Thuê bao di động sẽ có nhiều lựa chọn hơn. |
Đề án chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu cách đây 1 năm, và dự định áp dụng khi thị trường viễn thông vượt qua giai đoạn phát triển nóng và thị phần của các doanh nghiệp đã được phân chia rõ ràng. Khi ấy cạnh tranh giữa các mạng di động sẽ khốc liệt hơn, doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ hấp dẫn, giá cước rẻ, chất lượng tốt sẽ giữ chân được các thượng đế.
Theo Bộ Bưu chính Viễn thông, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng cách thức chuyển đổi này cho khách hàng khi thị trường di động bão hòa về tốc độ phát triển thuê bao. Chẳng hạn, ở Hong Kong, số người sở hữu ít nhất một máy di động đã chiếm tới trên 3/4 dân số. Khi tốc độ phát triển thuê bao không còn là vấn đề bức xúc với các doanh nghiệp, Chính phủ nước này quyết định mở cửa cạnh tranh cho phép khách hàng được lựa chọn mạng di động mình thích mà không cần phải đổi số. Không chỉ Hong Kong, một số nước như Nhật Bản, Mỹ... cũng áp dụng cách thức này.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo VinaPhone, Viettel, S-Fone cũng nhìn nhận, đây là xu hướng tất yếu khi tốc độ phát triển thuê bao không còn là vấn đề nóng. Tuy nhiên, đề án này vẫn còn khá xa vời khi áp dụng tại VN.
*S-Fone khuấy động thị trường |
*Mạng 098 tiên phong kết nối YM |
Theo Viettel, việc chuyển mạng di động không cần đổi số chỉ có thể thực hiện khi các mạng đã đạt được số lượng thuê bao đủ, cơ hội và rủi ro ở mức 50:50, cạnh tranh chỉ còn là chất lượng và các dịch vụ giá trị gia tăng. Khi ấy, không cần "ép" mà bản thân các doanh nghiệp cũng muốn làm.
Theo nhiều chuyên gia kỹ thuật, đề án này nếu được áp dụng vào thực tế, thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp muốn thu hút khách hàng không có cách nào khác là phải đổi mới công nghệ, ứng dụng nhiều dịch vụ mới như chỉ dẫn, định vị vệ tinh... Bên cạnh đó, tình trạng nghẽn mạch cũng sẽ được hạn chế đến mức tối đa. "Tuy nhiên, đó là câu chuyện của mấy chục năm nữa chứ không phải là thời điểm hiện nay", một chuyên gia thừa nhận.
Hiện nay, Viettel và S-Fone đang thực hiện chính sách cho phép các khách hàng giữ nguyên 7 số cuối khi chuyển mạng di động. Nếu đề án của Bộ Bưu chính Viễn thông được áp dụng vào thực tế, các thuê bao chuyển mạng sẽ giữ nguyên cả 10 số. Chẳng hạn từ mạng 098 muốn chuyển sang 091 vẫn được giữ nguyên đầu số 098. |
Ông phân tích, về mặt kỹ thuật, một mạng có thể duy trì nhiều đầu số, có điều chi phí bỏ ra cho việc làm này sẽ rất tốn kém. Nhà cung cấp bắt buộc sẽ phải lập trình lại hệ thống tính cước, tổng đài... để nhận dạng tất cả các thuê bao di động của mạng khác... Khi ấy, việc quản lý thuê bao sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí việc ăn chia tỷ lệ giữa các doanh nghiệp cũng không mấy đơn giản.
Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông Nguyễn Xuân Trụ cũng thừa nhận, đề án này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu chứ chưa thể áp dụng vào thực tế hiện nay vì người tiêu dùng và bản thân các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Ông cho biết, kinh nghiệm ở các nước, khách hàng vẫn phải đóng một khoản phí khá cao khi muốn chuyển mạng.
(Theo VnExpress)