“Sắp đến Tết rồi
Tết thì rất vui
Sắp đến Tết rồi
Về nhà rất vui…”
Hương vị mùa xuân phải chăng bắt đầu từ cái rét lạnh buốt giá của mùa đông, rồi phai nhạt thành cái rét ngọt trong làn mưa phùn của mùa xuân. Lúc ấy, khắp đất trời phủ một màn sương mù nhè nhẹ, chồi non xanh biếc, phố phường tấp nập chở các cây hoa cảnh, hoa đào. Xuân đã về rồi.
Bé thơ đi học về líu lo “Sắp đến Tết rồi… Mẹ em may áo mới nhé. Ai cũng vui mừng ghê”. Mẹ cười phì, ôm cả “mùa xuân của mẹ” vào lòng.
“Tết là gì hả mẹ?” Tết bắt đầu từ những câu hát rộn ràng mà con véo von. Tết từ những ngày con bắt đầu được nghỉ học, từ những bộ quần áo mới mẹ sắm sửa cho con; từ niềm vui sướng rộn rã khi được bố mẹ nắm tay dắt đi dạo phố du xuân.

Năm nào cũng vậy, khi “phố ông đồ” ở Văn miếu Quốc tử giám bắt đầu nhộn nhịp. Bố mẹ lại đưa bé đi xin chữ. Phong tục xin chữ đầu năm thể hiện truyền thống hiếu học, của nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Dù cho cuộc sống hiện đại có quá nhiều bộn bề, nhưng có lẽ, nét đẹp này sẽ còn mãi trong ánh mắt trẻ thơ, với dáng điệu chăm chú, hun đúc cho hồn thơ của bé với niềm yêu thích cái chữ trong những bước đường đầu học vấn.

Và hơn thế nữa, nụ cười còn đọng mãi nơi đáy mắt bé, trong nỗi vui được cầm tay vào chiếc bút lông, chấm nhẹ vào nghiên mực để “vẽ” những nét bút tràn đầy hương thơm của mực, của mùa xuân.

Năm nay, ông đồ tặng bé chữ “Chí - Có chí thì nên”. Bé lặng im nghe lời ông đồ giải nghĩa chữ và nét đẹp của chữ.

Mẹ tặng bé một phong bao “mừng tuổi” mới. Bé háo hức nhận và nói thầm: “Con chỉ lấy phong bao đẹp thôi, còn tiền mẹ nhét vào con lợn để con mua quần áo đồ chơi nhé”. Bé lớn thật rồi.

Ngày 23 - ông Công ông Táo, con được bố mẹ dẫn đi thả cá chép để tiễn ông Táo lên chầu giời.

Phong tục thả cá chép là một truyền thống đẹp trong những ngày đầu năm. Không chỉ đề cao tình cảm gia đình, sự thủy chung son sắt, mà còn thể hiện “đức hiếu sinh”, đầu năm phóng sanh cho vạn vật được tự do, sinh sôi nảy nở.
Trong tâm hồn thơ bé của mỗi đứa trẻ, vật nào cũng đáng yêu, đáng quý, xinh xẻo. Có lẽ, bé chưa hiểu hết về tục lệ thả cá chép. Thế nhưng, sau hôm đi thả cá, bé dặn mẹ: “Mẹ ơi, mẹ mua cá về đừng ăn nhé, để mang đi thả cho cá bơi đi”. Phải chăng, những bài học đầu tiên về tình yêu với vạn vật cũng được cha ông truyền dạy thông qua những tục lệ đáng quý như vậy.
Suốt năm cũ, bố của bé bận rộn với công việc, chẳng có thời gian để đưa bé đi chơi. Thời gian ở bên gia đình vào những ngày cuối năm thật là hiếm hoi và vui vẻ. Gần sát Tết, bố dành thời gian đưa mẹ con đi vườn đào mùa xuân.

Miền Bắc mùa xuân, nhà nào cũng sắm một cành đào cắm bàn thờ gia tiên, hoặc một chậu cây hoa đào thật lớn bày ở phòng khách. Hoa đào sắc thắm với hương thơm nhè nhẹ, ra Giêng sẽ phát lộc xanh biếc, biểu trưng cho một cái Tết no ấm, đủ đầy. Cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Tết cổ truyền trong mắt trẻ thơ thật đáng yêu biết bao. Là niềm vui được tay trong tay bố và mẹ dẫn đi chơi, là những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình nhỏ. Tết này, cả gia đình được bình an và ở bên nhau. Ấy là Tết đoàn viên.
Cuộc thi "Tết đoàn viên" do báo VnExpress và nhãn hàng dầu ăn cao cấp Neptune 1:1:1 phối hợp tổ chức là nơi để bạn có thể chia sẻ những bức ảnh, đoạn video kỷ niệm, cảm nhận về Tết, cảnh đường phố nhộn nhịp bước vào năm mới, những lễ hội làng quê dịp xuân... để giữ gìn những khoảnh khắc đẹp. Chương trình kéo dài từ ngày 2/1 đến ngày 12/2/2014 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |
Phùng Thị Thanh Xuân