Ông Trịnh Viết Then, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học, giảng viên bộ môn Tâm lý học, ĐH Văn Hiến giải mã hành vi bạo hành trẻ mầm non sau vụ bảo mẫu đánh chết trẻ gây bức xúc dư luận.
Hàng chục vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây. Năm 2007, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy tại một trường mầm non tư thục ở quận Phú Nhuận, TP HCM, đã dán băng keo vào miệng một cháu bé 18 tháng tuổi khiến nạn nhân tử vong sau đó ít ngày.
Ngày 15/7/2010, TAND quận Tân Phú (TP HCM) tuyên phạt cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (30 tuổi, ngụ Đồng Tháp) 4 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Trước đó, bé Vinh không chịu nghe lời, cô Nữ tức giận xốc nách cậu bé bỏ vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn ở tầng một rồi ấn nút cho đi xuống tầng trệt. Quá hoảng sợ khi thang máy di chuyển, cháu Vinh gào khóc và bám vào bức tường xi măng dẫn đến bị cọ xát chảy nhiều máu và rất nhiều thương tích với tỷ lệ 27%.
Năm 2008 xuất hiện những video ghi lại hành vi bạo hành của bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai. Khi cho trẻ ăn, bà Hoa đã túm tóc giật ra sau và úp cả tô cơm vào mặt cháu Mỹ Duyên (2 tuổi). Còn cháu Thành Đạt (15 tháng tuổi) cũng bị bảo mẫu đập vào miệng đến rách môi.
Gần đây nhất, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, quê Cần Thơ) đã đánh cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) khiến em tử vong tại quận Thủ Đức, TP HCM. Bảo mẫu Nhờ dốc ngược cháu Long lên để dọa nhưng lỡ tay làm bé rơi tuột xuống nền nhà. Cô ta đạp nhiều lần lên người cháu khiến bé chết do đa chấn thương nội tạng.
Cháu Vinh, một trong những nạn nhân bị cô giáo "hành xác" với vết sẹo dài trên đầu. Ảnh: Vũ Mai. |
Hành vi bạo hành trẻ trở thành một thực trạng được cả xã hội quan tâm bởi tính chất, hậu quả nặng nề về thể chất và tâm lý cho trẻ. Ngay cả người bạo hành cũng phải trả giá đắt về hành vi mình đã gây ra.
Bạo hành không chỉ xảy ra với bảo mẫu mà cả những người thân khi trông giữ con cháu mình. Không những thế, bạo hành trẻ nhiều khi lại xảy ra ngay trong chính trường mầm non, nơi mà giáo viên được đào tạo bài bản về cách nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Bản chất của bạo hành
Thực chất bạo hành chính là những hành vi ứng xử tiêu cực với trẻ em trong những tình huống vượt quá khả năng ứng phó của người chăm sóc, nuôi dưỡng, gây tổn thương về mặt thực thể và tâm lý cho các em. Nói một cách dễ hiểu, khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Do đó họ không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và để lại hậu quả như thế nào.
Phân tích nguyên nhân sâu xa của những vụ án thương tâm trên, đa phần đều có một mẫu số chung là trẻ thường khóc lóc, la hét, không nghe lời, không chịu ăn, chịu chơi, chịu ngủ. Tình trạng ấy được lặp đi lặp lại làm cho người trông giữ cảm thấy bực bội, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi. Đó chính là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bạo hành.
Nguyên nhân bạo hành xuất phát nhiều khía cạnh:
1. Từ phía trẻ em
Mỗi đứa trẻ sinh ra với khí chất khác nhau, có em nóng nảy, có em ưu tư, bình thản… Vì vậy khi thực hiện yêu cầu của người nuôi dạy mỗi em biểu hiện rất khác nhau. Người chăm sóc trẻ lại so sánh theo cách thông thường là đều trẻ con sao đứa này ăn nhanh và cho là ngoan, nghe lời; đứa kia ăn chậm bị cho là lì lợm, không nghe lời.
