7h30, sau khi xong bữa sáng, ông Cường bưng khay trà ra căn nhà sàn bên bờ sông. Nghe tiếng chân trên sàn gỗ, bầy cá tra túm tụm quẫy đuôi, chờ đợi bữa điểm tâm.
Xúc 2 thau cám lớn, ông bốc từng nắm hất xuống sông, một đám đen ùa lên, há to miệng tranh nhau đớp, bọt nước văng tung tóe. Ông Cường ngồi xuống sàn, cầm một nắm thức ăn đặt sát mặt nước, vài con cá ngoi lên đớp đồ ăn từ tay. Ông sờ đầu, vuốt lưng những con cá tra bóng lưỡng, như thú cưng của mình.
Đây là thú vui tuổi già của ông Phạm Văn Cường, 65 tuổi, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, Châu Đốc, An Giang, 5 năm qua.
Ngày đó, sau khi nghỉ việc tại xưởng gỗ gia đình, ông Cường dựng một căn nhà sàn sau lưng nhà chính, sát bờ sông Vĩnh Nguơn (nhánh sông Hậu) để hóng mát. Thấy dưới sông có những con cá nhỏ, ông ném vài hạt cơm xuống cho ăn, thích thú khi chúng bu đến.
"Tôi nảy ra ý tưởng nhử cá đến để ngắm. Ngày nào cũng cho ăn, dần chúng đến nhiều hơn", ông nói. Đến nay đàn cá ước tính lên tới hàng nghìn con, có con nặng tới chục kg.
Không nhớ rõ con nào đặc biệt, song ông Cường dễ dàng phân biệt được giữa cá cũ và cá mới. "Cá mới đến thường nhỏ, đuôi dài mình thon, chưa đầy một kg. Những con khoảng 6 - 7 kg là ở với tôi 2-3 năm rồi. Tui cho ăn riết chúng nó ú nu", ông cười nói.
Cá đến đông, nhiều người lợi dụng lúc trời tối chèo ghe chích điện, ông Cường không giận, chỉ thương cá vì "chúng cũng là từ thiên nhiên, đâu phải của riêng tui nên làm sao tui cấm họ bắt được, nhưng nếu để họ bắt chẳng khác nào mình dụ chúng tới chỗ chết".
Để bảo vệ đàn cá, 2 năm trước, ông bỏ gần 100 triệu thuê người, mua cây, mua lưới rào lại một khoảng sông khoảng 500 m2, thả lục bình làm nơi trú ngụ cho đàn cá. Ban đầu, ông dùng lưới nhựa bao quanh, nhưng sau phải thay bằng lưới kẽm để tăng khả năng bảo vệ.
"Tôi chỉ rào lưới phần trên mặt nước, còn phần đáy bỏ trống để chúng đến, đi tùy ý. Một ngày chúng nó có bơi đi hết thì tui cũng chịu, nhưng còn ở đây thì tui vẫn cho ăn", ông chia sẻ.
Mỗi ngày, ông Cường cho cá ăn 2 lần sáng, chiều, hết một bao cám công nghiệp 25 kg. Để "đổi khẩu vị", vài tháng nay ông thuê người đến các quán ăn mua cơm thừa về. Chi hàng chục triệu mỗi tháng, lại không đem về thu nhập, nhưng ông Cường được gia đình ủng hộ. 4 người con góp tiền cho bố mua thức ăn cho cá.
"Có đợt ông ấy nằm viện hơn 20 ngày. Một ngày không biết gọi về bao lần cho vợ con, dặn đi dặn lại phải cho cá ăn", bà Lê Thị Tiều, 60 tuổi, vợ ông nói.
Trên sông Châu Đốc, sát nhà ông Cường có nhiều hộ nuôi cá tra xuất khẩu. Ban đầu nhiều người nghĩ ông Cường không bán thì cũng ăn thịt, nhưng vợ chồng ông đã ăn chay trường hơn 30 năm nay. "Chúng tôi chưa từng bắt một con cá nào ăn, cũng chưa một ngày nào bỏ đói đàn cá', ông Cường nói.
"Ở địa phương hiện chỉ có duy nhất ông Cường dẫn dụ cá thiên nhiên về nuôi mà không bán hay giết thịt. Việc này góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên và rất có ý nghĩa", ông Lương Thế Luân, Phó chủ tịch phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, nhận định. Tháng 2 vừa qua, ông Cường nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì việc làm này.
Bữa chiều hôm nay của lũ cá là hơn trăm ký cơm canh thừa, cùng rau củ quả đựng trong những can nhựa lớn, ông xúc từng tô lớn hất xuống.
"Chúng nó gì cũng ăn, lại có vẻ thích ăn cơm hơn là thức ăn công nghiệp đấy", ông hỉ hả nói, dù quần áo, tóc tai ướt nhẹp vì cá quẫy. Hàng nghìn con cá há miệng to tranh nhau náo động một khoảng sông.
Phan Diệp