Chia sẻ của bà mẹ đơn thân Nguyễn Hường đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bởi nó mang một góc nhìn khá mới lạ về cuộc sống hôn nhân. Cô kết hôn năm 2012 nhưng ly hôn sau hơn một năm chung sống khi phát hiện chồng ngoại tình. Hiện, cô một mình nuôi cậu con trai 3 tuổi kháu khỉnh. Cô cho hay dù mỗi người sống một nơi nhưng hai người vẫn coi nhau như bạn bè, thi thoảng vẫn gọi điện hỏi han, động viên nhau.
Em ly hôn đến nay cũng 2 năm rồi, tập sống cuộc sống một mình chắc từ lúc mới cưới, từ khi con em chưa ra đời ý chứ.
Cho nên là em quen với sự cô đơn, tự do thoải mái rồi, giờ hỏi em là "hồi em phát hiện chồng có bồ thì tâm trạng em ra sao?" thì đúng là đánh đố em...
Vì cái quá khứ đó em đã quên từ lâu, còn chẳng bao giờ nghĩ đến nữa luôn, hoặc có ai hỏi em là "Tại sao 2 vợ chồng ly hôn?" thì em cũng chẳng muốn kể, đơn giản vì không còn nhớ và không muốn nhắc đến.
Ai cũng bảo ước gì được mạnh mẽ như em, nhưng không ai sinh ra là đã mạnh mẽ cả, nhất là đàn bà chúng ta. Cái gì cũng có sự "tập luyện" cả đó.
Mọi người bảo em là lạc quan, mạnh mẽ, nhưng thực chất không phải. Em là giấu cảm xúc giỏi mới đúng. Như kiểu đau nhưng không cho phép mình khóc, chán uất ức nhưng không được gào, hờn dỗi ghen tuông nhưng không bao giờ thể hiện, yêu nhiều cũng như không yêu.
Em có một người chị, người chị quen qua Facebook. Chị ý may mắn hơn em rất nhiều, lấy được chồng giàu và giỏi lại còn tâm lý. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì cuộc đời vốn dĩ đã có câu: "Trai tài gái sắc", chị ý đẹp, tâm tốt nên xứng đáng được hưởng những thứ đó.
Được đi ăn, đi chơi, được tặng những món quà đắt tiền, cuộc sống cứ ngỡ như tiên. Thế nhưng đùng cái chồng có bồ. Chỉ trong một tuần thôi mà nhìn chị ấy tiều tuỵ hơn rất nhiều, bị sốc vì cái cảm giác bị phản bội trong cơn say hạnh phúc còn đau gấp trăm lần những cái khác.
Đó là lý do tại sao có câu: "Không được ngủ quên trên chiến thắng". Một tuần đầu là sốc, ốm liệt giường. Tuần thứ 2 là bắt đầu gào thét loạn xạ, chửi rủa không tiếc lời, căm hận thấu xương thấu tuỷ và đòi ly hôn.
Nói ly hôn vậy thôi chứ thực chất chị ý rất sợ ly hôn. Tuần thứ 3 bắt đầu khóc nhiều hơn, nỗi đau nhiều hơn khi thấy chồng mình vẫn dửng dưng và rồi chị đó xuống nước van xin hạnh phúc, van xin chồng nghĩ đến con và bố mẹ 2 bên.
Anh chồng vẫn mải những lời hứa hươu hứa vượn rằng sẽ kết thúc nhưng thực chất đang chăm cả bồ lẫn vợ. Bần cùng bất đắt dĩ, chị dọa tự tử. Anh chồng thấy vậy và nói:
"Em có chết thì anh cũng đau khổ một vài tuần đầu và ân hận vài tháng sau mà thôi, nhưng rồi anh vẫn sống tốt. Và rồi anh sẽ lại lấy vợ nữa và cô ý đường đường chính chính bước chân vào nhà này mà không bị thiên hạ dị nghị, không bị láng giềng gièm pha. Nếu em thích như thế thì em cứ làm".
Đúng! Những gì anh ta nói không sai, làm như vậy tức là dại dột, là đầu hàng vô điều kiện. Cuộc sống hôn nhân cũng như thương trường vậy, ta lấy chồng cũng giống như là đầu tư làm giàu.
Mà đã "đầu tư" thì đừng nên đầu tư vào cái mình yêu và thích, mà phải đầu tư dựa trên những điểm mạnh và yếu của mình, cái mình hiểu và cái nó hiểu mình, có khả năng đem lại lợi nhuận cao và mọi người ưa thích (mọi người ở đây tức là gia đình mình).
