Tháng trước một blogger nổi tiếng của Nhật Bản đã làm một video so sánh khoảng cách giàu nghèo tại đất nước này. Cô ghi hình tại hai địa điểm, một là Azabu Juban - một trong những khu vực giàu có nhất Nhật Bản và Shoumachi - một khu ổ chuột.
Tại Azabu Juban, nhà cửa chủ yếu là các biệt thự sang trọng với nhiều người nước ngoài sinh sống. Hầu hết các trường học ở đây đều có yếu tố quốc tế với mức học phí rất cao. Giới thượng lưu tại đây thường đưa con đi đánh tennis hoặc chơi bóng đá mỗi khi rảnh rỗi.
Ở khu ổ chuột Shoumachi, nữ blogger phát hiện trên đường phố rất ít trẻ em và thanh niên, đa phần là người già sống trong những căn nhà tối tăm và ngập rác. Các bậc phụ huynh ở đây cũng hiếm khi thấy đi cùng con cái. "Họ thường đến các sòng bạc nhỏ hoặc hội mạt chược quen thuộc để giải trí", nữ blogger cho hay.
Khi có đủ trải nghiệm tại hai nơi khác biệt, nữ blogger nhận ra rằng, để nuôi dưỡng một đứa trẻ trở thành tinh hoa, yếu tố gia đình vô cùng quan trọng. "Nhiều người sinh ra trong các gia đình nghèo thì có tầm nhìn, suy nghĩ không thể so sánh với những gia đình giàu có".
Nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Cách Thập Tam từng viết về cuộc sống của một gia đình tại Thượng Hải.
Có một lần, một người bạn nói với cô: "Tôi bây giờ không thể mắng hay đánh con được". Người này giải thích: "Bởi con tôi lớn lên từ sữa nhập khẩu đắt đỏ, học tiếng Anh một thầy một trò ở trường nổi tiếng, piano chơi xuất sắc. Vào các kỳ nghỉ tôi phải chi rất nhiều tiền để con được tham gia các trại hè quốc tế, nơi bọn trẻ được chơi những môn thể thao quý tộc như chèo thuyền và lặn".
"Nếu mắng con một câu giống như tôi phủ nhận việc đầu tư cho giáo dục, một cú đánh giống như tôi tự gây thiệt hại cho chi phí đầu tư của chính mình", người bạn nói.
Về cuộc sống của gia đình này, Cách Thập Tam nhận định, để nuôi dưỡng một đứa trẻ trở thành tinh hoa, cha mẹ giàu có không để đứa con của mình thất bại ngay từ vạch xuất phát, họ cũng luôn làm việc chăm chỉ để không bị tụt lại phía sau.
Nhà nghiên cứu xã hội học Mễ Lạp Ma cũng từng có nghiên cứu riêng về cách giáo dục trẻ em ở những gia đình giàu có tại quận Hải Định ở Bắc Kinh.
"Trẻ em 3 tuổi ở đây đã có vốn từ vựng tiếng Anh lên tới 8.000 từ, ngang với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở NewYork, Mỹ. Tôi từng gặp một đứa trẻ 4 tuổi tại quận Hải Định, cứ mở miệng ra là hạt nhân nguyên tử. Sở thích của cô bé là cuối tuần đến các thư viện để tự nghiên cứu. Một cậu bé 6 tuổi khác lại đam mê cuốn sách How It Works bằng tiếng Anh", Mễ Lạp Ma nói.
Theo nhà nghiên cứu này, các bậc phụ huynh sống tại quận Hải Định đều là những nhân vật xuất sắc, có người là giáo sư đại học, có người là chủ những công ty nước ngoài nổi tiếng tại Trung Quốc.
"Dù bận rộn nhưng họ luôn tận dụng thời gian để đọc sách, nghe các bài giảng bằng tiếng Anh để có thể hướng dẫn con cái mình hoàn thành bài tập về nhà", Mễ Lạp Ma nói.
Nhà nghiên cứu cũng chụp lại một bức ảnh trong lớp học với học viên đều là các bậc phụ huynh, với chú thích: Đây là phía sau của một lớp tiểu học trong giờ học toán tại quận Hải Định. Phụ huynh đang chăm chỉ học tập, ghi chép và quay video để về nhà học tập cùng trẻ.
"Tất cả điều này khó quy cho việc những đứa trẻ tại Hải Định xuất sắc là bởi chúng có điều kiện kinh tế. Khoảng cách giáo dục giữa người giàu và người nghèo lớn hơn chúng ta nghĩ", Mễ Lạp Ma viết.
Trong bộ phim tài liệu "Cái nhìn công bằng", đạo diễn đã ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Cậu bé Lâm Thâm được sinh ra trong gia đình nghèo, không được đi học. Mẹ bỏ đi vì nghèo đói, người cha cần mẫn bên vài mẫu ruộng để nuôi 2 cậu con trai.
Hàng ngày Lâm Thâm cày ruộng, chăn gia súc, hoạt động giải trí duy nhất là nhảy lên chiếc xe đạp cũ nát và đi lòng vòng trong sân. Con 10 tuổi, người cha đã muốn con trai học sửa chữa xe máy và ôtô, tuy nhiên ước mơ của cậu bé là được đến lớp.
