là áng mây, nhẹ nhàng bay qua trần gian, bay qua đời con…
Mẹ ơi, con đã mua vé máy bay để cùng vợ con về quê ăn Tết Ất Mùi. Quê hương dù thiếu mẹ thì con vẫn trở về. Tết đoàn viên này con không biết ra sao khi ngôi nhà con vẫn thường đón Tết hơn mấy chục năm qua sẽ rất trống vắng, cô quạnh. Vẫn biết đời là vô thường, nhưng mẹ ơi, con vẫn không muốn chấp nhận sự thật, khi cảnh vật thân quen vẫn còn đây mà mẹ đâu rồi. Xuân này con về tìm lại hơi ấm của mẹ hiền, tìm lại những dấu yêu xưa thời thơ ấu…
Mẹ ơi, xuân này con về, mẹ ở đâu?!
Nguyễn Đăng Bình
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |