Bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh khiến cả thế giới nể phục khi 6 con bà đều là tiến sĩ tại Đại học Harvard và Đại học Yale, trở thành các giảng viên, hiệu trưởng và chủ tịch của các trường đại học danh tiếng.
New York Times bình luận về gia đình bà: "Gia đình thành công này phải được so với gia đình nổi tiếng Kennedy trong lịch sử Mỹ".
Họ cũng được Bộ giáo dục Mỹ bầu chọn là "Đối tượng nghiên cứu giáo dục gia đình người Mỹ gốc Á".
Bà Hesung Chun Koh sinh năm 1929 tại Seoul. Bà học khoa Tiếng Anh, Đại học nữ sinh Ewha tại Hàn Quốc. Khi là sinh viên năm thứ hai, bà được học bổng sang Mỹ, sau đó học tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội tại Đại học Boston.
Bà gặp chồng là tiến sĩ Kwang Lim Koh khi cùng dạy tại Đại học Yale. Cả hai là những giáo sư đầu tiên người châu Á tại trường này. Chồng bà sau này là đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong những năm 1960.
Dù trong sự nghiệp hay làm mẹ, dù ở cơ quan hay ở nhà, bà cũng gặt hái được những thành công đáng nể. Dưới đây là những bí quyết của bà:
Đừng hy sinh bản thân vì con cái
Khi mang thai con đầu lòng, tôi rất lo âu, không biết làm sao để nuôi dạy con tốt, khi chưa từng được ai chỉ dạy làm việc này. Rồi tôi nhớ lại cách bố mẹ đã dạy mình và thấy con đường sáng rõ trước mặt.
Bố mẹ tôi không phải là những người hy sinh vô điều kiện vì con cái. Họ không ngừng học tập, làm giàu vốn sống của bản thân. Thái độ sống này đã ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi.
Bố mẹ nào cũng yêu con sâu sắc và nhiều người nghĩ nên hy sinh mọi thứ cho con, để con có được những điều tốt nhất. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Điều quan trọng nhất bố mẹ có thể làm cho con là hướng dẫn và giúp trẻ hình dung về tương lai, tự bước trên con đường đời mình muốn.
Người mẹ cần biết phát triển bản thân
Dù bạn làm nghề gì, cũng cần nỗ lực hết sức để phát triển bản thân. Để nuôi dạy con tốt, đầu tiên chúng ta phải nâng cao năng lực của mình. Người mẹ đóng vai trò quyết định trong gia đình.
Tôi nhớ khi con vào trung học, tôi phải đối mặt với lựa chọn tiếp tục đi làm hay ở nhà chăm sóc gia đình. Tôi đã chọn tiếp tục sự nghiệp, và thời điểm đó, tôi phải dồn rất nhiều thời gian và sức lực vào công việc. Tuy nhiên, khi con gặp các vấn đề ở trường và cần trò chuyện, khích lệ, tôi chọn ở cạnh con.
Cha mẹ phải nghĩ về mục tiêu, lên kế hoạch cho cuộc sống của bản thân, sắp xếp thời gian, cải thiện năng lực của mình, từ đó mới có khả năng giúp đỡ và tạo được ảnh hưởng tới những người khác. Đây là cách để chúng ta trở thành tấm gương tốt cho con cái.
Đối xử tôn trọng với bạn đời
Cha mẹ tôn trọng nhau sẽ tạo ảnh hưởng tích cực tới con cái. Cha mẹ thường xuyên cãi nhau chắc chắn sẽ gây các vấn đề cho sự phát triển của trẻ. Khi vợ chồng có khác biệt, cần biết tôn trọng nhau và giao tiếp để tìm hướng giải quyết vấn đề hơn là cư xử thô lỗ, to tiếng.
Ngoài ra, người vợ cũng cần biết giữ cái uy cho chồng trong vai trò làm bố, cũng như chồng làm sao để con cái luôn yêu kính mẹ. Quá trình dạy bảo con cũng là quá trình phát triển tình yêu thương giữa vợ chồng. Một đôi có cảm xúc tích cực chắc chắn sẽ giáo dục các con thành công hơn.
Biết cách lắng nghe các con và đưa lời khuyên phù hợp
Khi con trai thứ hai của tôi làm một dự án nghiên cứu tại trường Y, cháu luôn nỗ lực hết sức nhưng cuối cùng lại bị đánh giá thấp. Con trai tôi cảm thấy rất buồn và bất bình. "Họ kém hơn con nhiều nhưng lại được đánh giá cao. Thật không công bằng", con phàn nàn.
