Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ hai, 11/1/2016, 08:05 (GMT+7)

Cá tính khác biệt trong hai căn hộ sinh đôi ở Hà Nội

Chủ nhà là hai chị em ruột muốn có không gian khác biệt nhưng vẫn có sự tương đồng trong các căn hộ có cấu trúc giống hệt nhau.

Cải tạo cùng lúc 2 căn hộ liền kề có cấu trúc không gian giống hệt nhau là đơn đặt hàng ít gặp với kiến trúc sư. Chủ nhà ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là hai chị em, họ chưa có quyết định sẽ đến ở hay cho thuê. Bởi vậy, các kiến trúc sư sẽ phải giải quyết 2 bài toán:

- Tìm giải pháp linh hoạt nhất trong việc sử dụng không gian để có thể phù hợp với nhiều đối tượng gia đình.

- Tránh sự lặp lại hay khác nhau hoàn toàn trong cách thể hiện nội thất của 2 căn hộ.

Mặt bằng trước khi cải tạo: Mỗi căn hộ có diện tích 110 m2, các phòng bố trí chưa hợp lý, tạo cảm giác chật chội và khó chịu khi sử dụng.

Cách tiếp cận của KTS Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà (Xưởng thiết kế VUUV) dựa trên nguyên lý "Đồ nội thất kiến tạo không gian". Để tạo sự linh hoạt, ngoài hệ đồ nội thất mang nhiều chức năng, kiến trúc sư còn sử dụng cửa đi để kết nối hay tách biệt các không gian sử dụng.

Hình khối và màu sắc là hai tiêu chí để giải quyết bài toán tương quan và đối lập giữa 2 căn hộ. Mỗi căn hộ đều được định hình bởi 3 khối nhưng một bên trắng và một bên màu.

Không gian mỗi căn hộ được tổ hợp bởi 3 khối. Chúng gồm nhiều chức năng như lối vào, buồng tắm, bàn thờ, tủ, bếp, giá sách, kệ tivi… Trong đó có một khối được sử dụng với nhiều công năng khác nhau như phòng ngủ cho con hay phòng làm việc… Trong ảnh là không gian sinh hoạt chung của căn hộ màu trắng.

Trong ảnh là không gian sinh hoạt chung của căn hộ màu.

Căn hộ màu trắng: Một loạt cửa đi được bố trí kết hợp với 3 khối đồ nội thất. Nhờ sự đóng hoặc mở của cửa mà không gian được định hình theo yêu cầu của người sử dụng.

Các không gian sử dụng chính như phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ được kết nối với nhau nhờ bố cục hợp lý của 3 khối đó.

Hệ cửa trượt tạo sự linh hoạt tối đa cho không gian đa chức năng (có thể làm phòng ngủ hoặc làm việc). Ở đây, khái niệm về tường ngăn phòng hoàn toàn bị loại bỏ.

Nội thất rời trong 2 căn hộ được chọn với nguyên mẫu truyền thống. Chúng có một sự đối lập mạnh với không gian hiện đại. Nhờ vậy, giá trị của từng đồ vật đã được tăng lên.

Hệ tủ đồ, tủ kỹ thuật được bố trí trong các khối hộp giúp tối ưu diện tích sử dụng, tăng tính thẩm mỹ, giúp không gian được thông thoáng.

Các không gian mang tính linh hoạt cao để có thể phù hợp với nhiều đối tượng gia đình.

Căn hộ màu: Sự khác biệt giữa hai căn hộ được thể hiện ngoài việc bố cục các khối đồ nội thất, còn khác nhau về màu sắc. Trong căn nhà thứ 2, các khối đồ vật được sơn 3 màu khác nhau: xanh-vàng-tím. Công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc sư và họa sĩ Lê Thiết Cương. Tranh của anh phối màu theo mảng phẳng với tư tưởng tối giản phù hợp áp dụng vào kiến trúc.

Loại sơn phù hợp được sử dụng để tạo nên một bề mặt thuần nhất trên các loại vật liệu khác nhau như gỗ, tường gạch… Bề mặt chất liệu có thêm chiều sâu khi ánh sáng chiếu vào, dẫn đến cảm nhận không gian thay đổi tùy thuộc ánh sáng trong ngày.

Tuy nhiên, màu trắng vẫn được đan xen vào từng khối để tạo thêm sự thanh thoát và sự liên hệ giữa các khối màu.

Khối đồ nội thất có màu tím với bàn thờ, tivi, tủ lạnh đặt trong tổng thể bố cục các hốc chức năng và hệ tủ. Nguyên lý "Đồ nội thất kiến tạo không gian" đã cho phép không gian được thông thoáng, tăng tính thẩm mỹ và tối ưu diện tích sử dụng.

Hồng Liên
Ảnh: Tường Huy

Chia sẻ căn nhà hoặc vườn đẹp của bạn bằng cách gửi mail về giadinh@vnexpress.net.