8 ngày sau sự cố hy hữu, 4 cháu bé vẫn còn nằm cùng mẹ, chờ được ra viện. Một bé có biểu hiện bị trớ, theo các bác sĩ điều này là bình thường. Ngoài ra, có trẻ bị đỏ da do quấn tã. Mẹ các bé cũng đều có sữa cho con bú. Theo lời kể của các gia đình, bệnh viện đã dùng xe đẩy to để đưa đón các trẻ đi tắm, thay cho chiếc xe nhỏ gây tai nạn hôm trước.
Hằng ngày các bé đều được bác sĩ khoa nhi xuống thăm khám. Các bác sĩ bệnh viện phụ sản cũng như Bệnh viện Nhi Trung ương đều khẳng định sức khỏe của 5 cháu ổn định.
Chiều 22/7, gia đình 5 bé sơ sinh bị điều dưỡng đánh rơi đã có buổi làm việc tiếp với bệnh viện, thống nhất những nội dung cuối cùng trong bản cam kết của bệnh viện. Dự kiến ngày mai các bé có thể xuất viện.
Anh Võ, ở Thanh Xuân, Hà Nội, bố của một trong 5 trẻ sơ sinh bị rơi cho biết: "Bé là con trai đầu lòng của chúng tôi nên cả nhà đều mong. Hiện cháu bú mẹ, ngủ bình thường. Bác sĩ có nói là một bên tai chưa thông, tôi cũng không rõ là như thế nào nữa. Khi nào thống nhất một số nội dung trong bản cam kết với bệnh viện, hai mẹ con sẽ xuất viện".
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện, cho biết: "Trẻ về rồi chúng tôi cũng cam kết theo dõi tiếp cho đến khi các bé được 5 tuổi. Trong thời gian đấy, bệnh viện nhận thăm khám miễn phí cho các cháu (định kỳ hoặc nếu có bệnh gì khác), nếu nhẹ thì cho đơn về điều trị, nếu nặng thì sẽ chuyển sang chuyên khoa nhi".
Ông Ánh cũng khẳng định, bệnh viện sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về chi phí điều trị nếu triệu chứng bất thường xuất hiện trong 5 năm đó được chứng minh có liên quan đến cú ngã vào thời điểm này.
![treroi-1374491806_500x0.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/07/22/treroi-1374491806.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BpaXmzoFUwcFqwx9CXKa7Q)
Rút kinh nghiệm từ sự cố đánh rơi trẻ, BV Phụ sản Hà Nội hiện tại đã tăng cường an toàn trong các khâu đưa trẻ đi tắm. Cụ thể, nhân viên y tế phải đi dép quai hậu để tránh trượt chân, xe đẩy chở trẻ đi tắm là loại xe to, thùng sâu, hai người đẩy.
Trước những ý kiến cho rằng, nên tắm bé ngay tại giường của mẹ thay vì đưa đi tắm chung để tránh sự cố, ông Ánh cho rằng với điều kiện của Bệnh viện thì không thể mỗi buồng có một giường tắm, mà phải có một nhà tắm chung cho cả khoa. Như vậy phải đón các cháu từ buồng bệnh ra buồng tắm. Điều kiện nơi tắm trẻ phải là phòng điều hòa ấm, nhiệt độ khoảng 28-30 độ C, nhiệt độ nước 34-37 độ C, không khiến trẻ bị lạnh.
"Sàn nhà của bệnh viện lát gạch men, thường xuyên lau chùi, sát khuẩn có thể trơn. Vì thế, nhân viên phải đi dép quai hậu. Điều quan trọng là cán bộ y tế cần có ý thức", giám đốc Bệnh viện cho biết thêm.
Về quan điểm nên để người nhà hoặc sản phụ tự tay bế con đến buồng tắm, ông Ánh cho rằng không thực tế với ngành sản. Theo ông, nhiều bệnh nhân mổ xong rất đau, không phải lúc nào cũng có người nhà bên cạnh. Có người ở tỉnh khác tới chỉ có một mình, nếu đặt ra quy định đó thì không có ai bế trẻ. Hơn nữa, giờ tắm bé người nhà không được vào, bởi nếu để gia đình vào thì quá lộn xộn, mất trật tự.
"Chuyện tổ chức tắm cho các cháu là tổ chức từ đầu, có quy trình chặt chẽ. Bệnh viện làm bao nhiêu năm không có vấn đề gì, chỉ vừa rồi có sơ ý của y tá mới như vậy", tiến sĩ Ánh nói.
Một trong 5 gia đình có con bị đánh rơi phản ánh rằng vì không được nhận tiền bồi dưỡng tắm bé nên cô điều dưỡng có thái độ vùng vằng, đóng cửa mạnh, mới xảy sự việc này. Trước phản ánh đó, tiến sĩ Ánh cho biết: "Chúng tôi đã điều tra và khẳng định sự việc này là không có. Điều dưỡng này chỉ được làm nhiệm vụ đón trẻ từ buồng sản phụ đến buồng tắm, không trực tiếp tắm cho trẻ. Trong khi đó, các gia đình thường giúi tiền vào trong tã, điều dưỡng này không được mở thì không thể nhận tiền".
"Chúng tôi biết là các gia đình truyền miệng nhau giúi tiền vào trong tã để đưa cho nhân viên tắm trẻ. Trước đây một số người nhà quan niệm điều dưỡng tắm cho con tốt thì cho 20.000 - 30.000 đồng, giờ tiền này tôi cũng cấm. Tất cả số tiền đó phải mang trả lại cho gia đình bệnh nhân cho bằng được. Sản phụ nào giúi tiền trong tã thì đầu tiên phê bình sản phụ trước. Làm như thế là làm hư nhân viên", tiến sĩ Ánh nói.
Cũng theo vị giám đốc này, Bệnh viện có quy định xử phạt nghiêm những cán bộ y tế lấy tiền của bệnh nhân nếu bị bệnh nhân phản ánh. Cụ thể sẽ phạt "tiền đời sống" một năm, gấp 2,5 lần lương. Ngoài ra, nếu là bác sĩ thì "treo dao" trong 3 tháng, điều dưỡng dù lấy 10.000 hay 100.000 đồng thì đều không cho tiếp xúc với bệnh nhân 3 tháng, cho xuống rửa chai lọ.
"Chẳng hạn lương điều dưỡng trung bình một tháng là 10 triệu. Bệnh viện cố gắng để lương nhân viên đủ sống, còn thời gian có thể đi làm thêm ngoài giờ. Gia đình nào có lòng tốt muốn cảm ơn khi ra viện thì khoa nhận, nhất quyết không để cá nhân nhận. Đấy là đối với khoa không dịch vụ, với khoa dịch vụ thì luôn phải từ chối", tiến sĩ Ánh nói.
Nam Phương