Con trai út 10 tháng tuổi đang bị ốm nhưng Phạm Thu Phương (33 tuổi, Hà Nội) vẫn làm việc cả ngày ở công ty mà không cần quá lo lắng. Cô bảo tiếng là lấy chồng Trung Quốc, nhưng lại được sống cách nhà mẹ chỉ vài cây số. Vì thế mỗi lần con cái ốm đau hay bận bịu, bà ngoại đều sang trông nom giúp.
Năm 2010, Phương làm phiên dịch tại một công ty chuyên về đào tạo kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, còn Nhạc Trấn Vĩ là cố vấn đào tạo người Trung Quốc của một công ty bất động sản trên phố Láng Hạ. Cả hai quen biết nhau khi công ty của Phương tập huấn cho các nhân viên nơi Trấn Vĩ làm việc. Thấy cô gái Việt nhanh nhẹn, nói tiếng Trung tốt, anh mời cô về làm phiên dịch cho mình.
Tại công ty mới, Phương đảm nhiệm vị trí trưởng phòng hành chính kiêm phiên dịch viên cho anh. Càng tiếp xúc, Trấn Vĩ càng bị ấn tượng với vẻ ngoài năng động, hay cười và khả năng ngoại ngữ lưu loát của cô.
"Tôi hiếm khi được làm việc với một phiên dịch viên chuyên nghiệp như cô ấy. Dần dần vẻ thông minh và nụ cười có duyên của Phương càng thêm lôi cuốn tôi", người đàn ông hiện 41 tuổi nói.
Có cảm tình với Phương, mỗi sáng, anh Vĩ thường xuất hiện ở phòng làm việc của Phương với một suất đồ ăn trên tay vì biết cô hay bỏ bữa. Vài lần một tuần, anh mua xoài, cóc dầm mang tới sau bữa trưa cho cô.
"Một lần, anh rót nước mời tôi. Trước khi đưa cốc, anh ấy khẽ áp nó vào má, rồi kê ở cằm để kiểm tra xem nước có đủ ấm hay không. Cử chỉ đó khiến tôi thật sự xúc động", cô kể. Làm việc cùng nhau, nhận thấy anh là người chín chắn, thông minh và biết cách quan tâm phụ nữ, Phương thầm ước mình được một người đàn ông như vậy yêu thương.
Ngày quốc tế phụ nữ năm 2011, cô bất ngờ xen lẫn hạnh phúc khi được nhận một giỏ hoa bưu điện chuyển tới đề tên anh. Buổi tối cùng ngày, họ chính thức hẹn hò.
Khoảng 3 tháng sau, Trấn Vĩ mời Phương về nhà mình ở tỉnh Cát Lâm thăm gia đình. Trước giờ ngủ, anh mang một chậu nước ấm đến bên giường rồi ngồi bệt xuống rửa chân và massage cho người yêu. "Tôi chưa gặp người đàn ông nào trân trọng phái nữ như anh. Chuyến đi đó giúp tôi hiểu hơn về gia đình và tình cảm anh Vĩ dành cho mình", cô nói.
Ngay khi trở về Việt Nam, được bạn trai cầu hôn trong một quán cà phê vắng, cô đã gật đầu.
Nhận lời lấy Trấn Vĩ, Phương mới thưa chuyện với gia đình. Cô không lường tới sự phản đối quyết liệt của bố mẹ, họ sợ con gái gặp phải người không tốt, đánh đập hay đưa đi mất tích... Bố Phương đưa ra cho cô hai lựa chọn, một là chia tay, hai là cưới mà không có bố mẹ.
Yêu nhau, Vĩ và Phương quyết tâm thuyết phục gia đình. Tối rằm tháng 8 năm đó, Nhạc Trấn Vĩ và một người bạn Việt mang quà đến nhà cô. "Ngồi xuống ghế là hai tay Vĩ đan chặt vào nhau như đi phỏng vấn xin việc, còn bố Phương thì rót trà cho khách mà mặt lạnh tanh", anh Công - người bạn của Trấn Vĩ - kể lại.
Thấy Trấn Vĩ ngỏ ý muốn cưới con gái mình, bố Phương lập tức từ chối. Ông nói sẽ không bao giờ cho phép con gái duy nhất lấy chồng xa. Trấn Vĩ hứa, nếu hai người lập gia đình sẽ thường xuyên đưa vợ về thăm nhà hoặc mua vé máy bay để cả nhà cô sang thăm. Mẹ Phương chỉ im lặng còn bố cô không muốn tiếp khách. Bầu không khí căng thẳng khiến Phương bật khóc.
