Màn hình Samsung SynMaster 915N. |
Bởi thiếu một số thông số tiêu chuẩn làm thước đo cho thời gian đáp ứng của điểm ảnh để các nhà sản xuất dựa vào đã dẫn đến những sai khác này. Điều này còn dẫn tới tình trạng nhiều hãng bỏ qua thông số này và không hề nhắc đến trong bảng thông số kỹ thuật của màn hình. "Đây thực sự là một thông số quan trọng mà người tiêu dùng cần quan tâm khi định mua một màn hình LCD", bà Rhoda Alexander, Giám đốc phụ trách Thị trường màn hình của công ty nghiên cứu thị trường điện tử Isuppli nhận định.
Ngành công nghiệp chế tạo màn hình LCD thường đưa ra khái niệm khá truyền thống: thời gian đáp ứng là khoảng thời gian để một điểm ảnh thay đổi từ trạng thái từ tối sang sáng (rise) rồi lại trở về tối (fall), được gọi tên là định nghĩa rise-and-fall. Khoảng thời gian này thường được biểu diễn bằng đồ thị với mức đen là điểm sâu nhất của dốc và mức trắng là đỉnh dốc trên đồ thị. Nhưng một vài nhà sản xuất lại định nghĩa rằng: thời gian đáp ứng là khoảng thời gian để điểm ảnh chuyển từ một màu tối này sang màu tối khác, tức là định nghĩa gray-to-gray.
*Thế giới HDTV |
*Để xem hình nét hơn với HDTV |
*Chọn màn CRT, Plasma hay LCD? |
*Plasma hay LCD? |
"Vì vậy, có một sự nhầm lẫn rất tai hại khi các hãng công bố con số này mà không nêu rõ thông số này được quan niệm theo định nghĩa nào. Hầu như hai khái niệm trên được ít người biết đến và các hãng cũng không có chú thích rõ ràng", ông Ian Miller, chủ tịch bộ phận Hiệp hội các tiêu chuẩn điện tử video VESA (Video Electronics Standards Association), một hiệp hội trong ngành công nghiệp hiển thị, cho biết. Ông Miller hiện còn kiêm luôn chức Giám đốc công nghệ của bộ phận hệ thống thông tin của Samsung ở Mỹ.
Chính các hãng kinh doanh màn hình LCD cũng lúng túng khi được yêu cầu giải thích rõ về vấn đề này. Một ví dụ cụ thể là một mẫu màn hình máy tính của Samsung, model SyncMaster 915n, cách đây hơn hãng quảng cáo với báo chí một con số về thời gian đáp ứng (chỉ có 4 ms) trong khi đưa vào catalog và trên website của sản phẩm về thông số này lại là một con số khác (8 ms). Rồi hãng giải thích là hai con số này đều chính xác.
"Nếu bạn xem phần quảng cáo, 4 ms là khoảng thời gian để điểm ảnh chuyển từ tối sang sáng, còn con số về thời gian đáp ứng được ghi trên website về sản phẩm là nói đến toàn bộ chu kỳ rise-and-fall (hay black-to-white-to-black). Đây chỉ là một mẹo trong quảng cáo, 4 ms cũng đúng mà 8 ms cũng không sai, ông David Nichols, Giám đốc Bộ Phận Tiếp thị của Kênh phân phối thiết bị Công nghệ Thông tin của Samsung cho biết.
Ông Nichols đổ lỗi sự cố này là do sự tồn tại của hai phép đo lường thời gian đáp ứng đang song song tồn tại.
Vậy một câu hỏi đặt ra là có thể để song song hai cách đo thời gian đáp ứng (rise-and-fall và gray-to-gray) này hay không? Rise-and-fall và gray-to-gray đều là những phương pháp đo thời gian đáp ứng rất hữu ích. Có hãng chỉ công bố thông số tính từ một trong hai cách này, có hãng công bố cả hai. Việc biết được thời gian đáp ứng rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, để từ đó họ có thể lựa chọn màn hình tuỳ theo ứng dụng chính của mình là gì, chẳng hạn dùng màn hình để thao tác với text, lướt web tĩnh hay chơi game, xem phim.
"Những game thủ siêu hạng khi mua màn hình thường quan tâm đến các con số này hơn bất kỳ những người chuyên khai thác ứng dụng máy tính nào. Đối với họ, khả năng để màn hình chuyển từ màu này sang màu khác hay thời gian đáp ứng tính theo định nghĩa gray-to-gray đáng lưu tâm hơn con số tính theo cách rise-and-fall", chủ tịch hiệp hội VESA, ông Miller khẳng định.