Còn khi chồng cặp bồ, thì tức là mình có đối thủ cạnh tranh, giống như 2 người cùng bán một mặt hàng, ngang sức ngang tài, vậy làm sao để được "độc quyền" mặt hàng đó?
Làm sao để mình mình "sở hữu" mặt hàng đó?... Vì khi đó "nhà đầu tư" không bao giờ nhìn vào cách bạn đối xử với họ... mà họ nhìn cách bạn đối xử và chăm sóc "khách hàng".
Khách hàng ở đây chính là họ hàng, bạn bè, anh em, gia đình họ....Nếu bạn chăm sóc "khách hàng" tốt thì khách hàng luôn ủng hộ bạn, dù bạn không được độc quyền mặt hàng đó thì bạn có thể bán bất cứ một thứ gì mà không lo chết đói. Còn khi bạn chăm khách hàng không tốt, nhân cách không tốt thì khách chỉ đến lúc đầu và mãi mãi không quay lại.
Điều đó tức là trước khi mình thua người đàn bà ngoài kia, bước ra khỏi căn nhà đó thì mình phải sống thật tốt, đối xử thật tốt với bản thân mình và những người xung quanh cũng như gia đình họ.
Hãy cứ niềm nở giấu nỗi đau đi, làm tròn bổn phận con dâu, làm tròn bổn phận người vợ rồi khi đó hẵng buông. Vì khi bạn đi, ít nhất cũng để lại "dấu ấn" trong lòng mọi người, hãy bước ra khỏi đó trong sự tiếc nuối của mọi người chứ đừng bước ra trong tiếng xua đuổi, chửi rủa của họ.
Như chị bạn nọ, kể từ hôm đó chị không còn than khóc, dùng tiền chồng chu cấp làm đẹp, đi du lịch với mẹ chồng, mọi công to việc lớn trong nhà chị lo hết. Từ sinh nhật các em, các cháu cũng như bố mẹ, chị lo hết. Mới đầu ai cũng ngạc nhiên và cho là lấy lòng, thậm chí còn nghĩ rằng chị "mất bò mới lo làm chuồng", chồng cặp bồ rồi mới đi đối xử tốt với gia đình chồng.
Nhưng chị bỏ hết, vẫn sống bình thường, cưới xin ma chay vẫn thay anh làm đầy đủ chu đáo vì chị biết anh còn bận chăm sóc bồ.
Thế rồi khi được lòng tất cả thì chị tuyên bố muốn ly hôn, chủ động ly hôn và ra đi trong 2 bàn tay trắng, sẽ không lấy thứ gì mà chỉ nhận nuôi con. Cả gia đình ngạc nhiên vì sự quyết định của chị, vì lúc đó cũng là lúc họ quen có sự hiện diện của chị mất rồi.
Tất nhiên là sau khi chị và con ra khỏi nhà chưa đầy một tháng thì anh đã phải suy nghĩ lại và cái kết là gia đình họ đoàn tụ. Nhưng kể cả chị có ly hôn thật thì chị vẫn là người thắng, người đàn bà đến sau sẽ phải vượt qua cái bóng của chị, vượt qua những gì chị đã làm.
Nếu người đến sau làm tốt thì họ sẽ không nói nhưng còn không làm tốt thì chắc chắn họ sẽ chê bai, dè bỉu: "Vợ mới không bằng một phần vợ cũ" ....Vì cuộc đời này luôn có sự so sánh
Hãy xem hôn nhân là bài toán kinh doanh, coi chồng là nhà đầu tư, coi gia đình chồng, anh em chồng, bạn bè chồng là khách hàng. Dùng vốn của nhà đầu tư để chăm sóc khách hàng. Nếu bạn chiếm được 70-80% thiện cảm của khách hàng thì tức là bạn thành công một nửa, nửa còn lại là những vị khách khó tính không ưa mình và những rủi ro phát sinh từ nhà đầu tư khiến bạn thất bại.
Nếu bạn thất bại thì bạn sẽ nhận được một bài học và chắc chắn lần sau bạn sẽ thành công trong lần đầu tư tiếp theo.
Còn bạn "chăm" khách hàng không tốt thì nguy cơ thất bại rất cao, vì khi nhà đầu tư muốn đá bạn, đầu tư vào chỗ khác thì việc đầu tiên họ sẽ nhìn vào cách chăm sóc khách hàng của bạn hơn là cách bạn đối xử với họ".
Tuệ Minh