Với hơn 20 kinh nghiệm làm việc tại Hiệp hội Cứu hộ Sydney (Australia) trước khi thành lập tổ chức Survival skills Việt Nam, chuyên gia Tony Coffey chia sẻ 5 bước quan trọng để sống sót nếu mắc kẹt trong một đám cháy.
Thứ nhất, bạn phải bình tĩnh tìm ngọn lửa và nơi bùng phát khói.
Đầu tiên ngắt cầu dao để ngăn đám cháy bùng phát. Sau đó cố gắng dập lửa bằng bình chữa cháy, vặn gas hoặc dập tắt ngọn lửa.
Tâm lý thông thường khi lửa xuất hiện chúng ta cố gắng dập nó, nhưng đừng tốn quá nhiều thời gian vào việc đó, vì cả căn phòng có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong lửa chỉ trong hai phút.
"Nếu không kiểm soát được đám cháy sau khoảng một đến 1,5 phút thì cần lập tức tìm cách thoát thân", chuyên gia Tony Coffey nói.
Thứ hai, nhanh chóng xác định lối thoát hiểm gần nhất.
Thông thường, các lối thoát ở nhà độc lập hoặc liền kề là lối ra cửa chính, cửa sổ, ban công và lối lên trên sân thượng hoặc mái nhà để thoát sang nhà liền kề.
Lối thoát ở chung cư là thang bộ. Khi cháy, hệ thống thoát hiểm sẽ được kích hoạt, hãy di chuyển theo đèn báo hoặc loa. Trong trường hợp không có chỉ dẫn, hãy nhanh chóng định hình vị trí thang thoát hiểm gần nhất và di chuyển đến đó.
Theo quy chuẩn hiện nay, mỗi chung cư cao tầng đều có ít nhất hai lối cầu thang bộ thoát nạn. Tuy nhiên, nhiều nơi chèn cửa lại để tiện di chuyển, làm cho khói độc tràn vào thang thoát hiểm, gây nguy hiểm cho việc thoát nạn.
Trong trường hợp nhà có lồng sắt bảo vệ phía ngoài cần có ô cửa để thoát sang nhà bên cạnh khi xảy ra hỏa hoạn. Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy chuẩn bị sẵn búa, rìu để bẻ gãy thanh sắt khi cần thiết.
Thứ ba, cần nhớ ngọn lửa không phải là vấn đề chính mà là khói.
Đây là nguyên nhân chính làm nhiều người chết nhất. Khói từ đám cháy rất độc, nạn nhân bất tỉnh rất nhanh, trong khi rất lâu sau đó ngọn lửa mới cháy đến. Chính vì thế, khi di chuyển cần cúi khom hoặc bò sát mặt sàn vì khói độc sẽ ở trên cao.
"Nếu có đủ thời gian, hãy dùng khăn, áo, khẩu trang nhúng ướt để che mũi miệng, ngăn độc, nhưng cũng nên nhớ nếu có đủ thời gian mới làm. Và dù có che bằng khăn ướt vẫn phải thoát ra bằng cách khom người, bò", ông Tony hướng dẫn.
Trong trường hợp bị lửa bén vào áo quần bạn đang mặc: Đừng chạy, nằm xuống rồi lăn qua lăn lại để dập lửa rồi tiếp tục bò ra ngoài.
Thứ tư, luôn kiểm tra các cánh cửa trước khi mở.
Khi mở cửa cần đặt tay lên cửa, kiểm tra nhiệt độ. Khi mở hãy tránh mặt, tránh người sang một bên phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không mở và tìm lối khác.
Thứ năm, nếu không thể ra lối thoát nạn an toàn, hãy đưa cả nhà vào một phòng, đóng kín cửa hướng có khói lửa rồi dùng băng dính dán khe hở. Song song, thấm ướt khăn, giẻ, thậm chí là quần áo để bịt khe cửa, tưới nước vào cửa, hoặc cả nền nhà.
Di chuyển ra ban công không có khói. Dùng đèn pin, đồ sáng màu phát tín hiệu kêu cứu. Tuyệt đối không nên nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ, nhà tắm. Hãy nằm sát sàn trong tư thế chờ đợi giải cứu. Trang bị nhiều khăn ướt bên cạnh và gọi điện thoại cho người bên ngoài nhờ hỗ trợ.
Cần nhấn mạnh có rất ít thời gian để ứng phó trong tình huống cháy nhà, vì vậy điều quan trọng là phải có kế hoạch về những việc cần làm khi hỏa hoạn xảy ra và đảm bảo mọi thành viên trong nhà đều biết. Một khi thoát ra cần phải có một điểm tập trung an toàn để mọi thành viên gặp nhau. Hơn nữa hỏa hoạn thường lớn khi xảy ra vào ban đêm. Khi đó trời tối và ngắt điện nên bạn cần cố gắng nhắm mắt và thực hành trước.
Kế hoạch cũng phải khả thi và lối thoát hiểm có thể sử dụng được. "Đừng nhốt gia đình mình trong một ngôi nhà không có lối thoát. Tất cả các lối thoát phải có thể mở được, đặc biệt từ bên trong để có thể thoát ra ngoài", chuyên gia nói.
Thêm vào đó cần nhớ bốn điều không làm khi cháy nhà: không cố tìm vật có giá trị hoặc nguyên nhân cháy; không dùng thang máy; không dùng nước để cố dập đám cháy do điện hoặc dầu gây ra; không quay lại khu vực có đám cháy sau khi thoát thành công.
Theo chuyên gia cứu hộ Tony Coffey, các chuyên gia trên thế giới nhất trí rằng nếu làm các điều trên sẽ tăng tối đa khả năng sống sót trong hỏa hoạn.
"Ai cũng có điện thoại nên trong lúc di chuyển hãy gọi cho cơ quan cứu hỏa và làm theo những gì họ yêu cầu. Họ sẽ cho bạn lời khuyên và là những người liều mạng để cứu bạn", ông Tony nói.
Phan Dương