Mẹ tôi đanh đá là câu nói tôi thường nghe từ những người ở buổi chợ phiên vì chuyện giá cả, tranh chỗ ngồi bán hay giành khách của nhau. Phận đàn bà một nách bốn con, mẹ tôi đanh đá cũng vì cơm - áo - gạo - tiền đè nặng vai gầy, mong những đứa con yêu được đủ đầy. Tôi yêu người mẹ đanh đá đó hết lòng.
Có ai từng chứng kiến hình ảnh mẹ buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng bạc lẻ, làm thuê cuốc mướn mặc kệ trời mưa nắng để chạy ăn từng bữa? Riêng tôi, chuyện đó diễn ra từ khi tôi nhận thức được cuộc sống không màu hồng, nó chẳng giống với tiểu thuyết.
Mẹ tôi ở Thanh Hóa, quê nghèo quá nên lấy chồng xong cả nhà tôi dắt díu vào miền Nam kiếm kế sinh nhai. Ngày vào đất Đồng Nai, nhà tôi là dân ngụ cư mới đến nên thiếu thốn trăm bề. Xung quanh người dưng nước lạ, khó khăn trong nề nếp sinh hoạt, rồi kiếm tiền là cuộc chiến sinh tồn.
Chỉ khi sống trong khó khăn, cảm nhận hết nỗi đau của cái nghèo, thua thiệt thì con người ta mới biết phấn đấu đi lên. Mẹ tôi vốn học giỏi cũng vì nghèo mà mẹ không được học đến nơi đến chốn để đi làm bàn giấy, cho cuộc đời sung sướng. Thành ra ở nơi đất khách quê người mẹ phải bươn chải để chúng tôi có cái ăn, cái mặc, cơ hội đến trường. Tôi thương mẹ vô cùng.
Bố đi bộ đội về bị bệnh gai cột sống nên không làm được việc nặng nhọc. Mẹ phải cáng đáng mọi thứ như đấng nam nhi. Có ai hiểu được người phụ nữ thấp bé nhỏ con lại có sức mạnh phi thường khi lo cho bốn đứa con, người chồng bệnh tật qua bao năm tháng khó khăn chồng chất.
Mẹ đanh đá nên dám một mình nhận làm thuê cho vườn mía giáp rừng Nam Cát Tiên có nhiều thú dữ, nhất là voi rừng ở Tánh Linh - Bình Thuận hay ghé xuống quậy phá vì tiền công cao gấp đôi. Mẹ tôi đanh đá nên đi xịt thuốc sâu, thuốc cỏ hàng tuần lễ như đàn ông dù bị bệnh đau nửa đầu kinh niên.
Mẹ năm lần bảy lượt đạp xe hơn ba mươi cây số đi đòi bằng được tiền công làm cỏ mà người ta nợ không chịu trả nửa năm ròng. Khi nhà mất đàn gà nuôi giống bán lấy tiền gửi cho nội ngoại, bà mặc kệ ánh mắt soi mói của người đời, đội nón đến từng chuồng gà hàng xóm láng giềng để kiểm tra.
Mẹ đánh đòn nát đít thằng em trai tôi khi nó bị hàng xóm chửi đổng vì bắt gặp ăn cắp vặt mấy quả ổi dại mà người ta để rụng đầy gốc. Chúng tôi phải học ít nhất đoạt danh hiệu học sinh tiên tiến, không được để môn học nào dưới điểm trung bình mới được mẹ sắm đồ tết. Mẹ trèo rừng lội suối đi kiếm thuốc cho ba vì thuốc nam tốt hơn hẳn thuốc tây.
Mẹ không bao giờ chấp nhận ai ăn chặn của mẹ dù chỉ một xu lẻ, song mẹ luôn dạy các con "Mẹ không bao giờ tham của ai một đồng một cắc, thế nên mồ hôi nước mắt của mẹ cũng không ai được ăn giật một hào". Mẹ không đợi của bố thí dù có nghèo rách đến đâu đi nữa nhưng mẹ sẵn sàng đóng góp xây trường, làm đường đi lại vì đó là tương lai các con.
Hai mươi năm tha hương cầu thực, một tay mẹ nuôi dạy chúng tôi, nuôi bố bệnh tật, xây được ngôi nhà khang trang có vườn, có ao. Một tay mẹ buôn bán, bon chen cật lực với đời để các con học đại học, có công ăn việc làm ổn định, có vị trí trong xã hội để đời không coi khinh.
Mẹ tôi đanh đá như thế bao năm rồi, từ khi tóc còn đen nhánh cho đến giờ điểm bạc, khi khóe mắt đã nhăn nheo chân chim và lưng bắt đầu còng. Mỗi người yêu mẹ, cảm nhận tình yêu của mẹ theo cách riêng. Ai đó muốn khoe mẹ như thiên thần hiền lành, tốt bụng đó là quyền của họ. Tôi chỉ viết về mẹ chân thực như những gì tôi được nghe, được thấy, cảm nhận.
Mẹ của tôi, người đàn bà đanh đá là tượng đài vĩ đại trong tim tôi, người là hình mẫu mà tôi mong muốn tìm được ở nửa kia của đời mình. Đó là người phụ nữ trung hậu, đảm đang, hết mực vì chồng con và vươn lên từ khó khăn cuộc đời.
Mai Đức Dũng
Từ ngày 28/6 đến 11/8, độc giả chia sẻ cảm xúc, tình yêu thương, kỷ niệm khó quên bên đấng sinh thành có cơ hội nhận sữa Boost Optimum. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 300 - 1.200 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất một hình ảnh minh họa; bài ảnh (tối đa 12 hình ảnh) tự chụp, hoặc bài dự thi dưới dạng video thể hiện tình cảm với cha mẹ. Gửi bài dự thi tại đây.