Bên cạnh đó, đặc điểm tâm lý của mỗi giai đoạn là khác nhau nên nhu cầu và biểu hiện của mỗi trẻ là riêng biệt. Tuy nhiên, một số người chăm sóc không nhận thức được lại gắn cho trẻ cái mác là “hư", “lì lợm”, “bướng bỉnh”. Ví dụ trẻ trước 2 tuổi nói gì đều làm theo, sẵn sàng để cha mẹ đi dép, mặc quần áo. Đến khoảng 3 tuổi, nói các em không còn nghe lời tuyệt đối, không cho cha mẹ làm hộ, làm thay mà tự ý làm. Lúc này dễ xảy ra những mâu thuẫn, xung đột.
Thực ra đó là biểu hiện bình thường, vì trẻ ở độ tuổi lên ba có nhu cầu độc lập tự mình muốn tách khỏi người khác, muốn thực hiện được những khả năng của bản thân. Nếu người nuôi dưỡng không hiểu rõ, không nắm bắt được đặc điểm trong lứa tuổi này sẽ làm cho sự phát triển của trẻ trở nên rối nhiễu.
Một số đặc điểm đặc trưng của trẻ ở tuổi mầm non:
- Hệ thống não bộ, hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên bé chưa tự điều tiết được các nhu cầu của bản thân.
- Ngôn ngữ, tư duy, cũng như kinh nghiệm xã hội chưa phát triển đầy đủ để bé nhận biết và hiểu được mệnh lệnh, cảm xúc của người nuôi dưỡng trẻ.
- Một số em hiện nay mắc các bệnh tâm lý như hiếu động kém chú ý, tourette, tự kỷ… Người nuôi dạy không có kiến thức chuyên môn dễ lầm tưởng là trẻ nghịch ngợm, lì lợm.
- Gia đình có những bất đồng trong cách chăm sóc và giáo dục giữa bố và mẹ, giữa bố mẹ và ông bà làm cho trẻ không biết làm theo ai.
- Sự không thống nhất giữa gia đình, nhà trường về chế độ sinh hoạt nên trẻ không thực hiện được các yêu cầu. Ví dụ ở nhà (thứ bảy, chủ nhật) trẻ ăn sáng lúc 8h30 trong khi đến trường trẻ ăn lúc 7h30 nên trẻ không chịu ăn, ăn chậm, ở nhà vừa ăn vừa chơi, trong khi đến trường chỉ tập trung ăn trong 15 phút. Hoặc có khi trẻ thức dậy lúc 6h30, có hôm 8h nên không thành lập được thói quen (phản xạ có điều kiện) để thực hiện tốt các hoạt động.
- Đặc biệt, một số trẻ sống trong những gia đình có hoàn cảnh, bị nhiều tổn thương nên rơi vào rối nhiễu tâm lý mà người nuôi dưỡng không hiểu biết sẽ dẫn đến trách phạt trẻ. Chẳng hạn có em bỏ ăn, biếng ăn, nôn ọe, đái dầm, cắn móng tay vì chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, đánh nhau, ly hôn hoặc cha mẹ quá ít thời gian gần gũi con. Những biểu hiện này đôi khi chỉ là một cách phản ứng của con trẻ chứ không có bệnh lý gì.
- Có những đứa trẻ khi thì biểu hiện rất khôn ngoan, kiềm chế được, có lúc thì rất “trẻ con” luôn nũng nịu làm cho người lớn khó thích ứng.
2. Từ phía người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ
- Người nuôi dạy trẻ hàng ngày đã phải chịu nhiều áp lực của công việc, từ các môi quan hệ trong gia đình, xã hội. Họ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng tâm lý dẫn đến cảm xúc, hành vi tiêu cực như giận cá chém thớt trong ứng xử với bé.
- Chưa có hiểu biết đầy đủ, và có hệ thống về đặc điểm tâm lý của trẻ mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân.
- Khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân chưa tốt, chưa được học và rèn luyện nhiều (nhất là đối với những người trẻ tuổi).
- Tình yêu thương đối với trẻ chưa đặt đúng mức, thường rơi vào hai thái cực hoặc quá yêu thương chiều chuộng, hoặc quá ít).
- Có những người nuôi dạy đã xem trẻ là người lớn thu nhỏ, nên đặt ra yêu cầu quá cao cho trẻ.
