Huỳnh Huyền Trân là giám đốc một ngôi trường tâm lý dành riêng cho phụ nữ tại TP HCM. Người phụ nữ sinh năm 1980 từng có lúc làm đồng thời 3 việc: quản lý một công ty riêng, làm trưởng phòng Marketing cho một công ty nước ngoài và làm công việc mình thích ở trường tâm lý vì quan niệm hạnh phúc là lương cao, có nhà để ở, có nhà dư cho thuê, chồng con đề huề... Có thêm tiền nhưng chị mất rất nhiều: sức khoẻ, các mối quan hệ, chất lượng sống, lúc nào cũng trong tình trạng tất bật, không có thời gian chăm sóc gia đình. Sau những biến cố trong cuộc đời, chị nhận ra càng tối giản càng hạnh phúc. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Gần đây, nhiều bạn bè hỏi vì sao tôi lại muốn chuyển qua lối sống tối giản? Vì tôi rất lười (cười). Tôi là đứa lười dọn dẹp nhà cửa. Ngôi nhà phải mang đến cảm giác đúng nghĩa là chốn bình yên sau giờ làm việc chứ tôi không trở thành “nô lệ” để chăm lo cái nhà.
Từ bé xíu, tôi đã luôn có giấc mơ về ngôi nhà ít đồ đạc, có lẽ vì tuổi thơ ám ảnh với căn phòng bị cha mẹ chất đầy hàng hoá vào mỗi mùa kinh doanh cao điểm. Tôi cũng không thích hình ảnh các căn bếp ở quê miền Trung của mình luôn bày tùm lum nhiều thứ nồi niêu, muỗng đũa.
Người ta hay nói phải biết cách quản lý thời gian, tôi thì thấy điều cần quan trọng là tối giản những công việc mình làm trong ngày mới tạo ra khác biệt. Đôi khi điều bạn chọn không làm cũng quan trọng như điều bạn quyết định làm.
Tôi vô cùng ấn tượng với câu nói truyền cảm hứng của một chàng trai dạy nhiếp ảnh: “Muốn có những bức ảnh đẹp, bạn không cần thêm vào, mà hãy lấy ra khỏi khung hình những thứ ít đẹp. Hãy làm như thế với ngôi nhà của bạn, cả cuộc đời bạn nữa”.
Minimalism là cách sống cắt giảm đồ dùng xuống đến mức tối thiểu, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất, nhưng mục đích không phải chỉ để ngôi nhà thông thoáng, ít tốn thời gian dọn dẹp… mà chủ yếu là cho tâm hồn. Cùng với cuộc sống ít đồ đạc, bạn để tâm nhiều hơn đến hạnh phúc.
Nhìn ở góc độ tâm lý học, một người khi chọn theo lối sống tối giản bởi họ đã trải qua nhiều thứ xáo trộn, bắt đầu biết cách dẹp bỏ những điều vụn vặt trong đời để nhận ra hạnh phúc đích thực phải đến từ bên trong và không bị điều khiển bởi những vật chất xung quanh.
Trên tất cả Minimalism là một phong cách sống ảnh hưởng nhiều từ giáo lý đạo Phật và Thiền định, giúp mọi người biết buông bỏ, sống đơn giản, thân thiện với môi trường.
Sống tối giản, tôi có nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng. Tôi có được cảm giác an yên, hạnh phúc khi mọi thứ trong cuộc đời mình tinh gọn, nhẹ nhàng từ quần áo, vật dụng đến các mối quan hệ.
Tối giản trong ăn uống
Đa số các bữa sáng, tôi đều nấu tại nhà, chỉ tốn 5-10 phút chế biến, ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng, tiết kiệm tiền và đặc biệt tiết kiệm thời gian. Sau những khoá học về dinh dưỡng, tôi đang chuyển dần qua ăn 80% thực đơn là rau, củ, các loại hạt và cá, thịt gà. Tôi thường hấp hay nấu, hạn chế kho, chiên, xào vừa tốn thời gian chế biến vừa không thân thiện với cơ thể mình.
