Chuyên làm video về du lịch, khám phá, mạo hiểm, anh Hoàng Nam (Hà Nội) có hơn 1,3 triệu người theo dõi trên kênh video cá nhân. Vừa qua hành trình dài qua 6 tỉnh thành, anh dành cho bản thân 3 ngày nghỉ.
"Người ta nghĩ làm video trên mạng toàn những nội dung linh tinh. Thực tế, người làm nghề này một cách nghiêm túc, họ sẽ đầu tư rất nhiều, không những tiền bạc mà còn về mặt kiến thức, nội dung", anh Nam chia sẻ.
Những công trình bỏ hoang lâu năm, các hang động nguy hiểm, hay những địa điểm có tính chất tâm linh... không ai dám bén mảng là chủ đề ưa thích để Nam thực hiện video 5 năm qua.
Nam nhớ nhất lần thám hiểm hang động suối cá thần ở Thanh Hóa. Vì không có người bản địa, anh và người đi cùng đã lạc nhiều giờ đồng hồ, khiến đầu óc hoảng loạn. Cuối cùng, nhờ bình tĩnh lại, anh đã hoàn thành video an toàn.
"Khi tôi đến khám phá những điểm tâm linh, người ta nói làm vậy thì gia đình sẽ gánh hậu quả khôn lường. Thời gian đầu họ chỉ toàn chửi bới, thậm chí lăng mạ, nói rằng tôi 'chơi ngu lấy tiếng', khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về việc từ bỏ", anh Nam chia sẻ.
Khoảng năm 2014, Nam dường như nhốt mình trong phòng, không gặp gỡ bạn bè, cũng không thiết ăn uống. Trong đầu anh luôn nghĩ phải làm sao để mọi người hiểu, nhưng càng nói, càng bị chửi bới nhiều hơn. Gia đình cũng cho rằng anh đang làm những trò nhố nhăng. Nhiều lần anh rơi nước mắt vì không tìm được sự đồng cảm.
Tuy nhiên anh vẫn giữ quan điểm làm video để cảnh báo nguy hiểm, không phải cổ xúy để người xem làm theo. Lúc đó, 70% bình luận trên video của anh đều là chửi bới.
Hiện tại, những video của anh đã được tiết chế đi những nội dung quá nguy hiểm, thay vào đó là khám phá các nét văn hóa kỳ bí ở Nhật Bản, Thái Lan... Có lần dùng tay không leo 80 mét lên đỉnh của cầu Thuận Phước, Đà Nẵng, anh bị chính quyền địa phương gửi công văn nhắc nhở. Sau mỗi chủ đề như vậy, anh đều làm video riêng khuyên người xem không nên làm theo. Do vậy các phản hồi tích cực giờ chiếm đa số.
Là một vlogger (quay nhật ký) chia sẻ mẹo vặt, bắt đầu làm video từ 2016, đến nay Thu Giang (27 tuổi, TP HCM) đã có gần 800.000 người theo dõi. Cô cho biết các video chăm mèo, nấu ăn, ứng xử trong các mối quan hệ... của mình cũng không ít lần nhận "gạch đá".
"Trong một video chia sẻ quan điểm cá nhân để có tình yêu lâu dài, vì miêu tả lại những hành động thân thiết với người yêu, có người còn chửi mình biến thái, những câu nói công kích cá nhân tràn ngập dưới phần bình luận. Thực sự mình rất ấm ức nhưng cũng đành chịu thôi. Vì làm nghề là phải chấp nhận", Giang nói.
Làm việc tự do, nhưng để ra video đúng hạn mỗi tuần 2 lần, cô phải đánh đổi nhiều thứ. Càng ngày, cô càng ít có thời gian để gặp bạn bè, người thân. Những lời trách móc ngày càng trở nên thường xuyên, cô chỉ biết cố gắng sửa sai mọi lúc có thể.
Phạm Công Thành (26 tuổi, Hà Nội) làm video đăng mạng khi là du học sinh Mỹ. Kênh của Thành nói về những vấn đề đời thường như tính xấu của bản thân, cuộc sống đại học hay những vấn đề của anh em trong nhà... thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
"Thời điểm đó, việc đưa mặt mũi, danh tính lên mạng xã hội là điều rất đáng sợ. Không như bây giờ, phần lớn người làm ai cũng muốn trở thành hiện tượng", anh chia sẻ.
Thành rất trau chuốt cho video của mình. Chỉ đơn giản là nói một câu chuyện bình thường như kể về bạn thân hay về tuổi 22, có những ngày, anh ngồi liên tục 12 tiếng chỉ để làm video.
Làm video bị ném đá, chê cười ngoại hình như béo ú hay tóc xấu đối với anh là chuyện bình thường. Anh ngại nhất là những người vào xem chỉ để chửi, có lời lẽ phân biệt vùng miền. Là một trong những người đi đầu làm vlog, nội dung của anh thường xuyên bị cho là nhảm nhí, đặc biệt là chủ đề tuổi dậy thì hay giới tính. Đó là những thời điểm Thành buồn bã, tự trách và nhiều lần định từ bỏ.
Sau một thời gian, Thành được mời đóng phim, từ đó số lượng video trên kênh của anh thưa thớt dần. Bên cạnh đó, thị hiếu khán giả lại ngày càng khác đi, đối tượng người xem thay đổi. Sau một thời gian, Thành cảm thấy lạ lẫm khi ngồi lại làm vlog.
"Người xem luôn cần cái gì đó tốt hơn, nhưng không phải lúc nào tôi cũng đáp ứng được", Thành tâm sự.
Giờ đây, Thành vẫn làm video, nhưng không chạy theo thị hiếu của khán giả, mà làm sản phẩm chỉ để thỏa đam mê của mình. Ra đường thỉnh thoảng anh vẫn bị đả kích, thậm chí xúc phạm, cho rằng anh không có khả năng gì nhưng lại được mời đóng phim và nổi tiếng.
Nhờ kiên nhẫn, chịu đựng những bình phẩm "ném đá", Giang, Thành và Nam đến giờ có các kênh video cá nhân hàng đầu Việt Nam, trong tổng số gần 1.000 kênh như vậy, biến việc làm video trở thành một nghề tiềm năng, thu nhập lớn.
"Với lượng xem các video tổng cộng 10 triệu view, người làm có thể kiếm được tối thiểu 30 triệu đồng mỗi tháng từ tiền quảng cáo", Hoàng Nam cho biết. Khi có nguồn thu ổn định, nhiều người xem làm video là nghề chính.
Dù đôi khi cảm thấy phiền phức vì fan, nhưng Nam tự hào là mình đã làm được công việc từng bị chính người thân nghĩ "không ra gì". "Trong video mình được bộc lộ những cái sâu hơn trong tâm hồn. Mình nhận ra thế giới này đâu cũng là nhà, đi những nước xa xôi cũng có người nhận ra và giúp đỡ", Nam bày tỏ.
Đối với Giang và Nam, việc tìm ý tưởng cho video không phải điều khó khăn, vì khán giả cũng chính là người đưa ra ý tưởng. Cái khó khăn nhất là giữ bản thân không bị ám ảnh về lượt xem, lượt thích, để rồi tạo ra những nội dung câu khách, bất chấp lương tâm.
Nhiều người từng đi theo con đường chụp giật nên đã sớm thất bại. Riêng trong nửa đầu năm 2019, có đến hàng chục nhân vật nổi lên nhanh chóng chỉ sau vài tháng nhờ video gây sốc, nhưng cũng lụi tàn chỉ sau một vài ngày.
Trọng Nghĩa