"Tôi thấy việc đi học chẳng có ích lợi gì. Tôi sẽ mất đi một trợ thủ đắc lực trong công việc hàng ngày", bố của cậu bé nói. Người đàn ông này có thể nằm cả ngày trên giường sau khi uống rượu và để con mình sống một cuộc sống khiêm nhường và nghèo khó như mình.
"Cái nghèo của nhiều gia đình không chỉ ở vật chất mà là cách nghĩ. Nhận thức của họ quá hẹp và không có tầm nhìn dài hạn", đạo diễn nhận định.
Đối với giới thượng lưu, sự tự tin và bản lĩnh của đứa trẻ được chú trọng nhiều hơn.
Cách đây không lâu, nữ diva Vương Phi đưa con gái Lý Yên đi du học tại một trường quốc tế dành cho giới nhà giàu ở Thụy Sĩ. Mức học phí mỗi năm hơn 100.000 USD.
Mới đây, Lý Yên đăng tải một số hình ảnh chụp cùng bạn bè người nước ngoài, kèm dòng trạng thái: "Sức sáng tạo sẽ bùng cháy mạnh mẽ khi mọi người làm việc nhóm cùng nhau". Trong ảnh, cô bé rạng rỡ, thích thú khi tham gia hoạt động của trường.
Ngay từ lúc sinh ra, Lý Yên đã bị hở hàm ếch và được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi. Không tự ti về ngoại hình, với sự cổ vũ của bố mẹ, cô bé được mời chụp tạp chí, trình diễn thời trang ngay từ khi còn nhỏ. Lý Yên cũng có cơ hội phát triển hàng loạt sở thích của mình. Bức thư pháp "Tâm niệm" mà em viết năm 9 tuổi từng được bán với giá 260.000 tệ (832 triệu đồng), một bức tranh vẽ gấu trúc khác của cô bé từng được trả một triệu tệ (3,2 tỷ đồng) trong một buổi đấu giá từ thiện.
Cao Hiểu Tùng là nhạc sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, MC nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có.
Theo nghiệp gia đình, Cao từng theo học Đại học Thanh Hoa, khoa điện tử, tuy nhiên sau đó ông thấy mình phù hợp với nghệ thuật hơn nên xin mẹ nghỉ học một tháng để tham gia câu lạc bộ về đạo diễn. Tưởng rằng mẹ sẽ từ chối, nhưng bà đồng ý để con trai thực hiện mong muốn của mình. Sau này, Cao đã thi vào Học viện điện ảnh Bắc Kinh, khoa đạo diễn. Ông khởi nghiệp bằng nghề viết kịch bản, sáng tác nhạc và liên tiếp gặt hái được thành công lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn, Cao từng nói: "Mọi người từng nói tôi thành công bởi gia thế giàu có. Nhưng tôi nghĩ quan trọng là bố mẹ đã nhìn nhận được những khả năng vô hạn của tôi, cho tôi sự tự tin và bản lĩnh".
Yếu tố gia đình thực sự quan trọng để tạo ra những đứa trẻ tinh hoa, nhưng đây không phải lý do gắn tất cả những thất bại của bản thân do bố mẹ không giàu có.
The Up Series (7 năm cuộc đời) là một bộ phim tài liệu của BBC quay lại câu chuyện cuộc đời của 14 đứa trẻ khác nhau từ năm lên 7 cho đến khi họ 56 tuổi. Đây được xem là một trong những bộ phim tài liệu vĩ đại nhất của Anh. The Up Series đem đến cái nhìn sâu sắc và đầy tính chiêm nghiệm cho câu hỏi: Điều gì xảy ra với số phận của con người khi họ trải qua những phương pháp giáo dục không giống nhau?
Đầu bộ phim, đạo diễn đưa ra nhận định: "Tầng lớp xã hội của mỗi đứa trẻ sẽ có ảnh hưởng đến tương lai của chúng." Ba đứa trẻ con nhà thượng lưu đều có kế hoạch rõ ràng cho tương lai của bản thân. Còn những đứa trẻ lớn lên trong khu ổ chuột thậm chí còn không dám mơ về điều gì xa vời trong tương lai. Điều chúng hy vọng chỉ cần là đủ ăn và có thể kiếm được ít tiền nuôi sống bản thân.
Tuy nhiên Nick, một cậu bé sống trong khu ổ chuột đã vượt qua khó khăn và trở thành sinh viên Đại học Oxford danh tiếng.
Ở tuổi 40, Nick là giáo sư Đại Học Wisconsin (Mỹ), thay đổi hoàn toàn vận mệnh của bản thân và gia đình. Nick cũng là trường hợp duy nhất trong số những đứa trẻ thuộc tầng lớp thấp có bước phát triển ngoạn mục so với những đứa trẻ cùng tầng lớp.
Khi thành danh, Nick từng nói: "Mọi người không thể chắc chắn tài sản của mình có để lại được cho thế hệ sau hay không, nhưng ít nhất có thể chắc chắn một điều rằng, một khi cho thế hệ sau sự giáo dục tốt nhất thì chúng có thể sống một đời an nhàn mà không cần lo lắng về vấn đề tiền bạc".
Hải Hiền (Theo Sohu)