Đây là quan điểm của bạn đọc PAT, trong lá thư gửi đến VnExpress.net bày tỏ ý kiến về phương pháp giáo dục con trẻ. Dưới đây là nội dung bức thư của độc giả này.
Tôi cảm thấy lo lắng khi đọc những quan niệm phổ biến về giáo dục con trẻ trong thời gian gần đây. Liệu có phải chúng ta không chịu giáo dục, hay do giáo dục chưa đúng cách?
“Thương cho roi cho vọt”
Roi vọt là một hình phạt không tốt. Đánh đòn rất dễ khiến trẻ hoặc lớn lên trong sợ hãi, nhút nhát, hoặc trở nên chai lỳ về cả thể xác lẫn tinh thần. Quan trọng hơn, khi bị người lớn đánh phạt, đứa trẻ dễ cho rằng hình phạt đó là chấp nhận được. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thanh thiếu niên dùng bạo lực để tấn công những người họ ghét, họ cho là “hư” và cần được “dạy.”
Có ý kiến cho rằng ngày xưa học sinh bị thầy cô cha mẹ đánh tét cả tay cả chân mới ngoan ngoãn giỏi giang, vì vậy học sinh bây giờ hư và quậy phá thì không nên có quyền lên án việc đánh phạt. Tôi nghĩ việc so sánh ngày xưa với ngày nay là không hợp lý. Ngày xưa tất cả mọi người đều chỉ biết bị đánh thì phải chịu và nghe lời, còn ngày nay, với bao nhiêu thông tin từ khắp mọi nơi, thanh niên cũng như người lớn đã nhận ra rằng việc đánh trẻ có ảnh hưởng không tốt và vì thế không được chấp nhận ở nhiều nước.
Có thể nhờ roi đòn mà ngày xưa học sinh ngoan ngoãn, vì họ đã học được cách sợ và biết nghe lời những người có quyền hơn như thầy cô và cha mẹ. Tôi không cố ý hướng đến đối tượng nào, nhưng thiết nghĩ phải chăng vì vậy mà những người học sinh ngày xưa đó, hay những người lớn bây giờ, đã mang theo trong người sự “ngoan ngoãn” mà luôn luôn sợ và nghe lời những ai có quyền hơn họ? Cho nên cấp trên kêu gì thì cấp dưới cũng làm theo dù đúng hay sai, có không bằng lòng thì cũng không dám lên tiếng phản đối? Cho nên có gì bức xúc trong xã hội thì mọi người dễ dàng than vãn hay bàn tán với người khác, nhưng không mấy ai dám đứng lên có hành động cụ thể?
Và chính những người lớn đó mong muốn một tuổi trẻ năng động, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm để thay đổi đất nước và xã hội. Để có những con người như vậy thì không ngạc nhiên gì khi những người trẻ ngày nay thường thể hiện cá tính mạnh mẽ. Với những người như thế, nhất là những người ở tuổi đang trưởng thành, thì việc la mắng, đánh phạt, rất dễ khiến cho họ càng thích phản đối, không tuân theo, thậm chí làm ngược lại.
Thật ra, tôi cũng là một trong những người trẻ đó. May mắn rằng mẹ tôi đã sớm nhận ra không thể dạy một đứa bướng bỉnh như tôi bằng cách la mắng hay đánh đòn, vì chắc chắn tôi sẽ càng lỳ ra và không nghe lời. Mọi người có thể nói mẹ tôi đã nuông chiều dễ khiến tôi hư hỏng, nhưng tôi lại vô cùng cảm ơn những lời giải thích có lý của mẹ tôi, và hơn hết tôi luôn cảm thấy thoải mái để chia sẻ với mẹ tôi bất cứ điều gì. Không chỉ mình tôi, một anh bạn tôi quen cũng nói: “Cá nhân anh thì dù bị đánh n+1 lần rồi nhưng mà chả lần nào nhớ cả. Còn những lần không bị đánh thì lại nhớ lâu hơn tỷ lần và không dám tái phạm nữa”. Khi tôi hỏi không đánh thì làm gì, anh nói “thì… không làm gì cả, chỉ nói thôi, nhưng mà nói đúng nên không cãi được”.
Đương nhiên không phải lúc nào nhẹ nhàng khuyên nhủ dạy bảo cũng có tác dụng, nhưng có rất nhiều cách để phạt mà không làm tổn thương thể xác. Với một đứa con nít thì ba phút bị phạt đứng trong góc không ai nói chuyện đã là một cực hình, còn với một đứa đã lớn như tôi thì ăn đòn chẳng là gì so với việc bị mẹ ngắt dây modem giữa chừng khi đang lên mạng khuya.
