"Cảm ơn mẹ sinh ra con thêm lần nữa
Công ơn này con mãi khắc ghi"
Câu thơ cùng dòng chữ "Chúng con Hậu - Cường - Tiến - Thủy - Hưng" nằm ở góc dưới cùng bức tranh có một tán cây chót vót xõa bóng rộng dưới bầu trời trong xanh, như thể lòng mẹ chở che, đàn con an trú.
Đây là bức tranh "bóng cả" mà 5 người được nhận tạng từ con trai của bà Cấn Thị Ngần (59 tuổi) gửi tặng bà, để tri ân công đã tái sinh mình. Trong căn nhà nhỏ tại thôn Độ Lân (Quốc Oai, Hà Nội), cứ dăm ba hôm bà Ngần lại bắc ghế lau chùi bức tranh ấy.
Chồng mất sớm vì bị điện giật, bà Ngần ở vậy gồng gánh nuôi 3 người con, 2 trai, một gái. Người phụ nữ đậm người, khuôn mặt phúc hậu vẫn không thể quên cuộc sống trong chiếc lều chơ vơ giữa cánh đồng nước. Bốn mẹ con mò cua, chăn vịt mà sống.
Hai thập kỷ sống trong túp lều ấy, đến năm 2015, bà Ngần cất được căn nhà mái bằng, hy vọng dựng vợ cho cậu út Trịnh Định Vàng (sinh năm 1986) nữa là xong. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Đêm 27/7/2016, bà Ngần đang trông trẻ trong nội thành thì nhận được điện thoại báo Vàng ngủ trên lan can bị ngã xuống đất. Lúc tới Bệnh viện 103, bác sĩ nói rằng Vàng bị chết não đến 99%, không còn cơ hội cứu sống. Như sét đánh ngang tai, bà Ngần ngã quỵ.
Ở nhà công tác lo hậu sự cho chàng trai xấu số đã chuẩn bị xong. Nhưng rồi tất cả bất ngờ khi bà Ngần ký giấy hiến tạng Vàng cho y học.
"Sống gần 60 năm cuộc đời tôi có biết hiến tạng là gì đâu. Nhưng nghe bác sĩ nói là những bộ phận của con tôi sẽ được sống lại trong cơ thể người khác khiến tôi suy nghĩ nhiều. Nếu đưa cháu đi hỏa thiêu thì cũng thành tro bụi, thôi thì làm phúc cứu người", bà bùi ngùi kể lại.
Từ chữ ký của bà Ngần, 5 con người xa lạ đã có được sự sống mới. Ngay trong đêm đó, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, hai quả thận của anh Vàng để cứu sống 3 người. Một thời gian sau giác mạc cũng được trao cho 2 bệnh nhân khác để họ có cơ hội nhìn thấy cuộc đời.
"Ở làng, người ta nói tôi tham tiền mà bán nội tạng của con. Thậm chí họ còn bảo rằng tôi không để thằng Vàng yên ổn khi được chết toàn thây, là bất nhân, là thất đức", bà kể.
Tiếng xấu "bán nội tạng" con trai vẫn đeo bám bà Ngần suốt thời gian dài. Thế nhưng mọi việc đã thay đổi vào cuối năm 2016 khi chiến sĩ cảnh sát biển Nguyễn Nam Tiến (Quảng Bình) - người nhận được trái tim của anh Vàng - tìm đến nhà để tri ân.
"Nhìn thấy Tiến từ ngoài cổng, nước mắt tôi tự dưng tuôn trào, rồi như có động lực gì khiến tôi chạy lại ôm con, ghì mặt mình vào ngực trái của nó, nơi có trái tim của Vàng đang đập trong đó mà gọi 'Con ơi'", bà Ngần nhớ lại.
Anh Tiến đứng im làm chỗ dựa cho bà Ngần mà giọng cũng nấc lên. Nửa năm trước anh đang hấp hối. Nhờ quả tim của Vàng mà anh được tái sinh.
Túi quà anh nhận khi ra về có kèm một lá thư của bà Ngần, viết: "Nhận được tin con ra Bắc thăm nhà khiến mẹ rất vui. Con đang mang trái tim của Vàng, lồng ngực con đang có dòng máu của Vàng cũng là dòng máu của mẹ. Mẹ không cần con phải đền đáp gì hết, chỉ cần con sống khỏe là mẹ vui rồi...".
