Qua sự giới thiệu của ông Tôn Thất Tuấn, trưởng thôn Phú Gia, tôi tìm đường đến nhà ông Tường trong một buổi chiều chớm đông ảm đạm. Tiếp chuyện tôi trong căn nhà cấp 4 trống trải, ông Tường buồn buồn: “Đồ đạc trong nhà cứ vơi dần theo những chuyến đi chữa bệnh cho 3 đứa con”.
Ông Tường và bà Hiền sinh được 4 người con. Anh con trai đầu là Phan Hưng, từ khi sinh ra anh đã không được bình thường như bao người đứa trẻ khác. Lớn lên anh Hưng may mắn cưới được chị Gái về nâng khăn sửa túi. Hai anh chị có được một người con trai. Cháu là niềm tự hào, an ủi của 2 ông bà và của chị Gái. Những tưởng khi có gia đình bệnh tình anh Hưng sẽ thuyên giảm phần nào, nhưng đâu lại vào đấy. Có hôm trưa nắng nổ đom đóm, anh Hưng bắt cậu con trai độc đinh ra phơi nắng ngoài đường quốc lộ, hàng hóa đồ đạc trong nhà bị quẳng dần ra sân trong mỗi lần anh phát bệnh. Chị Gái ứa nước mắt khi nghe cậu con trai hỏi rằng "Mẹ ơi! sao nhà mình không giống nhà người ta?"
Người con kế là chị Phan Thị lành, từ nhỏ chị bình thường như bao thiếu nữ, chị cũng yêu, rồi chị có con. Đáng tiếc tình yêu nở hoa chưa kịp khoe sắc đã lụi tàn khi người yêu phát hiện ra chị có vấn đề về thần kinh và bỏ rơi chị. Người con gái nhỏ bé phải oằn mình trước nỗi đau về tinh thần và thể xác. Rồi bệnh chị ngày một nặng. Cho đến bây giờ đã 16 năm trôi qua, khi đứa con gái của chị đã lên 6, chị vẫn phát khùng không chịu mặc quần áo kể cả trời nóng hay lạnh. Chỉ độc nhất cái mền được chị cuốn tròn lại, rồi trốn biệt trong đó như sợ ánh mắt, sự tiếp xúc của người lạ.
Khi nói về cậu con trai thứ 3 Phan Văn Toản bà Hiền rớm nước mắt: “Hàng xóm ai cũng khen nó được trai nhất nhà, khỏe mạnh nhất nhà. Rồi một lần nó đi Sài Gòn về chẳng hiểu nguyên do cứ ngồi lì, hỏi không nói. Còn đập phá đồ đạc, đi lung tung trong xóm. Ông bà sợ con trai gây ra hậu họa gì đành xiềng chân lại nhốt trong góc nhà. Năm nay Toản tròn 25 tuổi, cái tuổi sung sức, tươi trẻ và xông xáo nhất của cuộc đời. Thế mà Toản ủ rũ ngồi nhà phải chịu sự hầu hạ của bố mẹ khiến cho em trở nên bất lực.
Cậu con trai út may mắn hơn hiện tại đang sống và học tập tại TP Đà Nẵng và cũng là niềm an ủi lớn của ông bà. Hiện tại ông tường đã 66 tuổi, bà Hiền 65, cái tuổi gần xế chiều, nhưng 2 ông bà vẫn còng lưng làm việc kiếm dăm ba chục thêm vào mắm muối hàng ngày. Sáng bà đi cắt cây rành rành, ông ở nhà trông con. Chiều ông đi hái tràm, bà ở nhà trông con. Sự bấp bênh trong thu nhập, cùng những lo toan cho cuộc sống khiến 2 ông bà già hơn so với tuổi.
Theo ông Tôn Thất Tuấn, trưởng thông Phú Ga, gia đình ông Tường thuộc dạng đặc biệt của thôn, nên thôn cũng cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ. Nhà nước cũng có một số chính sách hỗ trợ tuy nhiên kết quả vẫn không mấy khả quan. Chữa bệnh được mấy hôm đầu tỉnh tỉnh, sau lại quay về hiện trạng cũ.
Bênh tật như thế, 3 đứa con của ông bà không thể tự vệ sinh ăn uống. Hàng ngày ông Tường nhỏ bé loay hoay tắm rửa cho cậu con trai to gấp 2 lần ông. Bà Hiền lại đi năn nỉ người con gái cho bà mang đi tắm. Đến bữa ăn, xới cơm và thức ăn ra tô rồi mang lại cho con, sợ con đói có hôm nhà hết gạo 2 ông bà đành nhường cơm cho con cho cháu. Căn nhà ảm đạm may còn có cháu Phan Thị Mơ con gái chị lành quây quần bên ông bà.
Ông Tường háo hức kể về cháu: “Nó học giỏi lắm, ngoan nữa, ngoài giờ học còn biết phụ giúp ông bà. Nhiều người nói nó này nọ nhưng nó chẳng để tâm, ít khi khiến ông bà buồn. Nhưng nhiều đêm nằm ngủ cạnh cháu thấy cháu nó trở mình thở dài thườn thượt tui cũng buồn thay cho cháu”. Cả căn nhà chỉ thấy được tờ giấy khen của cháu Mơ treo trên tường là điểm sáng duy nhất.
Khi được hỏi nguyên do vì đâu mà 3 đứa con ông lần lượt bị bệnh thì ông Tường cho biết có đoàn, sở về nghiên cứu. Tìm ra nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm. Sau đó nhà nước có cho xây nguồn nước sạch với mong muốn giúp đỡ hỗ trợ cho bà con nơi đây. Nhưng ông Tường vẫn buồn buồn: “Răng con tui hấn không khỏi bệnh”. Trên khóe mắt người cha chực trào nước mắt, khi 2 ông bà còn sống thì chăm bẵm chúng được. Lỡ may ông trời không cho sức khỏe đưa ông bà đi gặp tổ tiên thì ai sẽ thay ông chăm sóc chúng.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng ông bà vẫn lạc quan, vẫn thủ thỉ nhau rằng thôi thì trời kêu ai nấy dạ. Ráng chịu đựng mà nuôi con, dứt ruột mình sinh ra, không thương sao được.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Thị Thu Hiền