Tôi nói với con: "Con vẫn còn nhiều cơ hội để nỗ lực. Nếu con thực sự tự tin về dự án nghiên cứu của mình, hãy chấp nhận kết quả đó. Đừng phàn nàn sau lưng, chẳng ích gì. Hãy tìm người đánh giá dự án của con, hỏi xem lý do gì họ từ chối, và sau đó tìm cơ hội giải thích những ưu điểm dự án con làm".
Sau khi nghe những lời này, cháu đã đến gặp người đứng đầu và giải thích lại về những điều mình làm. Cuối cùng, dự án của cháu được đánh giá cao hơn.
Nhiều bố mẹ phàn nàn rằng, con cái càng lớn, khoảng cách giữa họ với con càng xa. Trẻ không muốn nói chuyện với bố mẹ nữa mà chỉ tìm tới bạn bè. Nếu rơi vào cảnh này, hãy nhìn lại mình. Trẻ không giao tiếp với cha mẹ phần lớn vì các con cảm thấy việc đó vô nghĩa bởi cha mẹ không hiểu chúng mà luôn chỉ dạy dỗ dựa trên góc nhìn của chính mình. Thứ hai, cha mẹ không đưa ra được những lời khuyên, gợi ý có tính xây dựng, truyền cảm hứng.
Nếu con kể với bố mẹ mình nghĩ gì, phụ huynh thường lại kể lể trải nghiệm của bản thân, không lắng nghe suy nghĩ và tôn trọng lựa chọn của con. Như vậy làm sao họ có thể hy vọng con cái sẵn sàng chia sẻ với mình?
Bố mẹ vừa phải hạ mình xuống vừa phải nâng mình lên. Hạ mình xuống để con hiểu rằng bố mẹ cũng từng phải đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống như con, chứ không phải là thần thánh, hoàn hảo. Nâng mình lên nghĩa là để các con có thể tin cậy và gợi mở cho con những góc nhìn cao hơn, hướng dẫn con lối đi đúng.
Tạo không khí đọc, học ở nhà
Hãy để các thành viên thấy rằng học tập là một phần trong cuộc sống hằng ngày của gia đình.
Khi chúng tôi mới cưới, trong căn hộ thuê chỉ có một cái bàn học. Nó quá nhỏ để cả tôi lẫn chồng ngồi học. Vì điều kiện kinh tế, chúng tôi không thể mua thêm chiếc bàn khác nên chồng tôi cứ lúc nào rảnh lại tới cửa hàng đồ cũ để tìm. Cuối cùng anh ấy cũng mua được một chiếc chất lượng tốt mà giá rất rẻ.
Trong nhà tôi, bàn học không phải chỉ là một món đồ nội thất, đó là dụng cụ phục vụ việc học. Bố mẹ chỉ cần để trẻ biết rằng học không chỉ là một việc đặc biệt mà còn là một phần trong cuộc sống. Nếu bố mẹ cũng ngồi vào bàn học, con cái sẽ làm vậy. Rõ ràng nói "Chúng ta cùng học nhé" sẽ hiệu quả hơn bảo "Con học đi".
Tôi nói vậy không có nghĩa là tất cả bố mẹ phải có một chiếc bàn học cho mình trong phòng. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu muốn con làm gì, bạn hãy thực hành trước và điều đó sẽ truyền cảm hứng cho con hơn bất cứ lời nói nào.
Luôn cố gắng giúp đỡ những người khác
Đừng chỉ dạy con phát triển tài năng mà cần tập trung nuôi dưỡng nhân cách để con thích việc giúp đỡ người khác. Tài năng sẽ giúp ta tỏa sáng nhưng chỉ khi biết nâng đỡ người khác, ta mới chiếu rọi được ánh sáng đó cho mọi người.
Một lần, khi cháu gái - con của cậu con trai thứ 3 - hỏi: "Bà ơi, cháu đang quyên góp cho quỹ AIDS, bà ủng hộ cháu chút tiền nhé". Tôi rất hạnh phúc. Dù rất bận, tôi vẫn ghé ngân hàng, gửi một số tiền cho những người kém may mắn. Sau đó ít lâu, cô cháu gái hào hứng khoe: "Bà ơi, cháu đã kêu gọi được 40.000 USD rồi". Với một sinh viên năm nhất Đại học Yale, không dễ để kêu gọi được ngần đó tiền.
Đừng chỉ biết giục con đi làm bài tập, hãy tạo cơ hội cho con có thể giúp người khác, như gieo những hạt giống, lặng lẽ chăm bón, sẽ đến ngày nó nảy mầm, phát triển.
