"Giấc mơ bay" từ tuổi học trò
Giữa tiết trời Hà Nội tháng ba se lạnh, Hạnh ngồi nhâm nhi ly nước, tí tách mấy hạt hướng dương bên góc cà phê quen thuộc. Sau những giờ bay miệt mài, Hạnh thưởng cho mình chút thời gian để "sống chậm", lắng nghe hơi thở cuộc sống và nhìn dòng người hối hả ngược xuôi trên phố. Trong dòng suy nghĩ quá khứ - hiện tại - tương lai, đôi lúc chị mỉm cười khi nghĩ đến hành trình chạm đến "giấc mơ bay" của mình.
Trong mắt nhiều người, phi công thường có ngoại hình vạm vỡ, mạnh mẽ. Còn Hạnh gây ấn tượng với người đối diện bởi diện mạo nữ tính, xinh đẹp và nhỏ nhắn. Tuy nhiên, từ ban đầu, chị đến với bầu trời không phải vai trò phi công, mà là tiếp viên hàng không, với sự động viên của ông.
Năm tám tuổi, sau một lần được bố mẹ cho đi Sài Gòn bằng phi cơ, Hạnh đã nuôi ước mơ trở thành tiếp viên hàng không. Hình ảnh chiếc máy bay hiện đại, lịch sự, sang trọng, các chị tiếp viên xinh đẹp và dịu dàng đã hằn sâu trong ký ức.
![Hạnh duy trì thói quen ngồi cà phê ngắm phố xá, nhâm nhi ly nước sau mỗi giờ bay.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/03/07/Hong-Hanh-1-4203-1583522499.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OXxjfQr6twik4HRDzgj9kg)
Hạnh duy trì thói quen ngồi cà phê ngắm phố xá, nhâm nhi ly nước sau mỗi giờ bay.
Năm lớp 10, ước mơ một lần nữa "bùng cháy" trong chị khi xem bộ phim truyền hình Chuyện nữ tiếp viên hàng không của Nhật. Chị ấn tượng với Matsumoto Chiaki (Chiemi Hori đóng) - cô gái vụng về, hậu đậu nhưng đam mê công việc đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận. Phim là chặng đường chiến thắng bản thân của Chiaki trong nghề tiếp viên hàng không lẫn tình yêu. Cụm từ "Cố lên Chiaki" gắn với nhân vật đã theo Hạnh suốt năm rộng tháng dài, khích lệ chị mạnh dạn chạm đến giấc mơ.
Học xong cấp ba, chị tình cờ đọc được mẩu tin tuyển tiếp viên hàng không từ tờ báo ông nội đưa. "Biết tôi yêu bầu trời, thích làm việc trên độ cao chục nghìn mét, ông nội khuyến khích tôi đi thi. Kỳ thi tuyển tiếp viên năm 2004 trở thành cột mốc cuộc đời, tôi sẽ không thể nào quên được", Hạnh kể lại.
Khi đam mê tưởng như kết thúc
Lần đầu khoác lên mình bộ đồng phục tiếp viên và hoạt động trên độ cao trung bình 10.000-11.000 m, chị hạnh phúc đến mất ăn, mất ngủ. Lần thứ hai, thứ ba... vẫn giữ nguyên cảm xúc vui vẻ. Những năm sau đó, chị trải qua nhiều chặng bay, từ ngắn, trung cho đến đường dài.
Công việc thay đổi từ khi Hạnh lập gia đình, sinh con. Sáu tháng sau sinh bé đầu lòng, chị chuyển xuống bộ phận mặt đất. Công việc ca kíp rất vất vả. Nếu chiều nay đi làm thì chiều mai mới về, ăn ngủ ở sân bay, suốt ngày chạy đôn chạy đáo. Hết một năm phục vụ mặt đất, Hạnh xin làm hành chính ở một cơ quan khác để chăm con, phù hợp với gia đình.
![Hạnh ngắt quãng vài năm trước khi trở lại nghề tiếp viên năm 2011.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/03/07/Hong-Hanh-2-5904-1583522499.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vFjJqoKHTdWNNtj24GN3Zg)
Hạnh ngắt quãng vài năm trước khi trở lại nghề tiếp viên hàng không vào năm 2011.
Sau vài năm rời xa giấc mơ thuở nhỏ, năm 2011, Hạnh quyết định quay lại nghề và gắn bó với Hãng hàng không Vietjet. Bằng đam mê, nhiệt huyết và kinh nghiệm, chị nhanh chóng thăng tiến lên vị trí tiếp viên trưởng. Mỗi ngày được làm việc trên cao, nhìn thấy những đám mấy trắng bồng bềnh qua ô cửa nhỏ và giúp đỡ mọi người, Hạnh tưởng tượng mình là cô bé Chiaki trong bộ phim kinh điển của Nhật, đảm bảo an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến bay. Với chị, đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui.
Gắn bó với Vietjet dài lâu
Được quay về với ước mơ thuở nhỏ, Hạnh xác định sẽ theo đam mê này đến hết đời. Sau 4 năm làm tiếp viên và tiếp viên trưởng của Vietjet, khi thu nhập kha khá và các con bớt thơ dại, Hạnh ngừng công việc, quyết định đi Mỹ học phi công, bắt đầu hiện thực hóa ước mơ gắn bó với Vietjet dài lâu.
Sang Mỹ học phi công hai năm, chị học tất cả 5 loại bằng theo chương trình và giáo án của Cục hàng không Mỹ. Với chị, hai năm ấy là quãng thời gian đáng nhớ. Về nước, Hạnh tiếp tục sang Singapore học hai tháng theo chương trình tiêu chuẩn của Vietjet để rồi tới tháng 4/2019, chị chính thức trở thành cơ phó của Vietjet.
Từ khi làm cơ phó, mỗi tháng Hạnh bay ba tuần, nghỉ một tuần. Mỗi ngày chị bay 4 chặng, cơ trưởng và cơ phó thay nhau cầm lái. Để đến được nơi làm, chị phải đi từ nhà trước hai tiếng. Những kiến thức, kỹ năng được trang bị từ Mỹ giúp Hạnh tự tin xóa nhòa khoảng cách ngành nghề giữa nam và nữ. Hạnh nói khi cầm lái không phân biệt nam hay nữ, mỗi người phải làm tốt phần việc của mình, đem lại sự an toàn và hài lòng cho hành khách trên mỗi chuyến bay.
![Võ Hồng Hạnh tự tin trong buồng lái Vietjet.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/03/07/Hong-Hanh-4-6634-1583522499.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mUek6zc3XBs5vNFee5OvyQ)
Võ Hồng Hạnh tự tin trong buồng lái phi công.
Ngoài sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo và đồng nghiệp, Hạnh tự hào có hậu phương vững chắc để sống trọn đam mê công việc. Hết nhiệm vụ bay, chị trở về với gia đình nhỏ, chơi đùa cùng bé. Trong mọi chặng đường, chị may mắn có mẹ hỗ trợ, chăm sóc các con khi chị vắng nhà.
Trong một tuần được nghỉ, chị mang bài vở tiếng Anh ra kèm thêm cho con. Vì mẹ thường xuyên vắng nhà, các bé cũng tự lập, cứng cỏi hơn. "Tôi tin nghị lực sống và sống hết mình với ước mơ sẽ lan tỏa niềm cảm hứng cho con sau này, giúp bé nuôi dưỡng ước mơ 'trong veo' và nỗ lực đạt được nó", chị nói.
Thi Quân