Rachel Giese -
Suỵt! Không ai nói với các nhà văn điều này - bởi họ là những người có tâm hồn dễ bị tổn thương - nhưng những diễn biến của đời sống văn hóa đọc năm nay là một sự cáo chung của văn học. Một chuyên trang văn học lớn vẫn thường có thể thổi phồng hoặc nhấn chìm tên tuổi của bất cứ nhà văn nào như New York Times Book Review đã xén bớt "phần đất" dành cho tiểu thuyết, nhường chỗ cho những tác phẩm "phi hư cấu". Nhìn một cách tổng thể, doanh số phát hành sách văn học giảm đi đáng kể. Các nhà xuất bản và phát hành đã tham dự Hội chợ sách Frankfurt 2005 mang về những tin tức không mấy vui vẻ rằng, mặc dù văn học Canada là một trong những "thương hiệu" có tiếng trên văn đàn quốc tế nhưng tại Hội chợ sách năm nay, Canada cũng chẳng mấy thu hút được sự quan tâm của độc giả như những năm trước. Thậm chí ngay cả một tác giả best-seller như J.K. Rowling cũng bị "xuống giá". Harry Potter and the Half-Blood Prince - tập 6 của series truyện về "cậu bé phù thủy" đã không còn giữ được phép nhiệm màu là bay vèo vèo ra khỏi các giá sách như trước đây nữa. Có ít nhất hai NXB lớn của Canada là Raincoast và McClelland & Stewart cắt giảm lượng đầu sách xuất bản trong năm nay.
Đỗ lỗi cho cuộc chiến tranh ở Iraq - một nguyên cớ khiến cho độc giả dường như chỉ quan tâm đến những tác phẩm mang tính chính trị, thời sự; đổ lỗi cho ngành công nghiệp xuất bản vì đã tập trung chăm sóc những "quả bom tấn" như The Da Vinci Code và The Historian khiến cho sự chú ý của độc giả chỉ dồn về một phía, phá vỡ sự cân bằng vốn có; đổ lỗi cho các nhà xuất bản vì chỉ đầu tư tiền bạc vào những đầu sách ăn khách mà bỏ rơi những tác phẩm giàu tính văn học; đổ lỗi cho chương trình Giới thiệu sách của Oprah Winfrey vì thiếu quan tâm đến văn học đương đại... Chỉ đừng đổ lỗi cho các nhà văn, vì đây là một năm xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng.
Chỉ tính riêng những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn Anh, năm nay, mỗi tác giả đều đã có một tác phẩm ra mắt. Julian Barnes tái hiện cha đẻ của Sherlock Holmes qua cuốn sách Arthur and George, trong khi Shalimar the Clown của Salman Rushdie khám phá cuộc sống đầy bạo lực ở Kashmir. Kazuo Ishiguro mang đến một dư vị thanh nhã, đầy quyến rũ với Never let me go. Saturday của Ian McEwan khám phá một ngày trong cuộc đời của một bác sĩ phẫu thuật người London sau ngày 9/11. Zadie Smith bàn đến những vấn đề xung đột văn hóa trong On Beauty... Tuy nhiên, Ban giám khảo giải thưởng Man Booker năm nay đã ít nhiều gây bất ngờ khi bỏ qua những tên tuổi trên để lựa chọn một tác phẩm ít được biết đến và ít được đọc hơn là The Sea - cuốn tiểu thuyết về hoài niệm của một người đàn ông góa vợ của John Banville để trao giải thưởng uy tín này.
Một sự kiện khác cũng gây nên thất vọng là Nobel Văn học năm nay thuộc về nhà viết kịch đau yếu người Anh Harold Pinter - một ứng cử viên trước đó không được coi là nặng ký.
Thực tế, thông tin về một thành viên Hội đồng Hàn lâm Thụy Điển từ chức để phản đối Nobel Văn học 2004 khiến người ta còn bận tranh cãi về nhà văn người Áo Elfriede Jelinek nên "vấn đề Pinter" còn chưa được đưa ra mổ xẻ. Bằng một giọng nói khàn khàn do bị ung thư vòm họng, trong diễn từ Nobel của mình, Pinter đã lên tiếng chỉ trích chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Ông nói: "Sau Thế chiến II, nước Mỹ đã hậu thuẫn, và trong nhiều trường hợp, đã nhúng tay vào công việc của các chế độ độc tài cánh hữu trên thế giới như ở Indonesia, Hy Lạp, Uruguay, Brazil, Paraguay, Haiti, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Guatemala, El Salvador, và tất nhiên là cả Chile nữa". Chắc chắn rằng, sau những trang viết này, chính quyền Bush sẽ không gửi thiệp mừng đến nhà văn.
