Thứ sáu, 10/1/2025
Thứ tư, 1/10/2014, 15:53 (GMT+7)

Không gian thoáng đãng với vườn cây giữa nhà

Các KTS tạo ra một khoảng sinh hoạt chung ngập tràn ánh sáng và cây xanh cho ngôi nhà ở huyện Nhà Bè (TP HCM). Đó là nơi ông bà ngồi uống trà, bố mẹ trổ tài nấu nướng còn bé chơi xích đu.

Ngôi nhà do nhóm KTS Lê Cảnh Văn, Đặng Huy Cường, Chu Ngọc Anh thiết kế nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh ở ngoại ô Sài Gòn. Nhà có mặt bằng 82,5 m2 (5,5m x 15m). Giống như bao ngôi nhà ở Việt Nam, nơi này cũng phải chịu mọi ảnh hưởng từ sự vận động hối hả của môi trường xung quanh như khói bụi, nắng nóng, tiếng ồn...

Bởi vậy, chủ nhà (cũng làm trong lĩnh vực thiết kế) cùng các KTS quyết định, phần không gian chính sẽ hướng nội để tạo ra phần lõi với những khoảng đệm nhiều cây xanh. Không gian mở là tiêu chí hàng đầu trong thiết kế để các thế hệ trong gia đình được giao tiếp với nhau gần gũi nhất.

Các tiêu chí cụ thể của ngôi nhà được đặt ra là:

1. Không gian mở nhưng hướng nội, đơn giản, mộc mạc nhưng phải tinh tế.
2. Ưu tiên ánh sáng, thông gió tự nhiên. Giảm thiểu sự phụ thuộc, tiết kiệm tối đa năng lượng nhân tạo. Mượn ánh sáng, bóng đổ để trang trí, tận dụng tối đa gió mát nhưng phải kiểm soát nhiệt, tiếng ồn và đảm bảo an ninh cho ngôi nhà.
3. Tôn trọng văn hóa sống và nếp sinh hoạt của chủ nhà.
4. Vật liệu thân thiện với môi trường. Tận dụng chất liệu đặc thù địa phương để giảm chi phí và lưu giữ dấu ấn, bản sắc vùng miền.

Các KTS đã đưa ra phương án "nhà hai lớp áo". Lớp thứ nhất là hệ tường bằng các viên bê tông rỗng 30x30cm, đảm bảo gió, nắng, mưa ùa vào nhà nhưng vẫn đảm bảo an ninh. Sau lớp áo thứ nhất là các khoảng đệm bằng cây xanh vừa giúp lọc bụi, bớt nắng nóng, giảm tiếng ồn, vừa mang lại một khung cảnh thiên nhiên gần gũi cho ngôi nhà. Lớp thứ hai là các ô kính lớn được mở hết tầm, toàn bộ cảnh quan thiên nhiên bên ngoài sẽ được chủ nhân cảm nhận rõ nét.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất trong thiết kế không nằm ở phương án "nhà hai lớp áo" mà là khu vườn nhỏ giữa nhà. Đó là nơi tất cả các ngăn cách về không gian được xóa bỏ, nơi mọi thành viên trong gia đình được sum họp, nơi xua tan mọi mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc.

Một không gian nhỏ nhưng có đủ sân chơi, vườn cây, cầu thang tối giản bằng gỗ và sắt đã tạo nên trái tim của ngôi nhà. Tại đây, nhóm kiến trúc sư đã tạo ra không gian để tất cả các thế hệ trong gia đình có thể giao tiếp với nhau, từ chiếc xích đu cho trẻ nhỏ, khu vườn cho ông bà thư giãn và chăm sóc cây cối, đến nơi bố mẹ được trổ tài nấu nướng.

Giải pháp lấy sáng và gió từ việc tổ chức các khối không gian chức năng như vị trí khoảng vườn đệm, hệ mái kính di động, mảng tường bê tông thông gió đã tạo cho ngôi nhà luôn ngập tràn trong ánh sáng, gió mát.

Tất cả các phòng đều có hai mặt tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.

Sự tính toán của nhóm thiết kế được thể hiện qua từng khoảng thời gian. Buổi trưa, ánh nắng trực tiếp và xuống thẳng khu vườn giữa nhà, các không gian còn lại lấy ánh sáng tán xạ qua lớp tường bêtông. Buổi chiều, ánh sáng được lọc qua lớp tường gạch thông gió và tạo độ sâu cho không gian qua bóng đổ của các vật liệu trên nền và tường nhà.

Nguyên lý đối lưu và thông gió trực tiếp cũng được áp dụng triệt để, giúp các không gian trong nhà đều đón được gió trời. Như vậy, ánh sáng - thông gió đã được giải quyết để đem lại cho chủ nhân một ngôi nhà gần gũi và thân thiện với tự nhiên.

KTS danh tiếng Le Corbusier từng nói: "Các anh biết không, chính là cuộc sống luôn luôn có lý, còn nhà kiến trúc thì mãi mãi sai lầm". Người thiết kế không thể bác bỏ lối sống và thói quen sinh hoạt của chủ nhà. Người chủ muốn chuyển những vật dụng nội thất đã dùng từ nhà cũ về nhà mới. Tất nhiên, đồ cũ sẽ rất khó để tương đồng màu sắc với tổng thể ngôi nhà, tạo ra sự lộn xộn.

Tuy nhiên, KTS luôn tôn trọng điều đó và sắp xếp lại hợp lý hơn, coi như nơi lưu giữ kỷ niệm và tình cảm, bình dị và chân thực, mang lại cảm giác thân thuộc và thoải mái cho chủ nhà.

Lê Cảnh Văn (Theo i.House Architecture and Construction)
Ảnh: Lê Cảnh Văn - Vũ Ngọc Hà