Một mẫu máy ảnh số SLR Sony trình làng năm 2003. (Reuters) |
Ngày 19/1 vừa qua, Konica Minolta đã tuyên bố nhượng một phần bộ phận kinh doanh camera số SLR của họ cho Sony, nhưng không tiết lộ kinh phí chuyển nhượng. Quyết định này cho thấy liên doanh đã rời bỏ hoàn toàn thị trường kinh doanh film ảnh và camera. Mặc dù vậy, việc tháng 7/2004 năm ngoái họ lựa chọn kết hợp cùng nhau sản xuất camera SLR số, loại máy đắt tiền nhưng chất lượng tốt hơn máy chụp nhanh với các thấu kính cho phép hoán đổi không là một sự kiện gây ngạc nhiên hay bị coi là một quyết định sai lầm.
Sony hiện là nhà sản xuất camera số lớn thứ hai thế giới sau Canon nhưng vẫn lép vế hơn trong thị trường camera số SLR, bởi thiếu bề dày kinh nghiệm trong việc kinh doanh thấu kính hoán đổi được từ thời máy cơ SLR dùng film.
Thị trường thấu kính cho máy số SLR hiện vẫn do một số các hãng camera cũ có tên tuổi nắm giữ, với hàng triệu chiếc thấu kính rời được bán ra trong suốt kỷ nguyên máy cơ. Đây thực sự là một thị trường trọng điểm, bởi mỗi máy số SLR có khi cần tới nhiều thấu kính khác nhau. Canon và Nikon vẫn là hai ông lớn chia sẻ phần lớn thị phần máy số SLR, nhưng Pentax và Olympus gần đây cũng bắt đầu bắt tay với các hãng điện tử hòng gia tăng thị phần.
Ông Yutaka Nakagawa, chủ tịch bộ phận kinh doanh thiết bị nhiếp ảnh số của Sony cho biết, công ty đang nhắm 20-25 thị phần thị trường camera số SLR đầy triển vọng, bằng những sản phẩm chất lượng tốt với giá thành không quá "mắc", coi đây là tầng thị trường trọng điểm.
"Thị trường này tuy cạnh tranh quyết liệt nhưng có ít hãng tham gia, nên việc Sony mơ tới phần bánh lớn không có gì là hoang đường", chủ tịch Nakagawa khẳng định.
*Konica Minolta rời thị trường máy ảnh cơ |
*Nikon tập trung vào máy ảnh số |
Nakagawa cho biết Sony có nhiều lợi thế khi tham gia thị trường này. Đó là khả năng tự sản xuất chip cảm biến ảnh, màn hình và pin dành cho các loại camera số, cũng như những kinh nghiệm tích luỹ trong lĩnh vực nghe nhìn trên các sản phẩm điện tử.
Sony đang có kế hoạch ra mắt các model đầu tiên sử dụng thấu kính Maxxum/Dynax của Konica Minolta vào mùa hè tới. Điều đó có nghĩa là Sony đã có được quyền sử dụng các thấu kính này vào các camera SLR của Sony. Những thấu kính đó từng giúp các ông chủ cũ của nó, liên doanh Konica Minolta, bán được 16 triệu chiếc trong những năm qua.
Nakagawa nhắc lại mục tiêu của Sony phải bán được 13,5 triệu chiếc camera số trong năm tài chính này, tính đến tháng 3 tới. Một số model dành cho thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm, các quan chức địa phương của Sony lý giải là do chưa đáp ứng đúng nhu cầu chất lượng của người dùng. "Mặc dù không bán chạy ở thị trường Trung Quốc, việc kinh doanh camera số ở các thị trường khác của chúng tôi vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn tiếp tục tiến bước", ông khẳng định.
Chủ tịch Nakagawa còn bổ sung mặc dù mục tiêu của Sony về camera số SLR là 20% thị trường toàn cầu, nhưng hãng không hy vọng chỉ tiêu này đạt được ngay trong một sớm một chiều.
T.B. (theo Reuters)