Vì vậy, tôi nghĩ mọi người không nên so sánh ngày xưa với ngày nay và cho rằng chỉ có đòn roi nghiêm khắc mới dạy dỗ được con trẻ. Xã hội mong muốn một thời đổi mới với những con người vừa có bản lĩnh vừa hiểu lý lẽ và tránh xa bạo lực, thì sao lại không sẵn sàng thay đổi về cách giáo dục phù hợp cho những con người đó?
Nhưng câu hỏi không phải là đánh hay không
Tôi không ủng hộ việc đánh đòn, nhưng tôi nghĩ việc giáo dục sai hay đúng không phải là do có đánh hay không. Đánh đòn cũng chỉ là một hình thức phạt. Vấn đề quan trọng là phạt như thế nào cho hiệu quả, vì xử phạt không đúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, và suy nghĩ của trẻ.
Gần đây báo chí có bàn luận về cách xử phạt học trò của một cô giáo. Cô giáo đã phạt nặng hơn mức cần thiết, khi học sinh chỉ vì nói chuyện lúc xếp hàng đầu giờ mà bị đánh đến mức cơ thể thâm tím, không ngủ được. Hình phạt còn không được thực hiện đúng lúc, vì các em học sinh bị phạt vào một tuần sau khi phạm lỗi. Khi không được chỉ ra ngay lúc phạm lỗi thì người phạm lỗi khó mà liên kết được hình phạt đó với lỗi mình gây ra; thay vào đó, họ dễ liên kết được với người phạt mình và vì thế có tình cảm không tốt với người đó nói chung.
Hơn hết, cô giáo đó đã khiến các em học sinh bẽ mặt và thấy xấu hổ trước cả lớp. Có người bảo nếu là trẻ nhỏ tuổi hơn thì chắc cô giáo không làm vậy, nhưng mà học sinh lớp 10 thì cô làm vậy là đúng rồi. Nhưng mọi người có hiểu rằng, chính là những em học sinh lớp 10 đang ở tuổi phát triển đó mới càng quan trọng về hình ảnh của mình trước mọi người không?
Chúng ta phạt để dạy dỗ, nhưng nếu không thực hiện đúng thì việc xử phạt sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn, mà thậm chí còn có thể phản tác dụng và có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Những cách xử phạt khéo léo
Với tôi, việc khiến người bị phạt bẽ mặt, xấu hổ trước người khác là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách một người. Vì vậy tôi muốn chú trọng về việc làm sao phạt mà hạn chế được tác dụng phụ này.
Bài viết Thầy giáo có thể làm gì với học trò hư của tác giả T.D.Q gần đây hay và sâu sắc, giúp chúng ta hiểu hơn về nỗi khổ của giáo viên. Tuy nhiên, nếu điều rút ra từ bài viết là thầy cô nên có quyền phạt hay mắng học sinh giữa giờ học thì tôi không đồng ý.
Tác giả cho rằng phụ huynh ở nhà khó dạy con mà không đánh đòn hay dọa cắt tiền chi tiêu, v.v. thì làm sao giáo viên với mấy chục học sinh lại không được phạt hay mắng, hay đuổi học sinh ra khỏi lớp?
Tôi nghĩ chính vì ở một lớp có mấy chục học sinh mà giáo viên không thể làm như vậy. Ở nhà đứa con bị phạt một mình thì không sao, nhưng trên lớp trước mặt bao nhiêu bạn bè thì phạt như vậy sẽ dẫn đến một trong hai kết quả: hoặc học sinh làm theo nhưng sẽ thấy mặc cảm, tự ti về bản thân, hoặc các em chống lại vì không muốn xấu mặt với bạn bè và để chứng tỏ mình.
Dẫn chứng cụ thể chính là học sinh A trong bài viết. Mọi người nghĩ nếu cô giáo có quyền đánh hay mắng em đó thì sẽ giải quyết được sao? Trường hợp này cô giáo đã giận lên và mắng em học sinh đó, và tôi không bất ngờ khi em học sinh đó càng chai lì và “nổi loạn” hơn. Tôi rất thương các thầy cô giáo với số lương ít ỏi mà phải mệt nhọc với những học sinh quậy phá. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách giải quyết không phải là đồng ý cho giáo viên có quyền phạt học sinh trong lớp, mà là xem trọng việc khuyên bảo hoặc xử phạt riêng với học sinh hư. Điều này cũng đúng khi cha mẹ dạy dỗ con cái. Tôi xin kể hai câu chuyện về cách phạt khéo léo.
Một hôm trong lớp học của tôi ở Mỹ, cô giáo đang giảng bài thì có vài học sinh nói chuyện riêng. Cô ngừng giảng và nói chung với cả lớp: “Các em có ai có thắc mắc, câu hỏi gì thì giơ tay lên hỏi, còn cô không chấp nhận việc nói chuyện riêng khi cô đang giảng bài.” Cô vừa quay lên giảng tiếp thì có một học sinh quay qua bạn bên cạnh nói chuyện tiếp, nhưng cô không nói gì mà tiếp tục giảng. Đến cuối giờ, cô giáo kêu bạn học sinh đó ra nói chuyện riêng đến nửa tiếng, và từ hôm sau bạn đó không còn nói chuyện riêng nữa.
