Xuất thân trong gia đình nghèo khó ở miền quê Ninh Thuận nắng gió, Duy Phương luôn phấn đấu học tập thật tốt để làm vui lòng cha mẹ và dễ dàng xin việc. Sau tốt nghiệp ngành Quản lý thư viện, anh quyết bám trụ ở thành phố. Phương gõ cửa một nhà tuyển dụng có tiếng ngay trung tâm quận 3 (TP HCM) nhưng không được nhận.
Anh cho biết lờ mờ nhận ra lý do bị lắc đầu qua ánh nhìn không thiện cảm của người phỏng vấn. "Tôi đã quá quen với ánh nhìn có phần kỳ thị, tò mò. Từ nhỏ người ta đã gọi tôi là kẻ dị dạng, mặt lưỡi cày, tên móm, thậm chí là 'tên mặt quỷ'. Tôi nghĩ chỉ cần có năng lực là sẽ được tuyển dụng, nào ngờ gương mặt này lại khiến cuộc sống của tôi khó khăn đến thế".
Không bỏ cuộc, Phương tiếp tục rải hồ sơ xin việc nhưng đều nhận cái lắc đầu tương tự. "Ở đất khách một thân một mình, mỗi lần mẹ điện báo ba ở nhà đau ốm, không có tiền trong túi. Tôi thấy bế tắc và đau khổ, tự trách mình vô dụng, nhưng càng quyết tâm học tập để có công việc tốt hơn", anh tâm sự. Chàng trai 9x sau đó liều mình đăng ký học thạc sĩ ngành Thông tin thư viện tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn. Anh nghĩ bằng cấp cao có thể xóa nhòa rào cản ngoại hình.
Nhằm nuôi dưỡng mơ ước và trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thành phố triệu dân trong quá trình học cao học, anh làm đủ mọi nghề: từ phục vụ quán ăn, rửa dọn cho đến công nhân trồng cây xanh...
May mắn sau đó Phương xin được vị trí thủ thư nhỏ ở thư viện, nhưng lương không đủ ăn. Rồi anh tìm đến nghề xe ôm để kiếm thêm thu thập. Chiếc xe máy cọc cạch trở thành cánh tay đắc lực, giúp chàng trai trẻ duy trì lý tưởng sống. Tuy nhiên, anh gặp không ít khó khăn vì khuôn mặt xấu. Nhiều khách nghĩ anh là người không đáng tin.
"Khi chạy xe ôm, tôi phải bịt kín mặt để không ai nhìn thấy gương mặt móm, cằm dài, hàm lệch lạc của mình. Chẳng biết từ khi nào, tôi đã mặc định mình là người có khiếm khuyết nặng", Duy Phương tâm sự.
Những chuỗi ngày chạy xe ôm giúp Phương mở mang tầm mắt, được chở khách đến những ngõ ngách chưa từng đặt chân tới, tiếp xúc với nhiều người ở các ngành nghề khác nhau. Nghe họ kể chuyện cũng bị từ chối tuyển dụng vì không đủ chiều cao, nhan sắc... Anh hiểu ra tầm quan trọng của diện mạo trong mọi mặt cuộc sống.
Tốt nghiệp thạc sĩ, Phương không dám chuyển công việc khác vì mặc cảm ngoại hình, vì những nghề anh yêu thích đều coi trọng diện mạo, phải tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày. Nhưng chàng trai trẻ vẫn mong một ngày nào đó có thể làm quản lý thư viện tại một trường đại học lớn, nơi có hàng chục nghìn đầu sách đủ thể loại. Vì thế, anh viết tâm thư gửi đến một thẩm mỹ viện để mong có cơ hội thay đổi diện mạo.
"Tôi chỉ mong có cuộc sống như bao người bình thường, một khuôn mặt bình thường, không còn phải nghe những lời đàm tiếu, chỉ trỏ của người đi đường. Tôi thật sự mong cuộc sống của mình có lối thoát bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ", chàng trai đến từ Ninh Thuận viết.
Sau khi tâm thư được gửi đi, Duy Phương bất ngờ nhận được những cuộc điện thoại, các đơn vị hứa tài trợ anh "dao kéo". Đứng trước nhiều lựa chọn, Duy Phương vẫn băn khoăn bởi không nghĩ những chia sẻ của mình được lắng nghe, giúp đỡ. "Tôi chưa từng nhận được sự quan tâm, động viên to lớn thế nên vẫn còn bất ngờ", anh nói.
Chàng trai trẻ cho biết, lời đề nghị của các mạnh thường quân là hy vọng cuối cùng. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ, anh có cơ hội làm lại từ đầu. Còn nếu không sẽ phải chấp nhận số phận, tiếp tục cuộc sống trước đây hoặc từ bỏ bằng thạc sĩ, rời Sài Gòn về quê. Duy Phương nói không muốn bỏ lỡ cơ hội này, anh mong những chuỗi ngày sắp tới sẽ sáng hơn bây giờ.