Nhà tôi đào giếng khơi đầu tiên trong xóm, không nhớ từ bao giờ. Tôi chỉ nhớ, ngày nào cô Toàn cũng mang thùng sang xin nước. Cả xóm sang gánh nước nhà tôi, nhưng tôi chỉ nhớ có cô Toàn.
Cô Toàn xin hai thùng nước, rồi ngồi kiếm chuyện làm quà đến khi chiều hết nắng mới về nhà. Cô hay chống đòn ngang nạnh, nhìn tôi mà bảo "Ngày xưa, mày là thị mẹt, bố mày bảo vứt ra ngoài búi tre". Y rằng, bà nội tôi đang ngồi bện chổi ngoài hiên, sẽ cầm cái túm rơm nếp mà phết vào bụng chân cô mắng rằng "luyên thuyên".
Tôi thấy ghét cô Toàn. Vì thế, mỗi lần nghe tiếng cô sang là tôi chạy ra đóng cổng, không cho xin nước.
Tôi có hai chị gái. Ngày mẹ mang bầu lần thứ 3 là tôi, cũng như hai lần trước, không có tiền đi khám thai hay siêu âm. Người ta chỉ thấy mẹ bụng vừa gọn vừa cao, con thì đạp khỏe, rồi nghĩ tôi là quý tử. Bố tôi đi phụ xây cả ngày, tối còn tranh thủ vác vó ra ao đánh mấy con tôm gầy cho mẹ dưỡng thai. Cái thuở mà toàn dân còn ăn sắn độn, thì mẹ tôi được ăn một quả trứng gà mỗi tuần. Mẹ trở thành một sản phụ vô cùng may mắn.
Một sáng trời trong của tháng Sáu năm ấy, tôi, cô con gái thứ ba ra đời. Tôi không biết truyền thuyết "bị vứt ra ngoài búi tre" có bao nhiêu phần sự thật. Nhưng sự thật là bố và tôi không bao giờ gần gũi. Giữa hai bố con luôn tồn tại một cánh cửa vô hình. Bố không muốn mở, tôi thì ngại gõ.
Tôi đi học. Nhà không gần trường nhưng tôi cũng không được ai đưa đón bao giờ. Ba chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Những ngày mưa, cái Trang, cái Huyền lúc nào cũng nhìn ra cửa sổ. Bố bọn nó đã cầm áo mưa đứng chầu chực đợi đón về. Tôi không bao giờ nhìn ra cửa. Tôi biết bố sẽ không ra đón. Tạnh mưa, tôi tự đi bộ về.
Vài năm sau, các nhà trong xóm đều đã xây bể nước, khoan được giếng. Cô Toàn không sang xin nước nữa. Nhưng cuộc đời tôi lại xuất hiện một nhân vật mới, chỉ vài tháng sau khi mẹ hỏi "con thích có em không?".
Một sáng tháng Giêng, em trai tôi ra đời. Nó đã không bị dọa vứt ra đâu đó như "truyền thuyết" từng vận vào đời tôi. Bố tôi làm 10 mâm cỗ, khao cả họ. Đời tôi chưa bao giờ thấy bố cười nhiều như thế.
Tôi lên lớp 9, các chị gái đều đã đi học đại học xa nhà. Mùa đông ấy, bố đảo ngói, bị ngã, gãy chân, nằm nhà hơn 2 tháng. Mẹ tôi đi chợ bán rau cả ngày. Sáng ra, tôi dậy sớm dọn nhà, nấu cơm cho bố, cho em, bế em dậy đi vệ sinh, cho ăn, cho đi lớp... Cuối cùng tôi mới được đi học.
Năm ấy tôi bị hạnh kiểm khá vì quanh năm đi học muộn. Cô chủ nhiệm viết giấy về gia đình, không cho tôi làm lớp trưởng nữa. Tôi chạy xe một mạch từ trường ra bờ sông ngồi khóc cả buổi chiều, đến tối mới mò về nhà.
Mẹ vẫn chưa đi chợ về. Bố một chân còn đang bó bột, đứng đợi sẵn ngoài cổng. Giờ tôi không buồn, chỉ thấy sợ. Mắt ông vằn lên, tay cầm que quấy cám lợn, đánh tôi. Tôi không né, cũng không khóc.
Tôi thi đại học. Trong khi bè bạn còn đang phân vân giữa bác sĩ, công an, hay thậm chí cả làm siêu nhân, hiệp sĩ, tôi từ nhỏ vẫn luôn dai dẳng với ước mơ làm nhà báo.
Ngày tôi làm hồ sơ đăng ký, bố chỉ nói gọn lỏn "Học ngân hàng, đừng có làm những cái không đâu". Tất nhiên, tôi không để tâm đến lời ông nói, như xưa nay vẫn vậy. Tôi đậu thủ khoa ngành cao điểm nhất Học viện, chỉ bạn bè biết. Bố cũng không làm cơm khao họ hàng.
