Phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bán từ mô hình giày thể thao, giày cao gót, túi xách hàng hiệu..., đến cả những bộ bikini đủ màu sắc và cả đồ lót của nam giới, có giá 150 nghìn đồng.
"Ở đây mặt hàng luôn luôn thay đổi qua các năm. Năm nay, một số cửa hàng còn nhập về đồ hai mảnh, váy đầm, giày dép... , so với trước đây chỉ có sơ mi, áo dài", chị Trần Thị Thu Thanh, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã, cho biết.
Theo chị Thanh, vì nhà lầu xe hơi đã trở nên quen thuộc, những cái thiết yếu như giày, dép, quần áo, đồng hồ xuất hiện lại gây sự chú ý của người dân.
"Tôi cứ buồn cười vì mẹ mình mua hai bộ bikini về đốt chỉ vì thấy lạ. Với cá nhân tôi, việc tin vào những cái dân gian không có gì xấu, chỉ cần đừng làm ảnh hưởng đến người khác", chị Nguyễn Thị Minh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.
"Người thường dùng gì, người khuất dùng đó", là câu trả lời của nhiều người dân trong thôn Phúc Am (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) - nơi chuyên sản xuất hàng mã. Dù đây là nghề kiếm cơm, nhưng một vài người cũng không cổ súy cho việc đốt vàng mã.
"Các cụ ngày xưa làm sao biết được chuyện đi ôtô, xe máy, dùng điện thoại cảm ứng, đi giày cao gót. Thử hỏi con cháu 'tặng' thì họ biết sử dụng như thế nào. Tôi làm để kiếm tiền thôi chứ cũng chẳng biết họ đốt làm gì", ông Nguyễn Thành Lâm (thôn Phúc Am) chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng tục đốt vàng mã đang có xu hướng biến thành hình thức mê tín. Người ta nghĩ ra đủ các thứ đồ vàng mã cho người cõi âm, không chỉ các đồ dùng thường ngày, hàng công nghệ, tới cả những thứ như đèn bàn thuốc phiện, hay đồ bikini. Thậm chí có anh con doanh nhân còn đốt một chiếc "xe sang" trong khi ông bố nông dân thậm chí chưa biết đi xe máy.
"Việc đốt những thứ vàng mã này thể hiện sự giả dối, không phải bày tỏ tấm lòng mà chỉ phô trương bản thân", ông Sơn nói.
Trọng Nghĩa - Minh Thùy