Đêm muộn tháng 3, anh Bình (39 tuổi) cùng Lò Văn Mười (28 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) vừa rời khỏi công ty thời trang của mình về nhà. Ngang qua cổng một công ty, Bình nhận ra tiếng động lạ trong một thùng xốp ở trên đường. Lúc đầu anh nghĩ là chó mèo bị bỏ rơi, nhìn kỹ là một bé gái chưa đầy tháng tuổi.
"Nhìn thấy cảnh này tôi xót xa quá, nhưng cũng sợ bị gài bẫy thành kẻ bắt cóc. Hai anh em đứng chờ 3 tiếng đồng hồ, không thấy ai đến. Đứa bé lạnh, khóc, hắt xì..., thương quá đành ẵm đến đồn công an", anh Bình kể.
Ở đây, cảnh sát nói nếu không có ai đến nhận, hai anh có thể đem bé về giữ tạm. Đoán bố mẹ bé sẽ không đến đón, vì trong thùng giấy đã có bức thư để lại, hai anh vẫn chờ thêm 4 tiếng nữa rồi mới mang bé về. Giữa đêm họ hộc tốc đi xin sữa mẹ cho bé, quên cả đói và mệt.
Ngày đầu đưa về, bé khóc suốt khiến hai ông bố nuôi sợ hãi. Họ chỉ biết lên mạng tìm hiểu mọi cách dỗ trẻ, như xông tinh dầu, mở nhạc rock, hát ru... Cuối cùng cô bé cũng tự nín, và nằm ngủ ngoan trong tay Mười.
"Mất đi thứ này, ông trời lại cho mình thứ khác. Bé Bắp Cải như đứa trẻ đến từ thiên đường, giúp nỗi đau mất người thân của Mười như nguôi ngoai bớt", anh Bình tâm sự.
Anh Bình quen Mười khi cậu đang đi tìm việc làm. Biết Mười nghèo, anh cho cậu làm công việc quản lý kho hàng và cho cả chỗ ở. Vài tháng sau, trận lũ kéo tới Bản Hát 2, xã Hát Lừu, Trạm Tấu, Yên Bái. Mười vẫn còn ám ảnh cuộc gọi của cháu gái: "Cậu ơi, cậu về đi, cả nhà cậu chết rồi". Trận lũ năm 2017 đã lấy đi 5 người thân của Mười, giờ anh chỉ còn 4 người anh chị ở xa.
Hai năm qua không đêm nào Mười ngủ yên, những cơn ác mộng cứ kéo về khiến anh nhiều khi trở nên hoang tưởng, không biết mình là ai, đang ở đâu. Mười bị mất ngủ triền miên, trầm cảm đến cực độ. "Lúc đó tôi chẳng biết sống để làm gì, làm kiếm tiền cho ai. Nhưng rồi tôi nhận ra có lẽ người dưới suối vàng không muốn mình đau khổ", Mười kể.
Từ đó, Mười tập trung hơn vào công việc, ít nói chuyện với mọi người, cũng chẳng rung động với ai.
Ngày bé Bắp Cải xuất hiện, Mười như được sống lại lần nữa. Ban công trồng cây giờ có thêm tã lót của trẻ. Mười có người để lo lắng, quan tâm, anh không còn ủ rũ giấu mình mà lên mạng tìm tài liệu dạy chăm con, cách bế ẵm, thay tã, hát ru, kể chuyện để con ngủ hay cách trang trí phòng cho con.
Mười thích làm mọi thứ cho con dù có thuê thêm bảo mẫu. Mỗi lần bố Mười ẵm, Bắp Cải ngoan, im thin thít để cả nhà ăn cơm. Anh Bình còn nhiều lần thấy ghen tị khi Bắp Cải thương bố Mười hơn.
Mấy ngày qua cô bé 3 tháng tuổi sốt cao, hai ông bố bỏ việc ở nhà chăm con. Nửa đêm, Mười chạy thang bộ xuống 18 tầng chung cư vì thang máy hỏng, bị vấp ngã trật chân, nhưng vẫn cố đi tìm bác sĩ về cho con. Nhà không có bàn thờ nhưng Mười cũng đứng khấn vái cho con mau khỏi bệnh.
Hiện tại, hai anh đã gần hoàn tất thủ tục nhận nuôi con. Đối với hai người bố, việc chăm con rất khó khăn nên họ vẫn hy vọng sẽ có thêm một thành viên nữ trong gia đình để có thể chăm sóc tốt nhất cho bé. Hàng tuần họ vẫn đi xin sữa mẹ từ những hội nhóm trên mạng xã hội để con có sức khỏe tốt nhất.
"Ai rơi vào hoàn cảnh này cũng nhặt đứa bé thôi. Nhưng không làm vậy cũng không có nghĩa là người xấu. Tôi tin rằng đây là duyên số, đau khổ tột cùng rồi yêu thương cũng tận cùng. Chỉ mong một ngày Bắp Cải có thể gọi bố", Mười mỉm cười nói.
"Dù tính tình mấy ông bố hơi cục mịch nhưng tôi tin họ sẽ chăm con tốt. Nhớ đêm họ đi xin sữa cho con, hớt hải thấy thương. Có thể nhiều người phụ nữ làm được như vậy, nhưng tôi không nghĩ nhiều đàn ông làm được như vậy", chị Dạ Thảo (36 tuổi), một bà mẹ trên diễn đàn cho sữa mẹ, chia sẻ.
Trọng Nghĩa