Ở Canada, ngoài một vài cuốn sách của những tác giả có tiếng như Jane Urquhart (A Map of Glass), Lori Lansens (The Girls), Michael Crummey (The Wreckage) và Katherine Govier (Three Views of Crystal Water), ít có cuốn nào khác bật nổi lên. Điều này có thể góp phần giải thích cho sự khác biệt trong danh sách chung khảo của hai giải thưởng lớn: Giải Scotiabank Giller và Giải Governor General. Vượt qua những "đối thủ" như Lisa Moore (Alligator), Edeet Ravel (A Wall of Light), Camilla Gibb (Sweetness in the Belly), Joan Barfoot (Luck), David Bergen đã giành giải thưởng Giller cho The Time In Between - cuốn tiểu thuyết về một cựu chiến binh Mỹ hoài niệm về những ngày tháng chiến đấu tại Việt Nam.
Trong khi đó, chung khảo giải GG tỏ ra khá tạp nham với một loạt tên tuổi vô danh, mới xuất hiện trên văn đàn như Joseph Boyden (Three Day Road), Charlotte Gill (Ladykiller), Golda Fried (Nellcott Is My Darling) và Kathy Page (Alphabet)... Giải thưởng cuối cùng đã thuộc về tiểu thuyết gia người Toronto David Gilmour với A Perfect Night to Go to China - cuốn tiểu thuyết thứ sáu trong sự nghiệp văn chương của anh.
Hai cái chết khủng khiếp là đề tài chính trong hai cuốn tiểu thuyết trinh thám tái hiện những câu chuyện có thật nổi tiếng năm nay. Lấy cảm hứng từ cuốn In Cold Blood của Truman Capote, Susanne Reber và Rob Renaud đã viết Starlight Tour: The Last, Lonely Night of Neil Stonechild - câu chuyện về những rắc rối của một người đàn ông trẻ với cảnh sát thành phố Saskatoon. Còn Rebecca Godfrey đã dành hàng tháng trời chuyện trò với những học sinh ở Vancouver để tìm kiếm thông tin cho tác phẩm Under the Bridge: The True Story of Reena Virk viết về cái chết của một học sinh trung học.
The Secret Mulroney Tapes của Peter C. Newman là một cuốn sách thuộc thể loại "người thật việc thật". Tác phẩm này là một lời nhắc nhở với các chính trị gia rằng, khi một nhà báo đã ngồi trong phòng mình với một băng ghi âm đang chạy thì chẳng có lời phát biểu nào là "không chính thức" cả.
Liệu có điều gì mà nhà văn Margaret Atwood không thể làm? Năm nay, "người đàn bà viết" nổi tiếng của Canada không xuất bản được cuốn tiểu thuyết mới nào nhưng bà đã kịp cho ra mắt Penelopiad: The Myth of Penelope and Odysseus - một phần của dự án tái tạo thần thoại thu hút những nhà văn nổi tiếng thế giới do 26 NXB phối hợp tổ chức.
Tại Mỹ, một số NXB đã đệ đơn kiện kế hoạch thành lập thư viện số hóa online của Google. Trong một nỗ lực nhằm đánh bại sự liên kết trong trò chơi của những nhà cung cấp dịch vụ Internet, HarperCollins đã tuyên bố, họ sẽ "một thân một mình" xây dựng thư viện trực tuyến riêng.
Một số tác phẩm xuất sắc của văn học Mỹ năm nay là những tác phẩm đầu tay của một số nhà văn tiên phong như: Curtis Sittenfeld với Prep, Benjamin Kunkel với Indecision, Bret Easton Ellis với Lunar Park, Mary Gaitskill với Veronica.
Nhưng gây chú ý nhất trên văn đàn Mỹ năm nay là Joan Didion với cuốn sách The Year of Magical Thinking. Đưa sự nhạy cảm của một nhà tiểu thuyết vào cuốn hồi ký của mình, Didion đã tái hiện được sự cô đơn của một người vợ mất chồng và nỗi đau của một người mẹ trước những bệnh tật của người con.
Cuối cùng, đời sống văn học năm nay khép lại bằng những diễn biến về phiên tòa xét xử tiểu thuyết gia nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk. Quyết định cuối cùng về phiên tòa "định tội" nhà văn này sẽ được đưa ra vào ngày 26/2/2006.
Đến đây, có một câu hỏi được đặt ra: Nếu một nhà văn có khả năng đe dọa đến thể diện của một dân tộc và thu hút được sự chú ý của dư luận trên toàn thế giới thì làm sao số phận của văn học đã có thể đi đến hồi kết được?
Hà Linh dịch
(Nguồn: CBC)