Bệnh nhân trong ca này gãy nát đầu trên xương cánh tay, đầu dưới hai xương cẳng tay, sai khớp cổ tay, gãy xương đùi hai đoạn và gãy phức tạp xương cẳng chân phải. Bệnh nhân còn bị tắc tuần hoàn tĩnh mạch và tổn thương đám rối thần kinh ở cánh tay. Cứu sống người bệnh đã là bài toán khó, nhưng sống phải đi lại được bình thường, không đối mặt với nguy cơ thương tật suốt đời lại càng nan giải.
“Gãy xương cùng một lúc ở 3 vị trí đã dễ tử vong, nhưng trường hợp này lại gãy đến 7 vị trí. Nếu phải mổ đến 7 lần thì sẽ gây đau đớn, mất hàng lít máu và tốn quá nhiều chi phí”, bác sĩ Phú cùng các cộng sự trăn trở tìm lời giải. Sau ít phút cân nhắc, anh nhanh chóng ra y lệnh, chỉ huy cả ekip chỉ mổ một lần bằng phương pháp phẫu thuật hở và kín kết hợp với khung cố định ngoài.
Vừa đóng vết mổ sau cuộc phẫu thuật nguy nan, chưa kịp thở phào thì lại có tin báo một ca đa chấn thương nhập viện cần hội chẩn khẩn cấp. Bác sĩ Phú lại nhanh chóng nhập cuộc.
Gần 30 năm gắn liền với dao mổ, với hàng nghìn ca phẫu thuật lớn nhỏ, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phú và đồng nghiệp quá quen thuộc với những giây phút làm việc căng thẳng như thế. Là Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nhưng hằng ngày anh vẫn trực tiếp cầm dao mổ, chỉ huy nhiều cuộc phẫu thuật phức tạp.
Được mệnh danh là “người thợ chế tạo”, mỗi lần đứng trước lằn ranh sinh tử, đối mặt với nguy cơ tàn phế của người bệnh, anh lại loay hoay tìm tòi ra những lối đi mới, hiệu quả hơn. Không ít lần chứng kiến bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng, viêm xương sau mổ hở để đặt nẹp, anh ôm ấp ý tưởng “điều trị gãy kín mâm chày bằng khung cố định ngoài tự tạo”.
Sau 6 năm mày mò nghiên cứu với bao lần thử nghiệm, ý tưởng khung cố định gọn nhẹ, không cản quang của anh ra đời và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị các chấn thương vùng gối ở nhiều bệnh viện. Sáng kiến này trở thành bước ngoặt trong ngoại khoa xương khớp, đặc biệt là phẫu thuật xương chày. Các phương pháp kinh điển trước đây như mổ hở và gắn nẹp ốc vít dễ gây biến chứng nguy hiểm mặc dù tốn nhiều công sức và chi phí. Khung dạng tròn được nhập từ nước ngoài có giá thành cao hơn và không phải lúc nào cũng sẵn có.
Riêng với khung cố định có hình 2 vòng bán nguyệt của bác sĩ Phú chế tạo, do không mổ hở, không bó bột nên thời gian lành xương rất nhanh, ổ gãy được cố định giúp bệnh nhân có thể vận động sớm sau mổ, không lo sự di lệch của các ổ gãy, ngăn ngừa được chứng loãng xương, teo cơ và cứng khớp gối..., vết mổ không để lại nhiều sẹo.
Ngoài ra, thời gian lành xương chỉ sau 3 hoặc 6 tháng, so với mổ hở kết xương nẹp vít phải mất 8 đến 12 tháng. Quy trình phẫu thuật cũng rút ngắn chỉ còn 1 tiếng so với 3 tiếng trước đây. Bệnh nhân cũng chỉ mất chi phí 2,5 triệu đồng cho khung sản xuất trong nước, thay vì hơn 10 triệu đồng cho một khung cố định nhập từ nước ngoài.
Người thầy thuốc tận tụy này còn là tác giả của hàng loạt sáng kiến được áp dụng thành công trong việc điều trị bệnh, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ngoài những lúc túc trực bên giường mổ, điều hành công việc bệnh viện trên cương vị một phó giám đốc, anh lại miệt mài đọc sách, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ những người thầy đi trước. Với anh, kiến thức y khoa là vô hạn, không có điểm dừng và đổi mới liên tục, nếu không nỗ lực nghiên cứu, cập nhật điều mới mẻ thì nhiều trường hợp bệnh nhân “đáng lẽ phải sống” sẽ không được cứu.
Tự nhận mình “có duyên với người già”, anh cùng đồng nghiệp tại bệnh viện đã đi đầu trong việc xây dựng một quy trình nghiêm ngặt để thay khớp háng ít xâm lấn cho các bệnh nhân lớn tuổi. Với công trình này, anh tiếp tục được trao bằng khen “Thầy thuốc như mẹ hiền” nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 2014. Đến nay, hơn 100 bệnh nhân trên 70 tuổi, trong đó người cao nhất là 96 tuổi đã được thay khớp háng thành công, trở về với đời sống sinh hoạt bình thường. Đây là loại phẫu thuật có nguy cơ tử vong hàng đầu và các bác sĩ thường muốn rút lui trong tư thế an toàn là điều trị bảo tồn.
Bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề, kết thúc mỗi ca phẫu thuật, vị bác sĩ ngoài 50 tuổi vẫn nuôi dưỡng cho mình những cung bậc cảm xúc như thủa mới tập tành cầm dao mổ. “Ngành chấn thương chỉnh hình là ngành khô khan, nếu không có đam mê thì khó lòng trụ vững. Chỉ cần một sơ sót nhỏ, bệnh nhân có thể tử vong hoặc phải đối mặt với thương tật tàn phế suốt đời”, bác sĩ Phú trải lòng.
Từng đối mặt với tiên lượng “khả năng đi lại được chỉ còn 20%” sau vụ tai nạn nghiêm trọng, chị Hồng, nhà ở quận 10, TP HCM cho biết, may mắn lớn nhất của cuộc đời chị là đã gặp được bác sĩ Phú và các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Đến giờ chị đã đi lại được bình thường và thỉnh thoảng vẫn ghé thăm người bác sĩ có nụ cười thân thiện đã “hồi sinh cuộc đời mình”.
Nâng niu sự sống của hàng nghìn bệnh nhân trên từng mũi dao, những ca mổ thành công bác sĩ Phú không nhớ nhiều, nhưng những lần thất bại lại khiến anh dằn vặt, thậm chí khắc ghi suốt đời. Hành trang trong cuộc đời khoác áo blouse của anh là tâm niệm “mình phải cảm ơn những bệnh nhân vì họ đã giúp mình trưởng thành, bản lĩnh hơn trong nghề”. Dẫu vậy, vẫn còn không ít phút giây đau lòng khi có những ca bất lực vì không cứu sống được bệnh nhân, lại phải đối mặt với những lời trách móc nặng nề, những cuộc khởi kiện giằng co kéo dài của thân nhân người bệnh…
Lê Phương