Giám đốc bộ phận GrabBike - Hoàng Thị Bích Hà là một trong những người đồng hành cùng Grab từ những ngày đầu doanh nghiệp này vào thị trường Việt Nam. Chị chia sẻ tình yêu nghề, khát vọng truyền cảm hứng và thách thức của một nữ lãnh đạo trong lĩnh vực nam giới chiếm số đông.
- Cơ duyên nào đưa chị đến với lĩnh vực gọi xe công nghệ?
- Khoảng năm 2013, Tuấn Anh (Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam hiện nay) ngỏ lời mời tôi về tham gia một dự án về giao thông nhưng do đang bận dự án khác, tôi từ chối. Một năm sau, Tuấn Anh quay lại và nói vẫn chờ cái gật đầu của tôi suốt thời gian qua.
Từ lời mời của Tuấn Anh, tôi tìm hiểu kỹ hơn và thấy giá trị mà Grab cũng như dự án này mang lại cho cộng đồng tại Việt Nam. Sau nhiều lần cân nhắc, tháng 12/2014, tôi quyết định gia nhập và đồng hành cùng Grab, gắn bó với anh em tài xế GrabBike đến nay.
- Chị tìm kiếm những người chấp nhận chạy GrabBike ra sao?
- Thời gian đầu, chúng tôi nhắm đến những người chưa có việc làm ổn định hoặc lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, để thuyết phục họ trở thành đối tác tài xế GrabBike rất khó do khái niệm lái xe công nghệ thời đó còn xa lạ với người Việt. Hơn nữa, trong nếp nghĩ của nhiều người, nghề xe ôm không được coi trọng.
Lịch trình mỗi ngày của chúng tôi là từ 4h sáng đến tận nửa đêm. Chúng tôi tới nhiều địa điểm, chủ yếu những nơi tập trung người lao động chưa có công ăn việc làm ổn định như khu nhà trọ, quán ăn, quán cà phê... để tiếp cận, thuyết phục họ gia nhập GrabBike. Một số người chưa hiểu tính chất nghề lái xe công nghệ nên phản ứng mạnh, khiến đôi lúc tôi nhụt chí, tự hỏi vì sao một dịch vụ vì cộng đồng như vậy mà mọi người chưa đón nhận.
- Chị đối mặt với những khó khăn đó ra sao?
- Tôi nghĩ những khó khăn chỉ là chướng ngại nhất thời để thử lòng người. Song, có một câu chuyện lay động trái tim tôi, giúp tôi nhanh chóng vực dậy tinh thần.
Có một lần đã 21h, tôi bắt xe về nhà với tâm trạng không thoải mái, định bụng khi về sẽ gửi đơn xin nghỉ việc. Người khiến tôi thay đổi quyết định là người tài xế chở tôi trên chuyến xe đó. Bác ấy chia sẻ, ngày xưa vốn lái xe ôm truyền thống, bản thân không biết sử dụng điện thoại, cũng chưa từng dùng ứng dụng công nghệ nào nhưng vẫn mày mò học thử để làm tài xế GrabBike.
Công việc này giúp bác cải thiện thu nhập để nuôi mẹ già và vợ bị bệnh nặng. Hoàn cảnh khó khăn nhưng người đàn ông trung niên ấy vẫn lạc quan, kể về cảnh khổ của mình bằng giọng nhẹ tênh. Tôi thầm nghĩ, những vất vả của bản thân có là bao so với ý nghĩa mà công việc này mang đến, so với những gì mà Grab có thể làm cho cộng đồng. Thế là tôi quên ngay ý định cũ và tiếp tục nỗ lực với công việc.
- Làm việc trong môi trường đa phần là nam giới, với đủ khác biệt về lứa tuổi và trình độ học vấn, chị bắt nhịp ra sao?
- Sự lắng nghe, kiên trì, nhỏ nhẹ - bản tính vốn có của người phụ nữ giúp tôi "lạt mềm buộc chặt", dễ trao đổi và làm việc với cánh mày râu. Tôi xem đối tác tài xế như anh em trong nhà, không ngại lắng nghe bất cứ khó khăn nào của họ, nên có chuyện gì là họ sẵn sàng chia sẻ. Sâu sát cuộc sống anh em, trải nghiệm hành trình mưu sinh gắn liền với nắng gió cho tôi cơ hội động viên, khuyến khích mọi người vững tin vào tay lái.
Bằng việc tổ chức họp mặt cộng đồng hàng quý, ngày hội thường niên..., tôi được trực tiếp nghe chia sẻ, giải đáp thắc mắc, đồng cảm nhiều hoàn cảnh. Tôi thực tâm luôn cảm thấy mình là một phần trong cộng đồng, thấy đối tác tài xế thật sự là anh em trong gia đình mình. Có nhiều câu chuyện đẹp, thấm đẫm tinh thần nhân văn được truyền đi. Phía sau tay lái của cha mẹ là cánh cửa đại học của con, là những ngôi nhà mơ ước, là dự định cho một tương lai tươi sáng, là niềm vui của chị em khi chủ động trong công việc, có thời gian chăm sóc gia đình - tôi gọi họ là những "nữ chiến binh".
