Quảng cáo đã phát triển một bậc. (Ccwap) |
"Sự kết hợp giữa rạp chiếu phim và điện thoại sẽ tạo ra mảnh đất lý tưởng để giới thiệu sản phẩm mới, như dịch vụ tải nhạc V-Cast của chúng tôi", Suzy Deering, Giám đốc truyền thông của Verizon Wireless, cho biết. "Chúng tôi đang tìm kiếm những môi trường có khả năng thu hút tối đa sự chú ý của khách hàng và rạp hát chính là câu trả lời".
*Ép xem quảng cáo |
*Quảng cáo truyền hình: Thuyền nào, sóng nấy |
*Disney dùng iPod để quảng cáo |
Chỉ sau vài năm, quảng cáo trong rạp đã tiến triển từ những tấm áp phích dán tại các đại lý bán lẻ thành chiến dịch tiếp thị đa dạng, tích hợp giữa màn hình điện thoại, các phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số và toàn bộ rạp hát. Nhiều công ty cảm thấy đây là nơi tuyên truyền đến người tiêu dùng hiệu quả và thuyết phục nhất, đặc biệt đối với giới trẻ - những người chẳng mấy khi để mắt đến những phương pháp quảng bá truyền thống.
Verizon là một trong bốn tập đoàn vừa ký hợp đồng với nhà quản lý quảng cáo tại các rạp chiếu bóng Screenvision. Bốn công ty này sẽ trả cho Screenvision 35 triệu USD - một con số tương đối lớn so với mức phí trung bình hiện nay. Năm 2004, doanh thu quảng cáo trên 14.000 màn hình tại các rạp ở Mỹ là 1-3 triệu USD/tháng.
Theo công ty tư vấn nghe nhìn Veronis Suhler Stevenson (New York), chi phí cho quảng cáo trong rạp hát đã đạt 520 triệu USD, tức tăng 19% vào năm 2005 ở Mỹ. Hãng ôtô Dodge thậm chí còn trưng bày sản phẩm tại sảnh rạp trong suốt chiến dịch khuếch trương dòng xe Caliber.
Công ty sản xuất bánh kẹo Hershey's cũng phân phối miễn phí 1,5 triệu thỏi chocolate "Take 5" trong rạp Screenvision và khuyến khích mọi người vào website để bình chọn liệu đó có phải "thanh kẹo ngọt ngào nhất" hay không. "Chúng tôi muốn khách hàng tự lựa chọn và đánh giá", đại diện của Hershey's khẳng định.
Có vẻ như khán giả sẽ phải theo dõi nhiều quảng cáo hơn khi đi xem phim thời gian tới, nhưng không phải công ty nào cũng ủng hộ ý tưởng trên. Theo một khảo sát hồi tháng 3/2006 của hãng Nielsen Entertainment, 54% những người được hỏi cảm thấy khó chịu khi phải "chịu đựng" quảng cáo trong rạp, còn 20% khác khẳng định họ sẽ không đến những rạp có quảng cáo.
(Theo VnExpress)