Gần 3 năm sau ngày gặp gỡ, anh Tiến cho biết giờ anh coi bà Ngần như mẹ ruột. Anh từng đón bà về thăm nhà mình, gần như ngày nào anh cũng gọi cho bà trò chuyện. "Nếu hôm nào chưa kịp gọi thì mẹ nhớ, mẹ gọi lại xem tình hình sức khỏe tôi ra sao. Tôi vẫn qua nhà thăm mẹ khi ra ngoài Bắc để thăm khám lại. Với tôi, mẹ vừa là ân nhân, vừa là người thứ 2 sinh ra mình", anh Tiến chia sẻ.
Cũng từ ngày anh Tiến đến thăm, hàng xóm xung quanh bắt đầu hiểu hơn nghĩa cử của bà Ngần. Họ không còn bàn tán mỗi khi bà đi qua nữa mà dành cho bà những lời động viên, an ủi. "Ở thôn cũng có người nói ra nói vào. Dần dần mọi người cũng thấu hiểu và thương bà ấy hơn", ông Trịnh Đình Hà (trưởng thôn Độ Lân) chia sẻ.
Sau anh Nguyễn Nam Tiến, bà Ngần lần lượt gặp những người được nhận tạng từ con trai mình. Đó là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và anh Vương Xuân Cường (ở Sơn La) – 2 bệnh nhân được ghép thận; chị Đinh Thu Thủy và anh Nguyễn Xuân Hưng (đều ở Hà Nội) - những người được nhận giác mạc của anh Vàng.
Trong những người nhận tạng của con mình, bà Ngần có tình cảm rất đặc biệt với chị Trần Thị Hậu. Trước khi phẫu thuật, chị Hậu có 8 năm suy thận, phải chạy thận liên tục. Sau ca ghép thận, khi sức khỏe ổn định, chị và anh Vương Xuân Cường đã cùng nhau đi tìm người hiến tạng cho mình nhưng theo quy định phía bệnh viện không thể cung cấp thông tin. Bất ngờ vào giữa năm 2017, một chương trình truyền hình đã gọi cho chị để kết nối với bà Ngần. "Lần đầu gặp mẹ, tôi đã có cảm giác rất yêu thương và thân thuộc rồi. Cách nói, cử chỉ của mẹ tôi từng gặp ở đâu, thân quen lắm, trìu mến lắm", chị nói.
Chị Hậu cùng bà Ngần gọi điện cho anh Cường trong một lần bà đến chơi nhà chị. Video: Phương Hoàng |
Hai Tết vừa qua, chị Hậu đón bà Ngần lên chơi với gia đình mình. Nhờ quả thận mới, chị khoẻ hơn và bắt đầu tập đi lại xe máy. "Lần đầu tiên chở mẹ, tôi đã làm mẹ ngã giữa phố. Mẹ khá đau mà nhìn tôi phá lên cười. Giờ thì tôi đi xe máy cứng tay, mẹ lên chơi là chở khắp phố phường được rồi", chị Hậu cho hay.
Với những người còn lại, bà Ngần vẫn nhận được sự thăm hỏi thường xuyên. Hàng năm cứ đến ngày giỗ của anh Vàng (ngày 27/7) cả 5 người đều hẹn nhau đến nhà bà Ngần thắp cho ân nhân nén nhang, ăn bữa cơm đoàn viên.
Trong phòng lưu hồ sơ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, có một hồ sơ nộp năm 2016 mang tên Cấn Thị Ngần - tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng. "Tôi ân hận mãi khi biết một cô bé 16 tuổi vì không đợi được đến ngày được ghép thận mà ra đi mãi mãi. Nếu biết sớm hơn, tôi đã cho cô bé ấy một quả thận của mình. Đã muộn rồi, nên tôi mong cơ hội ấy gửi cho nhiều người khác", bà nói.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, số người đăng ký hiến tạng đang tăng lên. Đến nay, con số này là hơn 23.000. Tuy nhiên số người đã hiến toàn bộ nội tạng của mình cho y học sau khi mất trong năm 2018 vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 10 trường hợp.
Hải Hiền