"Xin lỗi vì mải đi kiếm cái dây. Các anh đi khắp nơi, dịch bệnh khó lường, chuyển hàng thế này cho an toàn", vị khách nói vọng xuống.
Nghĩa hơi sững người trước hành động của khách nhưng ngay lập tức anh hiểu ra vấn đề nên vội buộc túi đồ ăn vào sợi dây. Khi gói đồ được kéo lên đến tầng 2, trời bỗng trời nổi gió, bụi bay mù mịt, nước mắt Nghĩa bỗng ứa ra. "Chắc là do bụi", anh chép miệng và chợt nghĩ, "Khách còn cẩn thận thế, còn vợ con mình thì sao? Liệu mình có vô tình mang virus về nhà không?". Ý nghĩ cũng chỉ dừng lại được ở đó, người đàn ông 40 tuổi nổ máy xe và nhìn vào màn hình ứng dụng. Lại một đơn nữa "nổ".
Từ sau lần giao hàng bằng dây thừng đó, để giảm tiếp xúc trực tiếp với khách, Nghĩa thường đặt thức ăn trên túi rồi lùi về sau khoảng 2-3 m để khách tự đi ra lấy cho yên tâm.
Là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ba năm nay, sau khi tan làm, anh Trần Văn Nghĩa (quê Đông Anh) lại vào nội thành làm xe ôm công nghệ. Riêng thứ bảy, chủ nhật anh chạy cả ngày nên cả tháng cũng có thể kiếm được 8-9 triệu đồng. Nhưng từ ngày Covid-19 lan đến Hà Nội, mỗi tối làm đến 23h, anh chỉ được nhận 2-3 chuyến, trừ chiết khấu, xăng xe, số dư còn lại chưa nổi 100.000 đồng.
"Cánh xe ôm phải túm năm, tụm ba ở các ngã tư, dưới chân các chung cư nhưng cũng chẳng có khách. Từ tháng vừa rồi tôi chạy thêm giao đồ ăn", anh nói và tiết lộ thường nhận thêm những cuốc giao đồ ăn khuya, bởi những đơn hàng này thường được khách "bo" thêm tiền.
Từ ngày 26/3, Hà Nội đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Những cánh cửa tiệm trước đây luôn rộng mở đón khách giờ đóng kín mít, chỉ kéo lên lúc shipper đến giao, nhận hàng.
Tối đó, anh nhận một đơn giao đồ ăn đến chung cư ở ngoại thành lúc 8h tối. Gọi điện mấy lần không ai bắt máy, đứng trơ trọi giữa sân chung cư rộng lớn không bóng người, gió từ hồ điều hòa thổi vào khiến tay Nghĩa lạnh buốt. Chờ 10 phút, khách mới gọi lại, yêu cầu anh ra phía sau rồi thòng dây xuống từ tầng hai để lấy hàng.
"Khách họ cẩn thận cũng phải, nhưng cánh shipper như tôi thì chẳng có cách nào khác, không làm thì đói. Không tiếp xúc trực tiếp với khách nhưng vẫn phải cầm vào tiền, nguy cơ lây bệnh chẳng giảm được bao nhiêu", anh Nghĩa tâm sự. Chạy xe khắp nơi giữa cao điểm dịch nhưng anh cũng chỉ một cái khẩu trang đeo từ sáng đến tối. Để "tăng thêm một lớp phòng thủ", người đàn ông này đầu tư một chai nước sát khuẩn tay, cứ xong một chuyến là lôi ra rửa một lần. Trước đây, mỗi khi giao hàng cho khách Tây anh mới rửa như vậy, nay hành động này lặp lại với tất cả các khách.
Thấy khách quen ở gần bệnh viện Bạch Mai gọi điện, Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi cố tình không nghe máy, nhưng chuông reo ba lần, anh không thể làm lơ. Đầu dây bên kia rối rít trình bày, đang cần chuyển gấp gói thuốc cho khách, nhưng đặt trên ứng dụng không ai chịu nhận. Hùng xỏ đôi găng tay vốn chỉ dùng lúc trời rét, kéo tấm kính mũ bảo hiểm trùm kín mặt rồi lao đi.
Hai ngày nay, shipper này đã tự khoanh vùng địa bàn hoạt động, không nhận đơn hàng bán kính 2 km quanh "điểm nóng", để bảo vệ chính mình. Nhưng đôi lần anh vẫn phải phá lệ vì cả nể. "Đơn trên ứng dụng thì chép miệng cho qua, nhưng người quen thì không nỡ. Trước thấy họ gọi thì mừng rụng đầu gối, giờ 'phũ' cũng không đành", Hùng nói. Người tham việc như anh chưa bao giờ nghĩ có lúc phải cân đo chọn khách như bây giờ.
