Hai mẹ con chị Hoa (Đồng Nai) vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tuần qua trong tình trạng bỏng. Mẹ phỏng nhẹ ở đùi và chân, còn bé gái con chị bị lửa đốt ở mặt, tay và chân.
Người nhà cho biết, lúc xảy ra tai nạn trong bếp có hai vợ chồng chị Hoa và con. Ngọn lửa phừng lên rất nhanh, sau đó được chồng chị Hoa dập tắt kịp cứu vợ con. Anh cũng bị bỏng ở tay.
Kiểm tra ống gas sau đó, nhân viên của đại lý cung cấp nhiên liệu phát hiện một đoạn ống dẫn gas bị thủng do chuột cắn. “Đây là nguyên nhân khiến gas bị xì ra ngoài, khi gặp lửa lập tức bốc cháy”, bố của bé nói.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi được xác định bỏng độ 2, các vết bỏng chiếm 15% diện tích khuôn mặt và chân. Song vết bỏng không quá nghiêm trọng, đến sáng nay sau gần một tuần điều trị, bệnh nhi đã được các bác sĩ cho xuất viện.
“Rất may là lượng gas thất thoát không quá lớn, nếu không, lửa không chỉ gây bỏng mà còn cháy nhà, thậm chí gây nổ”, một bác sĩ nói.
Qua tai nạn trên và nhân những vụ nổ gas gần đây, các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyên phụ huynh phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng bếp gas cũng như khóa gas an toàn. Nếu nghi ngờ gas bị rò thì không được bật lửa hay bất kỳ công tắc điện. Phải thực sự bình tĩnh khóa gas, mở cửa cho thông thoát, tìm cách quạt khí gas ra ngoài (quạt bằng tay, không được bật công tắc máy quạt).
Trong trường hợp bị bỏng, vết thương cần được rửa bằng nước sạch để giảm nhiệt trước khi đưa đến cơ sở y tế xử trí. Tránh bôi dấm, mỡ, nước mắm, kem đánh răng vì có thể khiến vết bỏng bị nhiễm trùng.
Trung Hào