Niềm vui và cảm giác thực hiện việc này mang tới cho trẻ mong muốn tham gia các hoạt động hữu ích trong tương lai. Hơn nữa, nhân cách tốt dễ thu phục lòng người hơn tài năng.
Trẻ cần luôn có mục tiêu: Việc học và các nỗ lực của mình là để giúp những người kém may mắn. Khi điều đó bám rễ, lớn lên và trở thành niềm tin, trẻ sẽ có sức mạnh không giới hạn.
Các con tôi sau này đều tham gia rất nhiều việc vì cộng đồng: gây quỹ cho các gia đình là nạn nhân sóng thần, hỗ trợ bệnh nhân AIDS, xây nhà cho người nghèo, tư vấn pháp lý cho những nhóm yếu thế...
Giúp con phát triển sức mạnh thể chất
Con trai đầu lòng của tôi rất yếu ớt lúc chào đời và hầu như tháng nào cũng phải gặp bác sĩ vài lần. Kiệt sức vì con ốm yếu, tôi quyết tâm phải giúp các con có sức khỏe thể chất thật tốt.
Tất cả các con từ lúc 3 tuổi đều phải rèn thể chất. Từ đầu thu, tôi tập cho các con quen dần với nước lạnh. Đầu tiên là rửa bàn tay, sau đó đến cánh tay. Sau một tháng kiên định, các con dần thích nghi rồi thì tới cẳng chân, rồi tiếp theo là tắm toàn thân.
Lần đầu tiên, nhiệt độ là 25 độ C. Ngày tiếp theo, tôi hạ một độ và cứ như vậy, sau một tháng, con hoàn toàn có thể chịu được khi tiếp xúc với nước 0 độ C. Nhờ cách này, cả 6 con tôi đều rất ít ốm, thích nghi với môi trường, thời tiết cực tốt.
Mỗi sáng, khi mặt trời mọc, tôi cũng đánh thức các con dậy và dù trời gió lạnh, trẻ sẽ chạy 3 km mỗi ngày. Tôi khuyến khích các cháu tham gia vào nhiều môn thể thao: leo núi, võ taekwondo, nâng tạ...
Nhìn lại những người nổi tiếng trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy một điều chung là họ đều là người rất mạnh mẽ. Nếu không có một cơ thể mạnh mẽ, dù có giỏi giang cỡ nào, anh cũng không thể thành công.
Rèn cho con khả năng tập trung
Là một người luôn tìm tòi các phương pháp giáo dục trẻ, tôi nhận ra những người thành công không nhất thiết có chỉ số IQ cao hơn người bình thường. Họ thường có khả năng tập trung trong thời gian dài, vì vậy trí tuệ được phát huy tối đa.
Để rèn cho các con tập trung, tôi nghĩ ra rất nhiều cách nhưng không hiệu quả. Một hôm, khi đi nghỉ ở Bali, tôi gặp hai cô gái đang học yoga Ấn Độ trên bờ biển. Họ ngồi khoanh chân và nhìn ra biển, với tấm bảng đen trước mặt. Tôi hỏi "Tấm bảng đen để làm gì?".
Hai cô gái kể rằng tấm bảng giúp mắt họ tập trung vào đó và tĩnh tâm. "Tại sao bảng lại phải màu đen". Cô gái trả lời: "Màu đen như là hư vô, nhìn vào đó như nhìn sâu vào hư vô".
Về nhà, vợ chồng tôi làm một chiếc bảng đen rộng, gắn một chiếc đèn flash màu xanh ở giữa. Nửa tiếng trước khi đi ngủ mỗi đêm, màn rèn luyện bắt đầu. Tôi yêu cầu các con nhìn chăm chăm vào tấm bảng trong khi não ngừng suy nghĩ. Thỉnh thoảng trẻ quên thì chiếc đèn ở giữa bảng sẽ nháy và một tiếng nhắc nhở cất lên: "Đừng nghĩ về điều gì, đừng nghĩ gì khác".
Sau nửa năm luyện, hầu hết trẻ đều giữ được trạng thái "không nghĩ" trong hơn 10 phút. Khả năng mạnh mẽ này cải thiện khả năng kiểm soát các hoạt động suy nghĩ của não.
Khả năng này có thể giúp các con tập trung cao độ vào việc học, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả học tập và tăng khả năng phân tích, sáng tạo, đặt nền móng cho thành công trong tương lai.
Bảo Ngọc