Một trường hợp khác, hồi trung học tôi hay trông con cho thầy cô, là một thằng bé tầm 3 tuổi rất nghịch. Một hôm khi cô giáo chưa ra khỏi nhà mà thằng bé đã chạy phá khắp nơi và không nghe tôi hay cô nhắc. Thế là cô dẫn con cô lên lầu vào phòng ngủ riêng và nói chuyện một lúc. Trước khi ra khỏi nhà cô nhìn thẳng vào mắt bé rồi nói “Mẹ dặn gì con nhớ không?” thì bé khẽ gật đầu. Hôm đấy thằng bé vẫn quậy, nhưng cứ mỗi lần tôi nói “Nè, mẹ dặn gì em nhớ không?” thì tự nhiên bé im lặng nghĩ ngợi một lúc rồi lại ngoan (mà tôi có biết mẹ bé nói gì đâu!).Vì không bị mẹ mình mắng trước mặt người khác, đứa bé đã hoàn toàn nghe lời mà không cảm thấy sợ hãi hay xấu hổ với tôi.
Việc dùng roi đòn hay không thì do phong tục, văn hóa khác nhau của phương Đông và phương Tây, nhưng không có lý do gì mà chúng ta không thể học cách phạt, dù là đánh, đúng cách. Tôi tin con người ở đâu thì cũng không muốn bị xấu mặt trước người khác, và nếu một đứa trẻ nhỏ hoặc đang ở tuổi trưởng thành bị như thế, nhiều khả năng họ phát triển tính cách theo hướng xấu, hơn là nhận ra mình phải làm gì cho đúng.
Vậy thế nào là phạt đúng cách?
Như đã nói, làm trẻ cảm thấy nhục mạ chỉ là một trong những tác dụng phụ có thể gây ra khi xử phạt. Tôi xin được đưa ra vài hướng dẫn về cách xử phạt, dựa trên những kiến thức tôi đã học được từ lớp Tâm lý học, tôi hy vọng sẽ giúp chúng ta có thể bắt tay vào những hành động cụ thể.
- Phải nói cho đứa trẻ hiểu rõ là bị phạt vì hành vi cụ thể nào. Giải thích cho trẻ hiểu tại sao như vậy là sai và như thế nào là đúng.
- Hình phạt cần phải nhanh và ngắn gọn. Trẻ càng nhỏ thì càng dễ cảm thấy lâu và mệt mỏi.
- Hình phạt vừa phải, chỉ mạnh vừa đủ để dừng lại hành động không đúng. Tùy theo lỗi mà xử phạt nặng nhẹ khác nhau đủ để trẻ hiểu mình làm sai.
- Phạt ở điều kiện trẻ không thể né tránh hay xao lãng. Ví dụ: không nên phạt bắt đứa con trai ở trong phòng nơi mà đứa con có thể chơi điện tử.
- Lời nói phải đi với hành động; thực hiện đúng theo những gì đã nói. Ví dụ: nếu đã phạt trẻ không được lên mạng một ngày thì phải thực hiện đúng y như vậy, không giảm đi hoặc tăng thêm.
- Không để chuyện này ảnh hưởng ở những tình huống khác. Ngay sau khi hình phạt kết thúc thì coi như đã qua, không tỏ ra thái độ không hài lòng nữa.
- Giới hạn với một hành động cụ thể chứ không khái quát lên về tính cách của một người. Ví dụ: phạt con vì không làm bài tập cho ngày mai chứ không nên kết luận là đứa con lười học.
- Động viên, khuyến khích những hành động tích cực thay thế. Ví dụ: nếu con mê chơi điện tử thì thay vì cứ đánh hay la mắng con, phụ huynh có thể khuyến khích là nếu mỗi ngày chơi tối đa một tiếng trong vòng một tuần thì sẽ được thưởng vé xem phim (hay thứ gì đó mà con thích).
Chắc vẫn có người nghĩ hư là phải đánh. Chắc vẫn có người nghĩ tại sao phải phạt cho khéo léo, vì phạt thì cần phải làm cho trẻ thấy xấu hổ mà sợ.
Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ ý nghĩ của mình cùng với một số kiến thức và kinh nghiệm ít ỏi tôi có được. Tôi tin rằng nếu mỗi người chúng ta nỗ lực suy ngẫm và sẵn sàng thay đổi lối nghĩ để có cách giáo dục phù hợp với con trẻ trong thời đại này, Việt Nam sẽ sớm có được một thế hệ trẻ năng động và sống tích cực như chúng ta mong muốn.
PAT