Gonzalez bận rộn cả ngày, cảm thấy tách rời với nhóm và công việc. Với anh, đi làm còn chán hơn làm việc ở nhà dù vậy, dường như không còn công việc nào tốt hơn dành cho Gonzalez nếu loại trừ những việc mà anh không thể với tới hoặc những việc quá tầm thường. "Gần đây, tôi rất hay cáu kỉnh", anh thừa nhận.
Gonzalez thuộc vào nhóm "người ở lại cáu bẳn" (grumpy stayer), những người miễn cưỡng ở lại với công việc của mình vì nhiều lý do khác nhau. Theo một cách nào đó, grumpy stayer là phiên bản tiếp theo của nghỉ việc trong âm thầm (quiet quitting) trong bối cảnh thị trường lao động có ít cơ hội hơn và sa thải nhiều hơn. Họ không thể lên tiếng về sự bất mãn của mình.
Những người như Gonzalez không hiếm. Một số cho biết họ đã nhảy sang các công việc có vẻ tốt hơn nhưng cuối cùng lại không được như kỳ vọng. Số khác than thở bỏ lỡ "cuộc đại cải tổ" - làn sóng nhảy việc cho đến khi như ý. Vài người lại chứng kiến triển vọng nghề nghiệp bị cản trở vì các yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết. Lại có những người đang làm cho các doanh nghiệp không có cơ hội thăng tiến.
Các yếu tố nói trên kết hợp lại dẫn đến tình huống nơi nhiều nhân viên cảm thấy bị mắc kẹt. Trào lưu bỏ việc ồ ạt (The Great Resignation) từng xảy ra ở Mỹ được cho là sẽ giúp họ có thêm quyền lực, tiền bạc và phúc lợi, song mọi việc diễn ra ngược lại. Hiện tại, khi thị trường việc làm hạ nhiệt, những người ở lại cáu bẳn thậm chí còn cáu bẳn hơn.
"Rõ ràng tôi đang mắc kẹt với công việc này. Tôi nói chuyện với một người quen làm tuyển dụng, anh ấy nói với tôi mùa hè là mùa chậm chạp. Không có việc làm nào cả", Gonzalez chia sẻ.
Người ở lại cáu bẳn có thể tồn tại dưới các hình thức khác nhau. Một số như Gonzalez chuyển sang công việc mới nhưng không như mong muốn. Số khác như Elizabeth, nhân viên pha chế tại Massachusetts (Mỹ), lại làm mãi một việc trong 18 năm.
Elizabeth cho biết đã thử tìm việc khác suốt một năm nhưng không có kết quả, dù chỉ là việc làm bán thời gian. "Tôi chẳng tìm được việc nào trả khá hơn hay ngang bằng mức lương hiện tại mà không yêu cầu bằng cấp hay trình độ", cô thú nhận.
Gần đây, cô thấy mình đang ở bờ vực của sự cáu bẳn. Sau khi xác định không bao giờ được trả lương cao nếu không làm quản lý, cô đã tự ứng cử khi có cơ hội. Dù vậy, khi được lên chức, cô bắt đầu hoảng loạn. Có lúc, lẽ ra phải bước ra ngoài nhưng cô lại ngồi sụp xuống sàn và khóc.
Hiện tại, Elizabeth đang tạm nghỉ việc. Nữ nhân viên pha chế chia sẻ, dù công việc khiến nhiều vấn đề của cô trầm trọng hơn, cô vẫn có thể nghỉ phép có lương và được chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như các phúc lợi khác.
Elizabeth không phải người duy nhất đối mặt với tình huống như vậy. Eric Groshen, cố vấn kinh tế cấp cao tại Trường Quan hệ lao động và công nghiệp thuộc Đai học Cornell, cho biết nhiều người không thay đổi công việc đã chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp năng động hơn ra đi và được trả lương cao hơn, hưởng phúc lợi tốt hơn, làm các công việc hấp dẫn hơn. Nói cách khác, những người ở lại có thể cảm thấy bị lạc hậu với thu nhập thua xa những người đã nghỉ việc.
Hành vi của các doanh nghiệp cũng góp phần thúc đẩy xu thế này. Theo Groshen, yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ cụ thể đang ngăn cản người lao động kiếm được việc làm, ngay cả khi họ còn trống nhiều vị trí và mong muốn tuyển được nhân sự.
Một điểm chung của grumpy stayer là họ không muốn cáu bẳn nhưng ngoại cảnh khiến họ hành xử như vậy. Họ khao khát được thăng tiến hay làm giàu từ công việc, mong muốn ông chủ cho họ nhiều cơ hội hơn thay vì tìm người ngoài.
"Đào tạo nội bộ là một trong những cách kết nối cung cầu tốt hơn", cố vấn Groshen nêu giải pháp. Nếu nhà tuyển dụng muốn gì đó, họ nên trang bị kỹ năng cần thiết cho nhân viên hơn là đuổi việc và tìm nhân viên mới.
Một nhân sự trong ngành năng lượng tại Texas tiết lộ đã vài lần muốn thăng tiến hay đảm nhận công việc khác nhưng đều bị bác bỏ. Họ dự định gắn bó với công việc thêm vài tháng nữa rồi chuyển việc. Thứ duy nhất giữ chân họ là hầu như được làm việc từ xa.
Gonzalez đang ở trong tình trạng tương tự. Anh muốn học thêm về trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới nhưng những gì anh làm chỉ là vá một phần mềm 20 năm tuổi. Dù vậy, trong thời gian này, anh đang muốn giải quyết sự khó chịu của mình theo một cách lành mạnh. Anh đã bỏ hút thuốc và nhận một nuôi một chú chó.
Khi dắt chó đi dạo, anh sẽ tự nhủ, "chỉ cần vượt qua ngày hôm nay, thêm một ngày nữa thôi".
Huy Phương (Theo Insider)