Trường đại học cách nhà không xa, nhưng tôi ít khi về nhà. Mẹ ngày nào cũng gọi điện hỏi tôi ăn gì, học hành ra sao, bạn cùng phòng trọ có tốt tính không. Mẹ lo tôi lần đầu xa nhà lại bỡ ngỡ, tủi thân. Tôi không bao giờ gọi cho bố. Bố cũng không bao giờ gọi cho tôi.
Hai mối tình thời đại học của tôi đều không thành. Họ bỏ cuộc ngay sau lần đầu tiên về nhà và ngồi ăn cơm với bố. Tôi không trách họ, vì bản thân tôi còn không thể hòa đồng với ông. Như các cô gái trẻ tuổi dại khờ cùng thời, tôi đánh dấu cái tình yêu đổ vỡ ấy bằng cách cắt phéng đi mái tóc dài ngang mông, sau khi khóc cạn nước mắt.
Năm sau, tôi bỏ lại sau lưng tất cả để đi du học bảy năm. Tiễn tôi ra sân bay, mười tám người cả gia đình, bè bạn, trong số ấy, không có bố.
Chẳng biết từ đâu, người ta nói câu "con gái là người tình kiếp trước của bố". Nếu quả thật bố con tôi kiếp trước từng quen nhau, hẳn chúng tôi đã có một chuyện tình không mấy tốt đẹp. Nhưng nếu chỉ dừng ở đây, có lẽ, tôi sẽ nợ người đọc một nửa còn lại của câu chuyện.
Câu chuyện về người đàn ông giữa đêm, chân trần bế đứa con gái nhỏ bị viêm phổi mãn tính lên bệnh viện tỉnh, thức trắng đêm cùng mẹ tôi đứng chầu chực bên ngoài, sốt ruột đợi từng tiếng thở trong lồng ngực tôi mạnh dần.
Người đàn ông ấy, là bố tôi.
Câu chuyện về người đàn ông không bao giờ mang áo mưa đến trường cho tôi vì một ngày đi làm mười hai tiếng, hết thợ xây, lại đóng gạch, bốc vác thuê và trở về khi tôi đã ngon giấc. Cuối tháng nhận được tiền, người đàn ông ấy luôn mua một dải thịt lợn thật to, thật nhiều thịt mỡ. Và với tóp mỡ, người đàn ông ấy bao giờ cũng dặn bà nội "để dành cho con bé con vì nó ốm yếu nhất nhà".
Người đàn ông ấy, cũng lại là bố tôi.
Câu chuyện về người đàn ông buổi chiều tôi bỏ nhà ra sông ngồi đến tối đã tập tễnh cái chân còn bó bột, đi khắp làng, từ nhà bạn bè đến cô giáo, cô bác để hỏi thăm xem có thấy tôi ở đâu. "Nó không la cà bao giờ, nên chỉ có bị làm sao rồi". Người ta bảo chưa bao giờ thấy ông bồn chồn như thế.
Người đàn ông ấy, là bố tôi - người hôm ấy đánh tôi xong lại quay mặt đi mà khóc, trách mình đã quá nghiêm khắc với tôi.
Người đàn ông ấy chỉ vì quá ám ảnh với những vụ nhà báo bị hành hung, ám sát trong khi tác nghiệp, nên đã bắt tôi học để làm việc trong ngân hàng. Còn tôi đã cho ông là kẻ cả đời chỉ nghĩ đến bạc tiền.
Chỉ vì không muốn con gái lấy chồng quá xa, lúc sinh nở không có bố mẹ chăm, khi giận chồng không có người an ủi, bố đã làm đủ cách để khiến hai mối tình đại học của tôi nhụt chí mà tự động từ bỏ. Ngày tôi về nhà với mái tóc ngắn chưa chạm vai và đôi mắt đỏ hoe, chính bố là người tiếc mái tóc dài ấy nhất. Nằm bên mẹ, ông trằn trọc cả đêm "Lần này, tôi sai rồi".
Bố không bao giờ gọi điện cho tôi những ngày còn ở Học viện. Nhưng chính ông là người giục mẹ đúng 19h, sau lúc ăn cơm xong, phải gọi điện cho con gái. Ông cũng ráo riết một hồi những câu hỏi sau khi mẹ tôi đặt điện thoại xuống: "Nó ăn gì chưa? Hôm nay học mấy tiết? Sao tuần này lại không về?"...
Biết tôi sẽ đi du học xa nhà, người lo buồn đến phát bệnh là bố. Ngày tiễn tôi ở sân bay, người sợ phải khóc trước mặt tôi, sợ tôi biết rằng mình yếu đuối, cũng là bố. Và đến tận bây giờ, mỗi cuối tuần tôi về nhà rồi đi, ông cũng không mấy khi ra tận chân đê để tiễn như mẹ thường làm, cũng chỉ vì cái sự lo âu yếu đuối ấy.
Có những tình cảm thật lạ kỳ.
Bố đã qua rồi cái tuổi phải gồng mình lên nghiêm khắc để uốn nắn một bầy bốn đứa con. Tôi đã qua rồi cái tuổi ước mơ có một người bố khác. Khi lớn lên, tôi biết "lòng cha mẹ" là thứ mình nên hiểu trước cả khi phải nuôi những đứa con của riêng mình.
Nguyễn Thanh Lam