Hầu như ai có người thân ở tình trạng thập tử nhất sinh cũng vui mừng khi biết vẫn còn cơ hội cứu sống bệnh nhân. Thế nhưng, cũng không hiếm trường hợp đưa người nhà vào viện rồi nhất định không hợp tác với bác sĩ, đòi cho về trong khi khả năng chữa trị còn rất cao.
"Những chuyện đau lòng như vậy vẫn diễn ra tại bệnh viện chúng tôi, không hề hy hữu. Việc đó chẳng khác gì tước đi quyền được sống của người thân - những người đã không còn khả năng tự bảo vệ và chăm sóc mình", bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Trường hợp bệnh nhân Toan (Bắc Ninh) là một điển hình. Bà Toan được bệnh viện tỉnh giới thiệu tới Bệnh viện Bạch Mai cách đây không lâu, do bị sốt và tiêu chảy kéo dài. Sau một ngày cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ chỉ định cho bà làm xét nghiệm viêm màng não mủ để có hướng điều trị bệnh kịp thời, tránh diễn biến nặng.
4 người con của bà có mặt tại viện (trong số tất cả 8 người con) tranh cãi với nhau rồi quyết định không làm xét nghiệm cho mẹ, và muốn ký giấy đưa bà về. Hai bác sĩ trong khoa đã thuyết phục suốt một ngày, giải thích việc đưa bệnh nhân về trong tình trạng này tỷ lệ tử vong rất cao, làm xét nghiệm và điều trị thì cơ hội sống lớn, nhưng các con bà Toan một mực từ chối.
"Chúng tôi thường thấy căng thẳng và bất lực khi biết có khả năng cứu cho bệnh nhân mà không thể giữ họ lại điều trị. Quyền quyết định không nằm trong tay chúng tôi", bác sĩ Phạm Thế Thạch bày tỏ.
Bác sĩ cho biết, đứng trước một số trường hợp bất khả kháng, do gia đình bệnh nhân quá nghèo, không thể tiếp tục điều trị cho người nhà, ngân sách bệnh viện không đủ chi trả hay hỗ trợ, người thầy thuốc vô cùng day dứt. Với các ca bệnh khả năng cứu sống trong tầm tay gia đình, mà bệnh nhân vẫn bị tước đi cơ hội được chữa trị, bác sĩ càng bức bối, đau lòng.
Éo le nhất là có những người con không đồng ý để bố tiếp tục điều trị chỉ vì nghe lời "thầy" phán. Đó là trường hợp của ông Hải (Hòa Bình), nhập viện vì sốt cao liên tục, được chẩn đoán là viêm phổi bội nhiễm. Con gái ông đi xem bói, thầy phán bố khó sống được quá 14h ngày hôm đó, nên chị này nhất định không cho các bác sĩ can thiệp, không ký vào bản cam kết phẫu thuật, cho tới khi qua "giờ tử" như thầy nói, dù tình thế đã rất nguy cấp.
Trường hợp khác là một gia đình khá giả tại Hà Nội nhưng các con nhất quyết không để bố tiếp tục điều trị, chỉ quan tâm đến phần chia gia sản sau khi ông mất. Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, vào viện khi đã trụy mạch, cơ thể suy nhược. Khi không tìm được lý do đưa bố về, mấy người con đã nhờ tới ông trưởng họ nói với bác sĩ rằng, người bệnh đã tuổi cao (hơn 70), sức yếu, có cố cứu cũng không sống được bao lâu, gia đình muốn đưa về để lo tang ma cho đẹp ngày. Mặc dù rất bức xúc trước thái độ của gia đình, nhưng các bác sĩ cũng không thể cố giữ bệnh nhân lại, khi người thân của họ nằng nặc đòi đưa về.
Cũng liên quan đến "ngày đẹp, ngày xấu", bác sĩ Thạch không thể quên chuyện về một bệnh nhân ở Sơn Tây (Hà Nội) vào viện vì viêm phổi cách đây 4 năm. Bệnh nhân nhập viện vào 28 Tết, chưa điều trị gì thì con trai đã xin cho bố ra.
"Chúng tôi cố gắng thuyết phục thì anh ta để bố ở lại đến 29 Tết, rồi lại quyết đòi đưa về. Lý do là các bác trong họ sợ ông cụ chết vào mùng 1 Tết ở viện. Tôi cố gắng giải thích, còn nói thêm với anh ta và người mẹ 'Nếu ông cụ nằm xuống thì anh mất cha, bà mất chồng mãi mãi, còn những người bác kia chỉ nhớ tiếc vài ngày, mang đến ít tiền phúng viếng...' nhưng họ không nghe", ông buồn rầu kể.
Theo ông, người bệnh nặng chỉ trông chờ vào sự cứu chữa của bác sĩ, sự lo lắng, chăm sóc, yêu thương của gia đình. Khi người thân cố tình không hợp tác với bác sĩ là đã vô tình tước đi quyền được cứu sống của họ. Có trường hợp gia đình bệnh nhân nghèo, tiên lượng quá trình điều trị còn dài, bác sĩ khuyên người nhà nên đưa bệnh nhân về cơ sở y tế địa phương tiếp tục chữa, để đỡ tốn kém tiền đi lại, ăn uống... Nhưng có những ca nếu không được chữa kịp thời sẽ nguy hiểm nên bác sĩ cố gắng giữ lại, thì lại bị gia đình bệnh nhân hiểu lầm.
Có trường hợp, bác sĩ còn bị người nhà nghi là muốn "câu tiền" khi thuyết phục giữ bệnh nhân lại điều trị, thậm chí bị đe dọa, đòi đánh. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực vẫn nhớ mãi một bệnh nhân ở Nam Định bị viêm phổi mãn tính, được cấp cứu qua cơn nguy kịch, chỉ cần điều trị thêm một thời gian ngắn là sức khỏe ổn định nhưng các con ông kiên quyết xin cho bố ra viện. Bác sĩ trực tiếp điều trị còn bị dọa "đánh cho què chân" nếu cố giữ bệnh nhân.
"Nhiều lần, khi chúng tôi thuyết phục người nhà cố gắng tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, họ còn mặc cả 'các ông có dám đảm bảo 100% là cứu sống bố tôi không? Nếu các ông nói chắc chắn chữa khỏi thì bán nhà tôi cũng cố, còn không thì thôi'. Những trường hợp đến đây hồi sức tích cực đều đã rất nặng, chúng tôi chỉ có thể cố gắng tối đa, và nói với họ về khả năng chữa cao hay thấp, chứ ai dám chắc 100%!", bác sĩ Thạch chia sẻ.
Ông cũng thổ lộ trong nhiều năm làm nghề, các thế hệ thầy thuốc đều thấy rằng, hầu như chỉ có con cái từ chối chữa trị cho bố mẹ, chứ không bao giờ bố mẹ lại xin cho con về khi vẫn còn cơ hội cứu chữa. Ông hy vọng, sớm có những chế tài, quy định bảo vệ quyền sống cho các bệnh nhân này.
Vương Linh
*Tên một số bệnh nhân đã được thay đổi