- Một số người nuôi dưỡng lại luôn so sánh con mình với những đứa trẻ cùng tuổi và gây áp lực cho trẻ bằng những hình phạt. Với trẻ em, có quy luật sự phát triển không đồng đều, có nghĩa là ở mỗi giai đoạn phát triển trẻ em sẽ phát triển một khía cạnh nào đó, và mỗi trẻ là khác nhau. Ví dụ có em biết đi đi sớm nhưng chậm biết nói, có em nói sớm nhưng chậm biết đi…
- Một số người nuôi dạy trẻ đã bị đặt áp lực quá lớn (trẻ phải lên cân, trẻ phải ăn hết suất) hoặc tự mình gây áp lực cho mình để thể hiện mình là người có trách nhiệm, có quyền lực hơn trẻ.
3. Nguyên nhân từ xã hội
- Sự phát triển của xã hội, sự biến động của môi trường sống, tình trạng gia đình dân nhập cư đổ về các trung tâm thành phố, khu công nghiệp làm việc và sinh sống ngày càng nhiều. Từ đó kéo theo sự gia tăng số lượng trẻ ồ ạt, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, nơi trông giữ trẻ không đáp ứng được.
- Khó khăn về kinh tế nên những người dân nhập cư đành phải nhắm mắt gửi con tại các nhà trẻ tư, nhóm trẻ hay nhờ những bảo mẫu là người thân quen không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng giáo dục trẻ, làm gia tăng tỷ lệ hành vi bạo hành trẻ.
- Công tác thanh, kiểm tra của các cấp quản lý tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ chưa kịp thời và triệt để.
- Sự thiếu quan tâm, kiểm soát của người dân xung quanh khu vực trẻ đươc nuôi dưỡng, giáo dục cũng dễ dẫn đến những hành vi bạo hành xảy ra cho trẻ.
Vậy làm thế nào để tránh hành vi bạo hành?
1. Về phía người chăm sóc trẻ:
- Cần tham gia các lớp học và tìm đọc thêm sách để hiểu rõ, hiểu đúng đặc điểm tâm sinh lý của từng giai đoạn phát triển, từng trẻ là khác nhau.
- Nhận thức rõ về hậu quả của những hành vi bạo hành (mỗi một tác động lúc tuổi thơ dù là bé nhất vẫn có thể gây ra hậu quả khôn lường khi đứa trẻ lớn lên).
- Kiểm soát và điều hòa được những cảm xúc, hành vi tiêu cực, của bản thân. Chẳng hạn: Khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực hãy tránh xa trẻ một chút, nhờ người khác giúp đỡ, uống một ly nước càng chậm càng tốt, hít thở sâu, hít vào đếm đến 5, thở ra đếm đến 7 hoặc 9. Trước khi định có hành động gì, hãy nghĩ đến hậu quả.
- Hãy yêu thương trẻ như mình là trẻ em.
- Nên đi học các lớp về tâm sinh lý trẻ em, quản lý cảm xúc, Yoga, thiền, dưỡng sinh, võ thuật… Đồng thời đọc thêm sách báo để có kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ.
- Có những hành vi bạo hành trẻ xảy ra do những tình huống bất ngờ, khó kiểm soát ở trẻ vượt ngoài khả năng xử lý, ứng phó của người nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Vì vậy, khi nhận chăm sóc nuôi dạy trẻ cần phối hợp với gia đình, thống nhất trong cách nuôi dưỡng, giáo dục và cần chuẩn bị tâm lý cho những tình huống bất ngờ xảy ra.
2. Về phía xã hội:
- Các cơ quan quản lý nên thường xuyên thanh tra, kiểm tra các nhà trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ để phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ.
- Cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của xã hội.
- Người dân cần đoàn kết, có tinh thần cộng đồng cao để giám sát các hoạt động của những cơ sở nuôi dạy trẻ, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bạo hành sớm ngăn chặn hoặc báo với cơ quan có trách nhiệm để xử lý.
- “Ngoảnh đi thì con dại, ngoảnh lại con khôn”, những người nuôi dạy trẻ cần thường xuyên dành nhiều thời gian, sự quan tâm, quan sát bé thường xuyên để kịp thời phát hiện những tổn thương ở trẻ.
Trịnh Viết Then
Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Đại học Văn Hiến