Con phố Phương Mai, nằm cạnh hàng loạt các bệnh viện lớn của Hà Nội, trong đó có bệnh viện Bạch Mai, trước đây đông đúc bao nhiêu thì giờ Hùng có thể phóng đến mức nhiều khi còn suýt vượt đèn đỏ vì phanh muộn.
"Giờ toàn gặp đồng nghiệp, không áo xanh thì áo đỏ, áo vàng, nhưng riêng mấy con phố quanh bệnh viện Bạch Mai thì đồng nghiệp cũng hơi khó tìm", anh nói. Hùng đến điểm nhận đơn vừa lúc cánh cửa kéo hé mở. Lom khom luồn tay qua cửa nhận hàng rồi lao đi.
Từ đầu tháng 3 đến nay, khách xe ôm thưa hẳn, thu nhập dựa vào ứng dụng giao hàng là chủ yếu. Chưa hết tháng nhưng Hùng nhẩm tính giảm khoảng 1/3 thu nhập. Hai ngày nay, dịch bệnh căng thẳng, vợ con lại giục về quê. "Nhà còn có 3 cái tàu há mồm, vợ lại sắp sinh, về sao được", anh nói.
Từ khi Hà Nội thông báo đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu,các quán hàng chọn bán online như "phao cứu sinh" giữa bão Covid-19. Lực lượng shipper như Hùng đột nhiên đắt khách. Ngày 26/3 mới chỉ có 15 đơn, đến 27/3 các đơn hàng "nổ" nhiều đến mức không có sức mà chạy. Nhưng dòng tiền vào túi tỉ lệ thuận với nỗi bất an trong lòng anh.
Tiếp xúc với người tứ xứ, Hùng sợ mình vào danh sách F lúc nào không hay. Có những khi màn hình ứng dụng hiện đơn ở các điểm nóng, anh định nhấp vào rồi lại rụt lại.
Ngồi nghỉ dưới gốc cây cạnh một quán trà sữa trên đường Hoàng Diệu 2, TP HCM, Nguyễn Văn Thành, 28 tuổi, một shipper chuyên giao đồ ăn ngáp ngắn ngáp dài.
Con đường dài 1,5 km với hàng trăm hàng quán, mọi ngày tấp nập buôn bán, nườm nượp khách ra vào giờ lác đác vài cửa hàng mở cửa, nhưng chỉ bán mang về.
Cả buổi chưa được đơn hàng nào, Thành mừng rỡ khi thấy ứng dụng "nổ đơn". Nhìn qua nội dung, anh lập tức định vị rồi phóng xe đi, 2 phút sau đã có mặt tại quán. "Quán tạm nghỉ", dòng chữ đập vào mắt khiến Thành chưng hửng. Chỉ trong buổi sáng, sự thất vọng của anh lặp lại đến bốn lần. "Mất công quá", anh thở dài rồi lủi thủi phóng xe về vị trí xuất phát. Đóng cửa quán nhưng chủ không "tắt app" nên khi khách đặt Thành vẫn chạy tới.
Trước khi có dịch, từ 11-13h là thời điểm vàng, cánh shipper giao đồ ăn như Thành chạy không kịp thở, hai tiếng giao 5- 6 đơn. "Lúc trước ăn trưa không dám bật app, bây giờ chờ cả tiếng đồng hồ cũng chưa có đơn nào", anh tặc lưỡi.
Khu vực làm việc quen thuộc của chàng thanh niên 28 tuổi này là nơi có nhiều trường đại học và ký túc xá, khách hàng chủ yếu là sinh viên. Nhưng giờ, sinh viên không vào lại thành phố, lượng đơn hàng giảm một nửa. Để đạt mục tiêu mỗi ngày Thành phải cố chạy đến 21h. Đơn hàng ít, nhiều khách còn hủy đơn vì lý do "sợ dịch không nhận". Cũng có khách yêu cầu để hàng trước cổng để tránh gặp trực tiếp hay trả tiền bằng cách kéo dây xuống từ tầng cao.
Bỗng điện thoại có thông báo. Đơn hàng của Thành là món gỏi cuốn, quán cách chỗ anh đứng chỉ 700m nhưng điểm giao lại đến 5 km. Tính kỹ lại, đơn hàng này chỉ được 24.000 đồng cho 10 km cả chiều đi và về. "Thôi kệ, có còn hơn không", Thành nói rồi chỉnh lại chiếc khẩu trang, lên xe nổ máy.
Đường Hoàng Diệu 14h, những cửa hàng còn sót lại rục rịch đóng cửa. "Vì dịch Covid-19, cửa hàng chỉ bán buổi trưa, mong quý khách thông cảm!", tấm biển được treo lên đúng lúc Thành lướt xe qua.
Phan Diệp - Phạm Nga - Hải Hiền