Nếu thuộc diện nguy cơ cao, bạn cần biết cách tự đánh giá xem mình đã bị hiếm muộn hay chưa. Sau 6 tháng chung sống với bạn tình mà không dùng phương pháp tránh thai nào, nếu không thụ thai thì bạn nên bắt đầu nghi ngờ là có vấn đề về hiếm muộn. Sau đó, hãy thử cố gắng để thụ thai (quan hệ tình dục không bảo vệ) thêm 6 tháng nữa. Nên áp dụng những phương pháp có thể tăng cơ may như tính thời điểm giao hợp trùng với thời điểm phóng noãn, tránh giao hợp một vài ngày để số lượng tinh trùng đạt mức cao nhất trong mỗi lần xuất tinh (cần ít nhất là 24 giờ để lượng tinh trùng phục hồi đạt 300 triệu trở lên). Nếu không thành công, nên đến ngay bác sĩ sản phụ khoa để khám.
Bạn nên đi khám sớm hơn (chỉ sau 3-6 tháng) nếu ngay từ đầu đã thử các phương pháp tăng cơ may hoặc dùng thuốc kích thích phóng noãn mà vẫn không thụ thai. Bạn cũng nên đi gặp thày thuốc càng sớm càng tốt nếu đã ngoài 30 tuổi và muốn có con.
Cần lưu ý rằng hiếm muộn chỉ do phụ nữ chiếm 35%; số còn lại là do nam giới, do cả 2 hoặc không xác định được. Vì vậy, cả hai vợ chồng đều phải đi khám khi thấy chậm có thai. Người chồng phải làm tinh dịch đồ để kiểm tra hình thể, số lượng và sự di chuyển tinh trùng. Người vợ cần làm các thăm dò như: đo thân nhiệt độ để biết khi nào có trứng rụng, xét nghiệm sau khi giao hợp để đánh giá khả năng của tinh trùng xâm nhập và sống sót trong niêm dịch cổ tử cung; chụp buồng tử cung - vòi trứng để biết có gì cản trở sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng không, sinh thiết nội mạc tử cung để xem sự phát triển của nó có thuận lợi cho trứng làm tổ không...
Để đề phòng hiếm muộn, khi chưa muốn sinh con, chị em nên áp dụng các biện pháp tránh thai để không có thai ngoài ý muốn. Khi điều đó xảy ra, nên cân nhắc và tư vấn ở bác sĩ chuyên khoa về quyết định nạo hút thai nếu như bạn còn muốn sinh con sau này.
BS Hồng Ánh, Sức Khỏe & Đời Sống