Bất chấp cái giá trên trời và sự nghèo nàn về những tiện ích bổ sung, chiếc điện thoại có kiểu dáng khá đẹp do đơn vị Vertu trực thuộc Nokia sản xuất đang là một thứ đồ cá nhân biểu thị sự giàu sang và địa vị, được giới có máu mặt hết sức ưa chuộng.
Những triệu phú mới nổi, những ngôi sao trong các lĩnh vực giải trí, những chuyên gia hàng đầu thuộc đủ mọi ngành và cả những quý phu nhân của các ông chồng nhiều tiền đều cố gắng phô bên mình cái thiết bị được làm từ chất liệu kim loại, gốm và da, dù là ở trong phòng họp của một doanh nghiệp lớn hay tại một câu lạc bộ sang trọng.
Những khách hàng bạo tay chi tiền nhất ở khu vực luôn là dân Trung Quốc mới phất, người HongKong, Indonesia hay Singapore. Chiếc điện thoại này giờ được coi là biểu tượng của sự thành đạt, Eric Lee, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Vertu, phát biểu. Thực chất họ mua những sản phẩm như thế này không phải vì những tính năng hiện đại mà vì một yếu tố tâm lý xã hội rất khó mô tả. Có thể tạm nói là khách hàng bị quyến rũ bởi tính chất bí hiểm của Vertu.
Theo Eric Lee, khách hàng mua Vertu thường là những người có thu nhập khoảng 300.000 USD/năm và vì thế chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi họ bỏ ra hơn 30.000 USD cho một chiếc điện thoại. Đời máy Vertu đầu bảng hiện nay là mẫu Signature có vỏ platinum, trị giá 32.000 USD. Một loại khác vỏ mạ vàng thì có giá 18.500 USD. Máy rẻ nhất là mẫu Ascent vỏ da, chỉ có4.700 USD.
Vậy vì lý do gì mà người ta lại bỏ ra cả một gia sản nho nhỏ như vậy để mua một thiết bị cầm tay chỉ có tính năng gọi, nhắn tin SMS và ghi lại các cuộc hẹn, trong khi trên thị trường có vô vàn điện thoại đủ loại tính năng hiện đại với giá vài trăm USD?
Dòng máy Vertu Signature được cấu thành từ 400 linh kiện khác nhau, so với 30 linh kiện ở một chiếc điện thoại bình thường. Nó còn sử dụng những vật liệu rất đắt tiền thường dùng để chế tạo đồng hồ cao cấp, chẳng hạn như mặt đá quý saphire. Các phím điện thoại phản hồi rất nhạy dù chỉ cần một cái bấm nhẹ và tín hiệu âm thanh được chỉnh theo chuẩn hi-fi stereo. Vỏ máy còn có chi tiết bằng da được khâu tay từ da động vật ở vùng Scandinavi. Đây là một vật liệu thường dùng để làm ghế của những chiếc ôtô Rolls Royce thửa. Cuối cùng, mua một chiếc Vertu tức là mua tấm vé gia nhập vào một mạng dịch vụ của giới thượng lưu. Những ai sở hữu chiếc điện thoại này có thể truy cập 24/24 vào mạng chăm sóc khách hàng của Vertu chỉ cần thông qua một nút bấm. Trên kênh dịch vụ này, khách hàng sẽ được các chuyên gia đủ mọi lĩnh vực tư vấn về du lịch, ăn uống, mua sắm và nhiều nhu cầu linh tinh khác, chẳng hạn như tìm một thợ ống nước giỏi hoặc một bác sĩ biết nói tiếng Anh ở Bắc Kinh...
Với mức giá hàng chục nghìn USD như vậy, người ta không đơn thuần chỉ mua mỗi cái thiết bị liên lạc ấy mà kèm theo nó còn phải là những thứ xa xỉ khác như đồng hồ thể thao Thụy Sĩ và xe hơi thể thao Italy, Paul Lim, quản lý một cửa hàng bán điện thoại Vertu ở Singapore, nói. Lim cho biết một bà người Indonesia thậm chí còn chơi hẳn 5 chiếc Vertu cho cả nhà dùng. Ngoài ra, người Thái Lan và các trọc phú Nga đến thăm Singapore cũng không quên mua Vertu. Thậm chí cả một số khách đến từ Việt Nam, nơi thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 400 USD, cũng không chịu kém cạnh về sự sành điệu khi bỏ tiền mua thiết bị này.
Hãng Vertu bắt đầu tung ra bán các sản phẩm mang thương hiệu này trên thị trường châu Á 2 năm trước. Họ không công bố doanh số bán hàng nhưng một quan chức cao cấp của hãng khẳng định cứ 6 tháng thì con số này lại tăng gấp đôi. Ngoài trụ sở chính đặt tại London, Vertu có văn phòng ở Paris, New York, Singapore, Hong Kong và nhiều đại lý tại 20 nước và lãnh thổ, trong đó có Kuwait, Macau và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, những nơi mà việc bỏ ra những khoản chi bất thường không bị chính quyền săm soi.
(Theo VnExpress)