Etania Green Shool do nhóm tác giả Robertus Antonius Catharia Verrijt, Prasoon Kumar, Madhura Sham thực hiện tại Kota Kinnbalu, Beaufort, Sabah, Malaysia. Dự án gây ấn tượng với giải pháp nhà ở bền vững có khả năng tự cung tự cấp.
Etania Green Shool được xây dựng tại vùng rừng mưa nhiệt đới tại Malaysia - Sabah. Đây là nơi hấp thụ carbon của thế giới, nhưng đang bị khai quang với tốc độ nhanh để trồng cây cọ dầu. Để sản xuất dầu cọ số lượng lớn, Malaysia nhập khẩu lao động từ các quốc gia như Philippines và Indonesia với giá nhân công rẻ.
Tại Sabah, trẻ em của những người lao động nhập cư không có cơ hội tiếp cận với giáo dục. Do đó, Etania Green Shool được xây đựng nhằm góp phần khắc phục tình trạng này. "Chúng tôi muốn chứng minh rằng kiến trúc và kiến trúc sư có trách nhiệm phục vụ cho người nghèo hay cộng đồng yếu thế", đại diện nhóm tác giả chia sẻ.
Điều này cũng gắn chặt với các quy tắc thiết kế mà nhóm đề ra: không thiết kế qua loa đại khái cho người nghèo, coi người vô gia cư như khách hàng của mình... Mặt khác, nhóm cũng hướng đến thiết kế các giải pháp có thể biến đổi linh hoạt theo tỷ lệ và được trợ giúp bởi những mô hình kinh doanh hiệu quả.
Nhóm sử dụng các container hàng thải loại để nâng hẳn nền ngôi trường lên khỏi mặt đất mà không gây mất ổn định kết cấu của ngôi trường khi có động đất xảy ra. Những chiếc container này giúp giảm thiểu các thành phần cấu kiện và tăng độ ổn định của cả hệ kết cấu.
Công trình được định hướng dọc theo trục Đông - Tây để giảm thiểu hấp thụ nhiệt, tránh ánh nắng rọi trực tiếp nung nóng mặt đứng. Ngôi trường cũng được thiết kế hoàn toàn tách khỏi hệ thống lưới cung cấp điện, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tại tầng trệt, không gian giữa các khối container được bố trí thành những khu vực ngồi. Các lớp học có cấu trúc mở và kết nối với không gian xanh xung quanh.
Những căn phòng cũng được sử dụng làm phòng hội thảo, phòng ăn trưa hoặc không gian khiêu vũ... nhằm thích ứng với nhu cầu của người dùng. Dự án còn sở hữ thảm thực vật, tạo không gian trồng trọt để cung ứng thực phẩm cho học sinh và giáo viên.
Dự án được thiết kế như một giải pháp nhà ở tự duy trì, tự sản sinh năng lượng, thu nước mưa, làm sạch nước thải cống rãnh và tự trồng thực phẩm. Cụ thể, nước mưa được thu gom và trữ trong một chiếc ao lớn. Mái nhà sản sinh điện năng qua một số tấm pin quang điện. Chất thải phát sinh từ nhà vệ sinh sẽ xử lý qua hệ thống có sử dụng thực vật dạng lau sậy có khả năng hấp thu thành phần chất thải.
Nhóm tác giả cũng đề xuất thêm các giải pháp nhà ở bền vững có khả năng điều chỉnh quy mô như PowerHYDE - là một ngôi nhà có sử dụng năng lượng mặt trời và phát thải carbon mức âm.
"SPEC Go Green International Award" là giải kiến trúc danh giá dành cho kiến trúc sư trẻ và sinh viên kiến trúc tại Việt Nam và khu vực châu Á nhiều năm liền do nhãn hàng SPEC thuộc Tập đoàn 4 Oranges tài trợ dưới sự bảo trợ thông tin của Hội kiến trúc sư Vệt Nam.
An Nhiên