VESA đã định nghĩa rõ ràng cách tính theo rise-and-fall, nhưng lại không cụ thể hoá cách tính của gray-to-gray. Các chuyên gia công nghiệp đồng ý rằng trong màn hình LCD, thời gian chuyển đổi các gam màu tức thời gian đáp ứng tính theo gray-to-gray thường chậm hơn 3-4 lần so với cách tính bằng rise-and-fall. "Điện thế yêu cầu để một điểm ảnh chuyển từ tối sang sáng hoặc ngược lại thường cao hơn, vì thế khoảng thời gian đó cũng nhanh hơn. Điện thế dùng để chuyển từ một màu tối này sang màu tối khác cũng nhỏ hơn vì thế mà chậm hơn", Giám đốc tiếp thị Nichols của Samsung cho biết.
Một đại diện của hãng điện tử ViewSonic lại liên hệ đến xe hơi để giải thích vấn đề này. "Chế độ tắt hoàn toàn giống như mức đen của điểm ảnh và bật hoàn toàn giống như mức sáng của điểm ảnh. Nó tương tự như bàn đạp gas trong xe hơi bạn cũng có thể bật hoặc tắt, tuy nhiên ở màn hình không thể có khả năng tăng độ nhạy giữa hai trạng thái tắt và mở như trên xe hơi. Thời gian đáp ứng theo gray-to-gray thường chậm hơn lại còn sai khác nhau vì không thể có quá trình gia tốc", ông Erik Willey, Giám đốc phụ trách màn hình LCD của ViewSonic cho biết.
Willey tiết lộ rằng màn hình của ViewSonic có thời gian đáp ứng gray-to-gray khá ngắn đạt được với các model VX724 và VX924 vì hãng đã sử dụng công nghệ gia tốc điểm ảnh ViewSonic Amplified Impulse. "Việc chuyển màu tối sang sáng rồi lại về tối cũng giống như thao tác tắt mở của bàn đạp ga. Tuy nhiên, thật khó để có thể tạo cho sự chuyển đổi các gam màu diễn ra suôn sẻ được. Nhưng với công nghệ Amplified Impulse, chúng tôi đã gia tốc điểm ảnh thành công, và giữ cho việc chuyển đổi này rất chính xác trong cả hai phép đo bằng rise-and-fall và gray-to-gray", ông Willey cho biết.
Một số hãng sản xuất lại phủ nhận tính hữu ích của phép đo gray-to-gray. "Thông số đo được theo gray-to-gray là vô nghĩa vì nó không cho biết điểm bắt đầu là đâu", ông Ian Matthew, Giám đốc tiếp thị màn hình LCD của Sharp khẳng dịnh. Trong khi bàn về đồng nhất hoá tiêu chuẩn này, Sharp cho rằng gray-to-gray không thể được coi là phép đo phổ biến để áp dụng rộng rãi.
Giám đốc phụ trách sản phẩm của ViewSoni, ông Willey lại bảo vệ phép đo gray-to-gray của hãng ông, và cho rằng: "Chúng tôi đã kiểm tra từ các gam màu tối nhất để các game màu sáng nhất. Trên 256 điểm được theo dõi kiểm thử theo phép đo gray-to-gray, có tất cả 64.000 lần chuyển trạng thái", ông khẳng định rằng mặc dù ViewSonic rất coi trọng thông số thời gian đáp ứng gray-to-gray, nhưng hãng này cũng cho rằng thời gian đáp ứng tính theo rise-and-fall cũng rất hữu ích.
Màn hình LCD 19", ViewSonic VX924. |
Ý định của VESA là các hãng nên công bố cả hai thông số thời gian đáp ứng rise-and-fall và gray-to-gray. Nhưng thời hạn bắt buộc thực hiện điều này có thể từ giữa năm 2006 trở đi. "Rắc rối này tương lai sẽ được khắc phục. Nhưng sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể đưa các sản phẩm này vào đúng quỹ đạo", chủ tịch VESA, ông Miller nhận định.
Một ví dụ cụ thể để bạn có thể thấy rõ hơn về vai trò của thông số này. Một người chỉ sử dụng các ứng dụng tĩnh thông thường trên một màn hình LCD có thể không phân biệt được một màn hình có thời gian đáp ứng 4 ms và 12 ms khi cho chạy cùng một ứng dụng tĩnh. Nhưng các game thủ và những người chuyên khai thác các ứng dụng cao cấp hoàn toàn có thể nhận thấy sự khác biệt", theo nhà nghiên cứu thị trường màn hình của Isuppli, bà Alexander cho biết. Theo bà, một màn hình có thời gian đáp ứng từ 25 ms đến 30 ms cũng là tốt lắm rồi, trừ khi nó được ứng dụng để hiển thị những thước video tốc độ cao.
Tuy nhiên, bà Alexander lại cảnh báo mọi người: Khi chọn lựa màn hình, người ta cũng cần đánh giá khả năng hiển thị tổng thể của màn hình thay vì chỉ chú trọng vào một thông số, hay nói cách khác, thiếu một vài cây không có nghĩa là không còn rừng".
T.B. (theo PC World)