Tết này là Tết đầu tiên em vắng nhà, có lẽ em sẽ nhớ lắm. Anh hiểu, bởi anh đã trải qua những cái Tết như thế.
Năm đó anh 19 tuổi, cuộc sống sinh viên năm nhất giữa thành phố năng động và nhộn nhịp. Anh và một vài người bạn ở lại. Khoản tiền làm thêm trong những ngày nghỉ Tết đủ trang trải cuộc sống sinh viên hàng tháng trời. Khoản tiền ấy đã níu chân anh ở lại thành phố.
![anh-1-anh-va-ut-hai-ca-dang-na-5534-6135](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/anh-1-anh-va-ut-hai-ca-dang-na-5534-6135-1423026744.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RKGx7jE_b2_kbdbpgu10sg)
Anh và Út cùng hái cà đắng để nấu canh trong những ngày Út còn ở nhà.
Ngày ba mươi, những dòng người trên phố hối hả ngược xuôi. Những cành đào, chậu quất len lỏi trên những con đường mang không khí tết đến từng ngõ ngách phố phường. Công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng làm anh mệt nhoài. Chân tay vận động liên tục làm anh không nghĩ vẩn vơ. Anh chỉ nghĩ đến khoản tiền công sẽ kiếm được trong ngày hôm nay.
Trời xẩm tối, công việc vãn dần. Đường phố cũng vắng dần. Mọi người nhanh chóng về với gia đình và mâm cơm tất niên. Những bước chân mệt mỏi đưa anh về phòng trọ. Mùi bánh chưng, mùi gà luộc làm cơn đói cồn cào kéo đến. Mở cửa căn phòng trọ trống hơ trống hoác, anh muốn gục xuống. Cảm giác cô đơn trống vắng ùa đến. Nó xộc vào từng chân tóc, từng tế bào làm anh thấy trống rỗng. Chân tay bủn rủn, rã rời. Anh nhớ nhà, nhớ bố mẹ và nhớ em.
Giờ này, mẹ đã chuẩn bị xong mâm cơm tất niên. Đĩa bánh chưng, con gà luộc, bát canh măng… Bố lầm rầm khấn bên bàn thờ tổ tiên. Anh và em sẽ ngồi canh nồi nước tắm tất niên. Mùi lá sả, lá chanh thơm lừng cả gian bếp nhỏ. Em lén lấy vài cái bánh phồng tôm vùi vào bếp gio. Hai anh em dấm dúi ăn trong bếp. Mặt lấm bụi bẩn mà miệng cười toe toét. Em thích ăn bánh phồng tôm nướng. Rồi anh lôi em ra sân giếng tắm. Hai anh em chí chóe. Tắm xong cho em, quần áo anh cũng ướt hết. Và đến lượt anh tắm. Từng gạo nước ấm lăn trên da thịt. Hương bưởi, hương chanh ngấm vào từng lỗ chân lông. Cảm giác như sức sống mùa xuân đang ngấm vào từng thớ thịt.
Có tiếng cười rộ lên từ phía nhà bà chủ. Anh bừng tỉnh. Tất cả chỉ là mộng mơ, là hồi ức. Nước mắt đã chảy ướt đẫm má từ lúc nào. Anh vùng dậy, vơ lấy ba lô. Khóa vội cửa phòng trọ, anh chạy ra bến xe. Về nhà! Trong đầu anh chỉ còn một ý nghĩ đó. Những ánh đèn đường nhòe nhoẹt trôi về phía sau. Tám tiếng đồng hồ ngồi xe là anh sẽ về đến nhà. Sẽ được ở bên bố mẹ, bên Út.
![anh-2-1422501917-3321-1423026744.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/anh-2-1422501917-3321-1423026744.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4-1UXsxeR8TALSYot1bo5Q)
Út bơm nước cho anh rửa mặt.
Sau khi thắp hương giao thừa, bố sẽ rót cho mỗi người một ly rượu nhỏ. Rượu hoẵng mẹ ủ từ rượu nếp cái thơm lừng và ngọt lự. Cả nhà nâng ly rượu chúc nhau sức khỏe. Bố bảo uống một ly rượu nếp đầu năm cho may mắn. Cả năm sẽ sung túc, ngọt ngào suôn sẻ… Bến xe vẫn ồn ào nhưng xe cuối về nhà vừa chạy cách đó vài phút. Anh buông ba lô ngồi xuống cạnh đường, mặc kệ dòng người tấp nập ngược xuôi. Giờ này, bố mẹ và Út đang làm gì nhỉ? Có lẽ mẹ vẫn đang bận rộn trong bếp. Út thì lăng xăng, phụ thì ít mà làm hỏng thì nhiều… Anh tiến vào một quán có điện thoại.
- A lô! Anh à! Sao anh không về? Út nhớ anh lắm! Hôm nay là sinh nhật Út đấy! Anh không nhớ à? Bố mẹ cũng quên…
Tiếng Út nức nở làm lòng anh nhói lên, nước mắt chực tràn ra. Tết năm chín tuổi, khi đi đổ rác, anh đã nhìn thấy Út nằm bên thùng rác. Út vào nhà mình từ đấy. Anh tự hứa sẽ chăm sóc Út thật tốt, để bù đắp những thiệt thòi mà em phải chịu ngay từ khi chào đời. Anh đã hứa năm nào cũng tổ chức sinh nhật cho Út, vậy mà anh lại quên…
Anh không nhớ mình đã lang thang qua bao nhiêu con phố, lang thang qua giao thừa. Dòng người tấp nập đi xem bắn pháo hoa, tiếng nói tiếng cười ồn ã trước mặt mà anh thấy xa lắc. Những cơn gió mùa đông làm anh lạnh cóng. Mưa phùn nhè nhẹ rơi. Mặt anh ướt đẫm, không rõ là vì mưa hay nước mắt.
![bua-com-gia-anh-3-dinh-1422501-2329-3289](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/04/bua-com-gia-anh-3-dinh-1422501-2329-3289-1423026745.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6eB89SpV3xpG_iZZkPKvwQ)
Bữa cơm gia đình sum họp.
Út à! Tết năm ngoái em tròn mười tám tuổi. Bố mẹ đã nói cho em điều em cần phải biết. Anh đã rất lo cho em. Anh sợ em sốc, sợ tổn thương. Nhưng em trưởng thành hơn anh nghĩ. Dù mắt đỏ hoe nhưng giọng nói thật rắn rỏi, rành mạch. "Đây là nhà con". Em đã giữ cho gia đình mình một cái Tết thật đầm ấm. Qua mùa xuân, em xin nhập ngũ. Mẹ khóc như mưa. Em vuốt nhẹ lên lưng mẹ an ủi. Em đã trưởng thành thật rồi!
Mùa xuân này em không về, cả nhà sẽ nhớ em nhiều lắm. Chắc chắn em cũng sẽ nhớ nhà. Nhưng hãy vững lòng, em nhé. Bên em là những người đồng đội, hãy làm tốt nhiệm vụ của một người con với tổ quốc. Cả gia đình sẽ đợi em về trong một cái Tết sum vầy, ấm áp - Tết đoàn viên.
Nguyễn Văn Trãi
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |