Nếu bạn là người thích những máy ảnh "đầm tay" để chống rung thì E-500 có lẽ không phải là máy ảnh mà bạn quan tâm. Song với những người thích những máy ảnh dSLR nhẹ thì nó là một sự lựa chọn được xem xét đầu tiên. Với khối lượng 435 g (nguyên thân máy), E-500 thậm chí còn nhẹ hơn EOS 350D của Canon tới 55 g.
Chưa phải là phiên bản "đỉnh cao" trong dòng máy ống kính rời, song E-500 có kiểu dáng gần giống với EOS 350D của Canon. So với "tiền bối" E-300, E-500 có hệ thống nút điều khiển hợp lý và dễ hiểu hơn. Các phím trong tổ hợp điều chỉnh hướng kiêm thêm các chức năng điều chỉnh cân bằng trắng, lấy nét tự động, ISO và đo sáng. Chỉ có một bánh xe điều khiển nằm ở phía bên phải đỉnh máy, ngay cạnh nút xoay chọn chế độ. Các ngón tay của người chụp sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bao quanh lớp cao su bọc quanh tay cầm lớn. Vị trí hơi lệch về bên phải của ống kính (nhìn từ phía trước) cũng làm tăng thêm không gian cho tay cầm của máy. Chính vì thế, bạn có thể cầm máy bằng một tay khi chụp.
Để hoàn thiện diện mạo "pro" cho E-500, Olympus trang bị cho máy khe ngắm quang học được thiết kế theo kiểu lăng kính 10 cạnh, đèn flash "pop-up" và khe cắm thông minh hotshoe trên đỉnh máy. E-500 dùng cảm biến ảnh CCD 4/3 với độ phân giải 8,15 triệu điểm ảnh, trong đó có 8 triệu điểm ảnh hiệu dụng.
Đèn trợ sáng hồng ngoại không có mặt trên E-500, và đèn flash kiêm luôn chức năng của nó: trợ sáng trong những tình huống có ánh sáng mạnh từ môi trường xung quanh. Trong hầu hết trường hợp, đèn flash hoạt động rất tốt, tốc độ chiếu sáng nhanh; vị trí trên đỉnh máy giúp cho nó giảm được đáng kể hiện tượng mắt đỏ.
Đèn flash bật lên rất cao khi hoạt động nên hạn chế được tối đa hiện tượng mắt đỏ. |
Khác với nhiều máy dSRL, E-500 không có màn hình LCD nhỏ trên đỉnh máy. Vì thế, người sử dụng sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình LCD 2,5 inch để thay đối thông số. Đương nhiên, việc sử dụng màn hình thường xuyên sẽ làm cho pin nhanh "kiệt sức" hơn. Thế nhưng, nếu bạn chọn ngắm qua khe ngắm, màn hình sẽ hiển thị một cột trạng thái phía bên phải với nhiều thông tin đa dạng như độ mở ống kính, tốc độ chụp, mức bù trừ độ phơi sáng, thời gian dùng pin, kiểu đo sáng...vv.
Là một máy ảnh ống kính rời dSLR, E-500 cho phép người sử dụng thay đổi ống kính trong các tình huống chụp. Bạn cần nhớ rằng máy được tích hợp bộ lọc siêu âm (Supersonic Wave Filter) - bộ phận chính của hệ thống lọc bụi. Hệ thống này tạo ra trung bình 30.000 rung động siêu âm trong một phút ngay sau khi bật nguồn để "quét" bụi về phía bộ lọc siêu âm. Sau đó, bộ phận hút bụi nằm ở dưới bộ lọc sẻ đảm nhận nốt phần việc còn lại.
Hai bên thân máy. |
Nếu từng sử dụng E-300, bạn sẽ nhận thấy cách bố trí nút của nó không hợp lý bằng E-500. Nếu không muốn "động tay" nhiều, bạn có thể truy cập các chức năng, chế độ qua trình đơn trên màn hình bằng cách sử dụng nút chọn chế độ và tổ hợp điều chỉnh hướng. Có hai chế độ hiển thị màn hình: thông thường và chi tiết. chế độ thông thường, chữ được hiển thị ở cỡ lớn và dễ đọc, nhưng tất nhiên là số tuỳ chọn hiện lên màn hình sẽ ít hơn.
Các tuỳ chọn chụp ảnh trên E-500 rất phong phú và đa dạng. Máy ảnh ống kính rời này có 15 chế độ cảnh chụp điển hình của dòng máy "ngắm và chụp", cộng với 4 chế độ phơi sáng thường thấy trên các máy cao cấp: lập trình sẵn, ưu tiên độ mở ống kính, ưu tiên tốc độ chụp và chỉnh tay hoàn toàn. chế độ tự động, bạn chỉ có thể chọn độ nhạy sáng tối đa là ISO 400, còn ở chế độ chỉnh tay, độ nhạy sáng thấp nhất là ISO 800, cao nhất là ISO 3.200. Tốc độ chụp cũng có thể giảm xuống mức thấp nhất là 30 giây và mức cao nhất là 1/4.000 giây ở chế độ chỉnh tay. Theo đánh giá của nhiều người, E-500 đã nối liền được khoảng cách giữa dòng máy ảnh "ngắm và chụp" đơn giản và dòng máy ống kính rời cao cấp, giúp cho những nhiếp ảnh gia nghiệp dư tiếp cận dễ dàng hơn với phong cách chụp ảnh chuyên nghiệp.
Nút điều chỉnh cân bằng trắng kiêm thêm nhiệm vụ kích hoạt trực tiếp chức năng phóng to ảnh (lên tối đa 10 lần) bằng zoom số. Với khe cắm thẻ nhớ kép, người sử dụng có thể chọn thẻ CompactFlash (hiện đã có loại 1 GB) hoặc xD-Picture,
Thời gian chờ từ lúc khởi động đến lúc chụp được kiểu ảnh đầu tiên là 1,5 giây (khá nhanh). Thời gian dừng giữa hai kiểu liên tiếp là 0,5 giây và tăng lên gần 1 giây khi có đèn flash.Máy mất 1,4 giây để lấy nét. Nếu chụp ở định dạng RAW, thời gian chờ máy lưu trữ ảnh lên thẻ nhớ mất 4,2 giây, còn đối với ảnh JPEG thì mất 3,2 giây. Chế độ chụp liên tiếp không chê vào đâu được. E-500 chụp được 5 ảnh ở độ phân giải cao nhất với tốc độ 2,5 hình/giây. Tất nhiên, máy cũng có tuỳ chọn chụp liên tiếp cho đến khi đầy thẻ nhớ, nhưng người chụp vẫn phải nhấn nút bấm chụp nhiều lần vì máy không thể chụp thêm khi bộ nhớ đệm đầy. Nếu chọn chụp liên tiếp ở định dạng RAW, máy chỉ có thể chụp được 4 ảnh, sau đó bạn phải nhấn nút bấm chụp để chụp tiếp.
Thông số kỹ thuật |
Kích thước: 130x95x66 mm Cảm biến: CCD, 8 triệu điểm ảnh hiệu dụng Lấy nét: tự động, chỉnh tay, đơn, liên tục, TTL Tốc độ chụp: 1/4.000 - 1 giây Kiểu đo sáng: tâm điểm, ma trận, ưu tiên trung tâm Chế độ phơi sáng: tự động, lập trình, ưu tiên độ phơi sáng, ưu tiên tốc độ chụp, chỉnh tay Chụp bù trừ độ phơi sáng: có Chụp bù trừ ánh sáng flash: có Hỗ trợ PictBridge: có Kết nối: USB Điều khiển từ xa: hồng ngoại Chế độ cảnh chụp: 15 Giá bán: 940 USD |
Pin Lithium-Ion 1.500 mAh của E-500 cho phép chụp hơn 300 khung hình sau mỗi lần sạc, trong đó thao tác định dạng thẻ, xem ảnh và kiểm tra thông số được thực hiện thường xuyên. Có một bộ phận có thể gây thất vọng cho bạn, đó là cổng USB 1.1 - có tốc độ chậm hơn nhiều so với cổng USB 2.0. Bạn phải đợi hơn 6 phút mới có thể chuyển 1 GB ảnh sang máy tính qua bộ đọc thẻ và mất 23 phút nếu dùng cổng USB.
Một điểm cần chú ý là E-500 có thể lưu trữ được rất nhiều định dạng ảnh: RAW, TIFF, SHQ, HQ và SQ. Với mỗi cấu hình ở định dạng JPEG, có 4 mức nén để lựa chọn. Chẳng hạn, ở độ phân giải tối đa JPEG SHQ, mức nén 1/2.7 sẽ cho ra file 6,4 MB; 1/4 cho file 4,5 MB; 1/8 cho file 2,5 MB và 1/12 cho file 1,8 MB. Tuỳ thuộc vào dung lượng thẻ nhớ, người chụp có thể tính toán số lượng ảnh có thể lưu trữ để chọn mức nén.
Khi tháo ống kính. |
Nhìn chung màu sắc của ảnh trông sống động, mặc dù hiện tượng loá trong điều kiện ánh sáng mạnh có thể làm cho nhiều ảnh bị lẫn màu do máy bù màu không chuẩn. Hiện tượng "thừa" độ phơi sáng cũng đôi khi xảy ra, khiến cho ảnh có viền hình răng cưa. Nhiễu không đáng kể cho đến tận ISO 800 nếu bạn chỉ in ảnh ra giấy khổ nhỏ. Do đèn flash ở trên cao nên hiện tượng mắt đỏ hiếm khi xảy ra.
Phần mềm Olympus Master kèm theo E-500 cho phép người chụp biên tập ảnh RAW sau khi chụp. Bạn có thể thay đổi giá trị bù sáng, cân bằng trắng, độ tương phản, độ nét và độ bão hoà màu. Máy không có tuỳ chọn preview (xem trước), vì thế bạn sẽ cảm thấy hơi khó khăn khi chọn thông số.
Việt Linh (theo Cnet)