"Anh Vĩ không rành tiếng Việt nên tôi đã cố gắng truyền đạt ý của bố Phương bớt nặng nề để anh bình tĩnh hơn. Thế mà mấy câu tiếng Việt tôi dạy, đến lúc cần nói thì anh ấy quên sạch", anh Công nhớ lại.
Không hiểu trực tiếp lời, nhưng qua ánh mắt và thái độ, Nhạc Trấn Vĩ biết gia đình người yêu không đón nhận mình. "Buồn và có đôi chút thất vọng, nhưng khi nghe Phương nói ‘chỉ cần em đồng ý là được’, tôi lại có niềm tin để cố gắng", anh chia sẻ.
Biết bố Phương uống được rượu, hai lần từ Trung Quốc sang anh Vĩ đều mua rượu Mao Đài đến biếu. Anh cũng mua nhân sâm cho "mẹ vợ tương lai" bồi bổ sức khỏe và quà cho hai cậu em trai của Phương.
Sau ngày ra mắt thất bại, mỗi tối, Phương có thêm nhiệm vụ mới là tỉ tê với mẹ nhờ thuyết phục bố. Nghe con kể về gia đình người yêu và tình cảm của cả hai, mẹ Phương xuôi lòng. Bà khuyên chồng cân nhắc lại chuyện của con gái.
"Một lần, khi cả nhà đang ăn cơm, tôi nói với bố mẹ ngày hôm sau sẽ đưa anh Vĩ đến nhà ăn cơm tối. Bố chỉ ‘ừ’ một tiếng mà tôi thấy nhẹ cả người", Phương nhớ lại.
Tết 2012, Trấn Vĩ ở Việt Nam cùng gia đình người yêu và đặt vé để cả nhà cô sang thăm nhà mình ở Trung Quốc. Anh cũng quyết định định cư tại Việt Nam để vợ tương lai không phải sống xa gia đình. Hai tháng sau, họ tổ chức đám cưới.
Là con trai duy nhất nên sống ở quê vợ, Trấn Vĩ không có nhiều thời gian để chăm sóc bố mẹ. Tiếng Việt không rành, bị hạn chế trong các mối quan hệ xã hội nhưng anh chấp nhận đánh đổi. "Có lần vì thèm đồ ăn Trung Quốc và muốn nói chuyện với đồng hương, hít thở bầu không khí quê nhà mà anh bay thẳng sang Quảng Châu chỉ để ăn vài món rồi lại bay về Việt Nam trong ngày", Phương nói.
Không chỉ lúc mới yêu, khi đã về chung một nhà, Trấn Vĩ vẫn dành cho vợ sự quan tâm đặc biệt. "Anh là một người rất ấm áp, chăm lo cho vợ con. Sau giờ làm về nhà, chồng tôi thường dành cả giờ đồng hồ để nói chuyện với con. Trong bữa cơm, có món gì ngon anh đều gắp cho vợ trước", Phương kể.
Mỗi tối mùa đông, anh Vĩ tự tay bê một chậu nước ấm đến giường ngâm chân cho vợ. Suốt 8 năm hôn nhân, từ váy, áo, đồng hồ đến mỹ phẩm, Phương không phải lo vì đã có chồng mua giúp. Mỗi dịp kỷ niệm ngày cưới, Trấn Vĩ đều viết một lá thư dài tổng kết lại hành trình họ đã trải qua trong một năm rồi đặt trên đầu giường để sáng hôm sau vợ đọc. 7 lá thư là 7 lời cảm ơn của anh với vợ vì đã ở bên đồng hành, yêu thương, hỗ trợ mình trong công việc và cuộc sống.
Sau 8 năm lập nghiệp, tạo dựng được biệt thự, xe hơi..., họ đã có 2 cậu con trai xinh xắn và là chủ một công ty phân phối mỹ phẩm Hàn Quốc.
"Tôi đang rất hạnh phúc. Tài sản lớn nhất của tôi bây giờ chính là vợ và hai cậu con trai khỏe mạnh, đáng yêu. Tôi rất biết ơn vợ vì điều đó, nhưng nếu cô ấy nấu ăn ngon hơn thì tuyệt quá", anh Vĩ nói vui.
Nhật Minh