- Những người phụ nữ đến với GrabBike trong hoàn cảnh nào?
- Không ít nữ đối tác tài xế là vợ, là chị em, bạn bè của anh em tài xế. Cũng không hiếm trường hợp cả hai vợ chồng đều chạy GrabBike. Chính các anh đã làm cầu nối chia sẻ những điểm cộng mà công việc mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội, từ đó truyền cảm hứng cho người phụ nữ trong gia đình mình.
Tôi đã ngạc nhiên khi lần đầu tiên được gặp gỡ rất đông chị em đối tác tài xế trong ngày 8/3/2015, càng khâm phục hơn khi nghe những câu chuyện chị em chia sẻ. Có những người là bà mẹ đơn thân, gánh trên vai trọng trách của cả cha lẫn mẹ, cuộc sống khiến họ phải mạnh mẽ để mưu sinh. Số khác đến với nghề vì có thể chủ động về thời gian, giúp họ làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ, vừa san sẻ cùng chồng gánh nặng tài chính. Có tài xế nữ dù ở độ tuổi 60 nhưng chưa có ý định buông tay lái. Cô bảo nghề này giúp bản thân cảm thấy mình còn giá trị, tràn đầy năng lượng mỗi ngày.
- Theo chị, làm thế nào để hạn chế rủi ro có thể xảy đến cho tài xế nữ nói riêng và tài xế xe ôm công nghệ nói chung?
- Bất kỳ rủi ro hay sự cố chẳng may nào xảy ra với anh em đối tác tài xế không chỉ khiến tôi, mà tất cả nhân viên tại Grab đều rất trăn trở. Ngay khi chính thức trở thành đối tác tài xế GrabBike, anh chị em thường xuyên nhận được thông tin về các buổi huấn luyện kỹ năng lái xe an toàn, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông, lớp học tiếng Anh giao tiếp cơ bản, lớp võ tự vệ, lớp sơ cấp cứu do Grab cùng đối tác, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức...
Grab cũng luôn nhắc nhở không bắt khách ngoài, lưu ý những tuyến đường nguy hiểm hay những phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Hôm nào trời mưa to gió lớn, chúng tôi bắt đầu nhắn tin cảnh báo đối tác tài xế ngay, khi hết mưa thì thông báo cho anh em tài xế khu vực nào an toàn, có thể nhận cuốc xe...
Grab cũng nâng cấp nhiều tính năng thông qua công nghệ để đảm bảo an toàn cho đối tác tài xế và khách hàng như phím khẩn cấp S.O.S trên ứng dụng, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông thiết kế đồng phục chuẩn an toàn cho đối tác tài xế... Chúng tôi luôn muốn làm những điều tốt nhất, bởi đối tác tài xế chính là cốt lõi cho dịch vụ của Grab.
- Chị làm thế nào cân bằng công việc và vai trò của một người vợ, người mẹ?
- Trong những ngày đầu khi tham gia Grab, nhiệm vụ mở rộng mạng lưới đối tác tài xế gần như chiếm hết quỹ thời gian, nhưng may mắn, tôi có sự hỗ trợ từ gia đình. Đây chính là chỗ dựa vững chắc giúp tôi toàn tâm toàn ý cho công việc. Không chỉ vậy, ông xã và hai con trai còn là những khách hàng thường xuyên và khó tính nhất khi luôn góp ý cho tôi rất nhiều để nâng cao chất lượng dịch vụ của Grab nói chung và GrabBike nói riêng.
Về chuyện cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, tôi vẫn quan niệm dù ngoài kia bạn có là ai, thành đạt thế nào, thiên chức của một người phụ nữ không thể thiếu việc chăm sóc hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, các việc nhà tôi vẫn luôn cố gắng để tự tay vun vén, chăm lo cho chồng con tốt nhất.
Tôi thường thức dậy vào lúc 5h để đi chợ và chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, sau đó mới tiếp tục chuyên tâm vào công việc. Cuối tuần, trừ những công việc khẩn cấp, còn lại tôi dành hết thời gian cho gia đình. Về chuyện dạy và chăm sóc con, hai vợ chồng tôi xác định phải xây dựng nền tảng từ khi con còn nhỏ. Mọi thứ khi đã vào nề nếp thì về sau sẽ dần đơn giản hơn.
Tất nhiên ở thời đại công nghệ, chúng ta dễ dàng chủ động và linh hoạt hơn để xử lý công việc. Phụ nữ hoàn toàn có thể "đảm việc nước, giỏi việc nhà" nếu biết cách sắp xếp.
Kim Uyên