Trái cây được ưu tiên ăn sống. Tôi không còn dùng máy ép, máy xay sinh tố nữa, vì ăn trực tiếp tốt hơn cho cơ thể - tăng chất xơ và giảm lượng đường. Tôi cũng không dùng tủ lạnh loại lớn như trước nữa vì hiểu kể cả khi trữ đông thì thịt vẫn đang phân huỷ dần, rau trong ngăn mát vẫn đang bị oxy hoá… Tôi mua thức ăn vừa phải trong 1-3 ngày, bỏ thói quen tích trữ đồ ăn ngập tủ lạnh như trước đây.
Tối giản trong tiêu dùng
Tôi chỉ có một chiếc thẻ tín dụng. Hiện tại, ngoài chi phí cho nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đi lại…) chiếm 45% thu nhập, tôi chủ yếu dành tiền cho 2 mục: du lịch và học hành. Du lịch mang đến những trải nghiệm thú vị, những bài học, những khám phá và sự cân bằng. Còn học hành là đầu tư không bao giờ lỗ.
Tôi không tiếc tiền học nhưng mua iPhone7 là chần chừ cả một năm, cuối cùng quyết định mua để phục vụ công việc. Ít khi nào tôi mua một món đồ theo cách nhìn của người khác. Tôi quan niệm, những thứ gì xài thường xuyên thì phải luôn mua đồ tốt.
Tối giản trong vật dụng
Nội thất trong nhà được lược bỏ tối đa, tôi chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất mà không làm mất đi sự hài hoà của ngôi nhà.
Nhà tôi ở hiện không có thùng rác. Nấu nướng xong, tôi mang ngay rác ra khu vực đổ rác - chỉ cách căn hộ vài bước chân. Trong toilet, tôi dùng loại giấy có thể tan trong nước. Tôi không dùng khăn mặt mà thay thế bằng bông tẩy trang - vừa vệ sinh cho da hơn khăn mặt truyền thống vừa tiết kiệm thời gian giặt, phơi.
Nhà tôi không có tivi, truyền hình cáp, hay các tờ báo tạp chí.
Nhà tôi không có thảm chùi chân loại lớn như truyền thống. Tôi áp dụng cách này sau khi đọc cuốn sách rất nổi tiếng "20/80" viết rằng chỉ 20% bề mặt một cái thảm lớn được con người đặt chân lên thường xuyên. Tôi thay bằng những chiếc khăn nhỏ 30x30cm nhưng dày vừa đủ - rất tiện lợi cho việc giặt giũ.
Nhà tôi không quá nhiều đồ lưu niệm. Sau mỗi chuyến du lịch, tôi mua duy nhất cái nam châm nhỏ xíu tượng trưng cho mỗi quốc gia đã đến và dán trên tủ lạnh, thật gọn và không chiếm không gian của nhà.
Tôi thẳng tay thanh lý những đồ không đụng đến trong vòng 6 tháng qua dù còn mới tinh. Có thể đem bán rẻ ở cửa hàng đồ cũ hoặc đem cho người cần. Thói quen tích trữ đồ đạc chính là một lý do khiến bạn không bao giờ có thể dọn dẹp nhà gọn gàng được.
Tối giản trong lựa chọn
Tôi thấy nhiều phụ nữ đi shopping cứ chần chừ trước hai chiếc váy, không biết nên chọn kiểu gì, màu gì, tốn thời gian rồi phải nhờ hỏi ý kiến người khác. Tủ quần áo của tôi chỉ có ba màu chủ đạo đen, trắng, hồng nude, thiết kế đơn giản giúp tôi không mất công lựa đồ, dành thời gian cho những việc ý nghĩa hơn.
Khi tôi đi mua căn hộ, bạn bán hàng hỏi: “Với ngân sách không nhiều ấy, chị ưu tiên tiêu chí nào nhất: Diện tích rộng, view đẹp, vị trí tốt, tiện ích, tính thanh khoản, cách bố trí căn hộ…". Tôi trả lời ngay: “Vị trí thuận tiện số một vì chị cần tiết kiệm thời gian đi lại, chấp nhận nhà nhỏ để gần trung tâm nhưng bắt buộc view đẹp là quan trọng”. Nhờ tối giản các mong muốn của mình mà tôi chọn được căn hộ như ý ngay sau 15 phút.
Mọi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Thế nên, nếu đã chọn, hãy can đảm. Đừng suy nghĩ thiệt hơn quá nhiều.
Kim Anh (ghi)