Ông ngoại tôi mất đã hơn năm, bà cũng không nhớ nên cứ nghĩ ông còn đang đi làm giấy trên thị trấn chưa về. Tôi ngồi chơi với bà, cứ chút chút bà lại trách: “Cháu đi về qua thị trấn sao không đón ông về cùng? Mấy mẹ con dì Chi ở Đài Loan cũng sắp về rồi, phải đón ông về cho đông đủ cả nhà chứ. Tết nhất mà gia đình mỗi người một nơi, còn gì không khí Tết nữa. Đến hôm nay rồi, nhà máy nghỉ làm hết cả, bà mà khỏe như trước đây, bà chẳng mượn đứa nào đi đón”. Những lúc đó tôi chỉ vâng dạ rồi bảo chút sẽ lấy xe đi đón. Nếu bảo ông mất rồi, bà sẽ lại ngồi khóc, nhiều khi suốt cả ngày chưa dứt.
![DSC05192.JPG](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/03/dsc05192-1422549512-3126-1422955529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=diPzcTPWzMCBUbn04P8_Qw)
Bà giục gói nhiều bánh để đợi dì về.
Tuy bị đãng trí như vậy nhưng có những chuyện bà lại rất nhớ, ví như chuyện của dì Chi đó. Bà vẫn biết dì là con gái thứ sáu, hơn mười năm trước, gia đình khó khăn nên dì chấp nhận lấy chồng Đài Loan để ông bà có được tám triệu đồng trả nợ. Qua bên đấy, không biết cuộc sống của dì có sung sướng hay lại như chị Cúc ở đầu làng phải bỏ mạng nơi xứ người chỉ vì nhà chồng cay nghiệt, mà sau sáu năm biền biệt tin tức. Tết năm 2008, dì mới cùng đứa con gái tám tuổi về thăm ông bà. Ôm chặt đứa con ngày nào còn phổng phao, giờ gầy rộc, xanh xao, bà đã khóc ngất đi ở ngay bậc cửa. Bà bảo, có nằm mơ cũng không tin là mình còn có phúc được hưởng phút giây đoàn tụ thế này.
Năm đó, ông còn khỏe, bà cũng còn minh mẫn nên ông bà đã sắm sửa một cái Tết thật chu tất để mừng dì trở về. Bữa cơm tất niên chiều ba mươi, bà đã không còn lủi thủi ngồi dưới bếp khóc thầm: “Nơi xứ người lạnh thấu da, không biết con nó có được đầm ấm trong ba ngày Tết”? Đêm giao thừa ông cũng không còn lầm rầm chắp ba cây nhang giữa trời van vái: “Mong cho con tôi được mạnh khỏe, bình an”. Niềm vui sum họp gia đình đã đong đầy trong khóe mắt của ông, nụ cười của bà và cả những lời an ủi, sẻ chia của bà con lối xóm. Nhưng ra giêng, mặc cho mọi người khuyên can, dì vẫn gửi lại đứa con nhỏ cho ông bà rồi đi tiếp. Dì bảo, dù có phải bỏ mạng ở xứ người, dì cũng ráng đưa hai đứa con còn lại về Việt Nam sinh sống.
![IMG_0296.JPG](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/03/img-0296-1422548875-8758-1422955530.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fUg8S1SgVvqgTELnU4omcg)
Cả gia đình sum họp xuân 2010.
Và rồi dì đi, năm cái Tết đã trôi qua, chỉ có những cuộc điện thoại hỏi thăm qua lại, còn bóng dì thì vẫn mãi xa xôi. Bà đãng trí nhưng hình ảnh sum vầy của cái Tết năm năm trước cùng dì như còn in sâu trong từng nếp tiềm thức. Như chuyện dì thích ăn dưa hành, từ giữa tháng chạp bà đã kêu cháu gái đi mua hành về để bà muối; hay như thịt kho đông, bà bảo kho nhạt nhạt, thêm nhiều tiêu và mộc nhĩ, ăn mới ngon như dì làm; hoặc bà giục bác cả gói thêm nhiều bánh chưng, để qua Tết dì mang đi, chứ như năm đó gói ít quá, lúc đi chỉ còn hai tấm dúi vội vào ba lô cho dì… Bà còn lọ mọ thu dọn, sắp xếp lại căn buồng cho dì về có chỗ ngủ. Gặp ai đến, bà cũng hỏi: “Mẹ con con Chi ở cái buồng ấy có chật quá không”? Thậm chí bà còn sang nhà hàng xóm mua gà để Tết về làm cho dì ăn món này, món kia…
![DSC05968.JPG](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/03/dsc05968-1422549736-3331-1422955530.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ehgQB_0V6CdN01cGuVKDdA)
Mâm cơm chiều cuối năm vẫn thiếu bóng dì.
Đã năm năm kể từ khi bà còn minh mẫn, bà cứ làm mọi việc như thế. Lúc đầu mọi người còn khuyên can nhưng sau thấy bà vui thì không ai nói gì nữa. Dường như niềm vui khi dì trở về sum họp vẫn đang tồn tại trong suy nghĩ đã giúp tuổi già của bà bấu víu đi qua những năm tháng nhớ thương.
Dì bảo đi rồi dì sẽ về. Vậy mà năm năm rồi dì cứ biền biệt nơi xứ người. Dì ơi, về đi! Ở quê nhà, có những mùa xuân đang mỏi mòn ngóng đợi…
Phạm Văn Ba
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |