Cyber-shot DSC-R1 là cầu nối độc đáo giữa thế giới máy ảnh bán chuyên và máy ảnh ống kính rời cao cấp. Máy có màn hình xoay, nhiều chế độ chỉnh tay, một ống kính Carl Zeiss sắc nét và cơ động và một chip cảm quang CMOS 10 triệu điểm ảnh có kích thước lớn tương đương với chip cảm quang của các máy ống kính rời điển hình.
DSC-R1 là một trong những máy ảnh lớn nhất và nặng nhất trong thế giới máy ảnh số nghiệp dư với kích thước 139x168x97 mm và khối lượng 995 g. Chắc chắn là khi đọc những thông số đó, nhiều người sẽ gạt bỏ ngay viễn cảnh sẽ để được DSC-R1 trong túi áo khoác. Do ống kính lớn nên khối lượng của máy dồn về bên trái, nhưng tay cầm bên phải đủ lớn và sâu để bạn có thể cầm máy bằng một tay. Tất nhiên, người sử dụng nên cầm máy bằng hai tay, với tay trái đặt dưới ống kính, khi chụp.
Kiểu dáng của máy cũng có phần hơi khác thường. Chẳng hạn, màn hình LCD (2 inch, độ phân giải 134.000 pixel) không nằm ở phía sau như ta vẫn thường thấy, mà nằm ở trên đỉnh và có khả năng vặn ngược 270 độ sau khi lật lên. Bình thường, khi không sử dụng, màn hình có thể gập xuống và nằm ngang bằng với mặt phẳng trên đỉnh máy. Khả năng chuyển động linh hoạt của màn hình cho phép người chụp quan sát từ mọi góc độ; thậm chí còn có thể cầm máy ngang hông để chụp những đối tượng ở tầm thấp mà không phải cúi người xuống. Nhược điểm là ở chỗ bạn phải mất thời gian để điều chỉnh màn hình mỗi khi dùng máy, trừ khi bạn không gập nó xuống sau khi tắt nguồn. Được phủ một lớp chống chói, màn hình có độ sáng và nét cao, đồng thời hiển thị tốt dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Khe ngắm điện tử nhô cao hơn mặt phẳng phía sau thân máy khoảng 3 cm. Kích thước đường chéo 0,44 inch, nó có độ phân giải lên tới 234.000 pixel. Khe ngắm có chế độ chuyển đổi tự động để người chụp có thể chuyển từ chế độ ngắm qua màn hình sang chế độ ngắm qua khe ngắm. Mặc dù có độ phân giải lớn song bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi ngắm qua khe ngắm điện tử này, và độ chính xác thì thua xa khe ngắm quang học.
Nếu nhìn DSC-R1 lần đầu, rất có thể bạn sẽ cảm thấy "hoa mắt" trước hệ thống nút dày đặc và được bố trí hơi khác thường của nó, nhưng khi đã dùng quen thì bạn sẽ thấy chúng được bố trí hợp lý. Các nút chọn giá trị bù trừ độ phơi sáng, độ tương phản, chế độ chụp hẹn giờ, chế độ phóng to khi xem lại được đặt ở bên dưới khe ngắm điện tử.
Ngoài các chế độ tự động, R1 cũng sở hữu đầy đủ các tính năng chỉnh tay. Một trong những bộ phận nổi bật là ống kính góc rộng với phổ tiêu cự 24-120 m (tính theo máy dùng phim 35 mm), rất lý tưởng với những cảnh chụp góc rộng, và chip cảm biến CMOS loại APS có độ phân giải 10 triệu điểm ảnh. Những người yêu thích chụp cận cảnh sẽ cảm thấy thất vọng vì máy không thể lấy nét được đối tượng nằm trong tầm 35 cm trở xuống. Mặc dù có vòng lấy nét chỉnh tay và vòng chỉnh zoom, song ống kính hoạt động không được nhanh cho lắm.
DSC-R1 có khá nhiều hiệu ứng màu, trong đó có chế độ màu RGB tiêu chuẩn - cho phép tái hiện những bức ảnh có màu sắc tương đối tự nhiên, đặc biệt là các tông màu da người. Chế độ Vivid giúp làm tăng độ sống động của màu sắc bằng cách kết hợp hài hoà các gam màu đỏ, xanh dương và xanh lục. Cuối cùng là chế độ Adobe RGB, với bảng màu rộng nhất và rất lý tưởng cho những ảnh mà bạn có ý định chỉnh sửa thêm trong các chương trình biên tập ảnh, chẳng hạn như Photoshop. Ngoài các chế độ cân bằng trắng dành cho những cảnh có ánh nắng mặt trời, mây, ánh sáng nến, đèn huỳnh quang, đèn flash, bạn có thể từ điều chỉnh thông số cân bằng trắng bằng tay với 3 mức gia số.
Sony đã "mượn" chức năng Zebra Stripes từ các máy quay số để thay thế cho biểu đồ độ phơi sáng trong một vài trường hợp. Chức năng này báo cho người chụp biết những vùng tâm điểm bị loá và sửa chữa chúng bằng các sọc ảnh động; sau đó bạn có thể giảm độ tương phản hay độ phơi sáng.
Các tính năng đáng chú ý khác gồm: dải giá trị nhạy sáng từ IS 160 đến ISO 3.200, hệ thống lấy nét tự động 5 điểm TTL với các kiểu đo sáng tâm điểm, ưu tiên trung tâm và ma trận, khả năng lưu trữ định dạng RAW, tốc độ chụp từ 3 phút tới 1/2.000 giây, biểu đồ độ phơi sáng, khe cắm hotshoe dành cho đèn flash ngoài. Người chụp có thể điều chỉnh độ bão hoà, tương phản và độ nét cho ảnh ngay sau khi chụp trước khi lưu trữ.
Phiên bản 10 "mê" này dùng cả thẻ nhớ Memory Stick Pro và CompactFlash loại I/II. Máy dùng pin InfoLithium của riêng Sony (có thể sạc được ở trong máy) và có cổng USB cũng như ngõ xuất tín hiệu ra tivi.
So với các máy nghiệp dư cao cấp khác, tốc độ làm việc của DSC-R1 được đánh giá là nhanh, nhưng không phải là nổi bật. Thời gian khởi động là 1,3 giây, thời gian chờ giữa 2 ảnh JPEG chưa đến 1 giây. Khi chụp ở định dạng RAW, thời gian chờ giữa 2 ảnh là 1,9 giây. Thời gian trễ màn trập là 0,4 giây trong môi trường đủ sáng và tăng lên 1,2 giây trong môi trường ánh sáng yếu. chế độ chụp liên tiếp, R1 có thể chụp tối đa 3 ảnh JPEG với tốc độ 4,3 ảnh/giây. Một điểm đáng buồn đối với những người thích chụp ảnh RAW là máy không thể chụp liên tiếp ở định dạng này.
Đèn flash cung cấp đủ ánh sáng ngay cả trong môi trường tối hoàn toàn và tỏ ra hữu ích trong những cảnh chụp chân dung trong nhà.
Nhìn tổng thể, Cyber-shot DSC-R1 cho ra những bức ảnh xuất sắc, đặc biệt là ở độ nhạy sáng thấp, với những chi tiết sắc nét và độ bão hoà màu chuẩn. Những ảnh có trường sâu ảnh hạn chế trông rất mịn ở những vùng ngoài vùng lấy nét, và các cấp độ màu giữa vùng tối và sáng trông khá tự nhiên. Ngoại trừ những ảnh chụp ở độ nhạy sáng cao, phần lớn ảnh có màu sắc tự nhiên và không có đường răng cưa.
Ảnh không có nhiễu ở ISO 160, 200 và thậm chí là 400. Các vết lẫn màu xuất hiện ở những vùng ảnh tối ở độ nhạy sáng ISO 800, nhưng ngay cả khi chọn ISO 1.600, mức nhiễu cũng không đáng kể trong những cảnh được chiếu sáng đều. Những ảnh chụp ở ISO 3.200 có nhiều vết "loạn màu" ở những vùng tối - một hiện tượng thường thấy ở những ảnh chụp với mức nhạy sáng này.
Sản phẩm hiện đã được bán tại Việt Nam với giá 1.050 USD.
Việt Linh (theo Cnet)